Chỉ tiêu phân bổ đất đô thị tập trung nhiều nhất ở quận 9, Tp.HCM
Trong số 24 quận huyện trên địa bàn, quận 9, Tp.HCM được phân bổ nhiều chỉ tiêu đất đô thị nhất với 11.397 ha trong tổng số 61.704 ha được phân bổ. Ngoài ra, đây cũng là địa bàn được phân bổ 913 ha đất khu công nghệ cao.
Văn bản khẩn vừa được UBND Tp.HCM gửi Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, UBND 24 quận - huyện với nội dung liên quan việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất trong điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của TP.
Theo đó, tổng chỉ tiêu phân bổ đất nông nghiệp là 88.000 ha, chia cho quận 9 và 5 huyện ngoại thành.
Tổng chỉ tiêu phân bổ đất phi nông nghiệp là 118.890 ha và được phân bổ cho 24 quận - huyện. Với nhóm đất này, chỉ tiêu phân bổ chủ yếu tập trung ở 5 huyện ngoại thành, trong đó Cần Giờ được phân bổ nhiều nhất với 22.984 ha. Vị trí thứ hai là Củ Chi với diện tích phân bổ là 16.746 ha. Ba vị trí tiếp theo là Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn với chỉ tiêu phân bổ lần lượt là 15.740 ha, 7.993 ha và 7.495 ha. Trong số các quận còn lại (19 quận) thì chỉ tiêu phân bổ đất phi nông nghiệp cho quận 9 là cao nhất với 9.929 ha. Quận 4 được phân bổ ít chỉ tiêu nhất với 418 ha.
Quận 9 cũng là địa bàn dẫn đầu chỉ tiêu phân bổ ở nhóm đất đô thị so với 23 quận - huyện còn lại, cụ thể là 11.397 ha trong tổng số 61.704 ha. Bên cạnh đó, địa bàn này còn được phân bổ 913 ha đất khu công nghệ cao.
Đáng chú ý trong chỉ tiêu phân bổ này, huyện Cần Giờ vẫn đang có 309 ha đất chưa sử dụng. Tp.HCM không quy hoạch đất làm khu kinh tế.
Sau khi đưa ra chỉ tiêu phân bổ như nêu trên, UBND Tp.HCM cũng giao các sở, ngành, đơn vị liên quan và UBND quận - huyện cần nhanh chóng thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của địa phương (đối với 5 huyện).
Một số vị lãnh đạo Tp.HCM đang xem bản đồ điều chỉnh quy hoạch
sử dụng đất của thành phố. Ảnh: Phan Anh
Trên cơ sở chỉ tiêu được phân bổ, UBND TP yêu cầu các đơn vị, quận - huyện phải tổ chức giám sát, theo dõi, đôn đốc, triển khai thực hiện kế hoạch sử dụng đất đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm quỹ đất. Đồng thời, đảm bảo tăng nguồn thu ngân sách, phù hợp phát triển kinh tế xã hội địa phương cũng như đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và UBND quận - huyện có liên quan xác định khu vực đồng thời công khai diện tích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng cần bảo vệ để người dân được biết.
UBND Tp.HCM cũng giao Sở Tài nguyên - Môi trường giữ vai trò là cơ quan đầu mối, theo dõi, đôn đốc các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND quận - huyện thực hiện nghiêm túc các nội dung mà UBND TP đã chỉ đạo; tham mưu UBND TP trong việc công khai các tài liệu về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) của thành phố theo quy định. Cơ quan này cũng cần báo cáo, đề xuất kịp thời cho UBND TP những vướng mắc, phát sinh (nếu có) khi tổ chức thực hiện.
Cách đây không lâu, UBND Tp.HCM cũng đã tổ chức hội nghị công bố Nghị quyết 80/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020). Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong giao nhiệm vụ cho các đơn vị, quận - huyện phải công khai Nghị quyết 80 với kế hoạch sử dụng đất từng năm. Đồng thời, các cơ quan này cũng phải công khai các dự án cụ thể, chỉ tiêu sử dụng đất đến năm 2020 để người dân theo dõi và giám sát. Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu công khai phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư tại UBND cấp xã, các địa điểm sinh hoạt chung có nhiều người dân tham gia.
Chủ tịch UBND Tp.HCM nhận định, với sự công khai thông tin như trên, các nhà đầu tư sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện dự án và có thể giám sát được việc thực hiện, đảm bảo quyền lợi của người có đất cũng như giúp cơ quan quản lý theo dõi tiến độ dự án. Trên cơ sở đó, phát hiện, ngăn chặn kịp thời những sai phạm (nếu có) trong quản lý và sử dụng đất.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet