Chi phí xây nhà tăng cao | ảnh 1

Một công trình xây dựng trên đường Hồ Văn Huê, P.9, Q.Phú Nhuận, Tp.HCM  - Ảnh: T.T.D.

Với giá sắt thép, xi măng, gạch, ngói, sơn, các thiết bị lắp đặt nhà bếp, nhà tắm... tăng trong thời gian qua, một số nhà thầu tính toán tổng chi phí vật liệu, nhân công cho các công trình đã tăng tới gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Choáng với giá tăng

Tìm hiểu hết đại lý này đến cửa hàng vật liệu xây dựng khác khắp khu vực Q.Thủ Đức, Q.9 (Tp.HCM), anh Nguyễn Văn Công và vợ đang cố gắng tìm được nguồn vật liệu xây dựng giá “mềm” hơn so với những nơi đã có báo giá để không bị “thủng túi” khi xây ngôi nhà một trệt, một lầu tại đường Trương Văn Hải, P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9, Tp.HCM. “Giá vật liệu xây dựng đang tăng mạnh khiến tính toán chi phí xây dựng của tôi phải thay đổi. Trước đó vợ chồng tôi chuẩn bị 250 triệu đồng xây nhà, nay bắt tay vào làm mới choáng váng vì giá cả đội lên thêm khoảng 50 triệu đồng” - anh Công cho biết. So với dự tính, giá thép tăng thêm hơn 1 triệu đồng/tấn, gạch lát sàn nhà tăng thêm gần 50.000 đồng/m2, tiền công xây dựng tăng 100.000-120.000 đồng/m2, gạch tăng ít nhất 100 đồng/viên và được thông báo tuần sau sẽ tăng tiếp...

Là công ty chuyên thiết kế và nhận thầu các công trình xây dựng dân dụng, ông Lê Phước Sơn, giám đốc Công ty TNHH thiết kế xây dựng Kiến Phát (Tp.HCM), cho biết do tác động của vật liệu xây dựng, đồ nội thất tăng giá quá cao nên thị trường xây dựng rơi vào tình trạng ế ẩm. Với các dự án đang xây dựng, đặc biệt là với những hợp đồng “trao chìa khóa tận tay” đang khiến nhà thầu rơi vào thế cực khó. Bởi giá cả đã được thương lượng và ký trong hợp đồng từ cuối năm ngoái, trong đó có điều khoản chủ nhà chia sẻ chi phí trong trường hợp sắt thép, vật liệu tăng giá nhưng hầu như điều này chưa được thực hiện.

Ông Sơn cho biết tất cả vật tư như sắt thép, gạch, ngói, sơn... đều đã tăng giá 15-20% so với cuối năm 2010. Để giữ uy tín với khách hàng, công ty vẫn phải sử dụng đúng vật tư, thiết bị như cam kết ban đầu, không thể thay đổi vật liệu để giảm áp lực giá thành. “Chúng tôi chỉ hi vọng chủ nhà chia sẻ phần đội giá nhưng phải chờ công trình hoàn tất mới có thể thương lượng” - ông Sơn nói. Hiện Công ty Kiến Phát đang nhận làm ba dự án, trong đó có hai nhà phố tại Tp.HCM, một công trình tại Bình Dương. Cả ba dự án này đều đang bị đội giá so với hợp đồng.

Cầu ảo đẩy giá lên cao?

Ghi nhận thị trường vật liệu xây dựng ở Tp.HCM thời gian qua cho thấy giá hàng loạt mặt hàng sắt thép đã được điều chỉnh tăng mạnh. Từ đầu tháng 3/2011, các công ty thép như VN Steel, gang thép Thái Nguyên, Vina Kyoei... đều thông báo tăng giá thép từ mức 300.000 - 600.000 đồng/tấn tùy loại. Ngay lập tức giá thép trên thị trường điều chỉnh liên tục.

Chỉ trong vòng năm ngày, có cửa hàng thép đã thông báo tăng giá hai lần và gửi bảng báo giá cho khách hàng với mức tăng 400.000 - 1.500.000 đồng/tấn, tùy sản phẩm của các công ty. Cụ thể, sau khi tăng giá 150.000 đồng/tấn các loại, thép cuộn của Vina Kyoei chưa bao gồm phí vận chuyển bán tại cửa hàng trên đường Trường Chinh, P.14, Q.Tân Bình của doanh nghiệp tư nhân Thái Sơn I loại phi 6-8 giá 19,1 triệu đồng/tấn, thép cây xấp xỉ 19,2 triệu đồng/tấn.

Kiểm tra về giá của Chi cục Quản lý thị trường Tp.HCM cho thấy liên tiếp trong hai tuần gần đây, tuần nào cũng có hãng thép tăng giá thêm vài trăm ngàn đồng/tấn. Nếu tính từ sau Tết âm lịch, các doanh nghiệp sản xuất thép đều đồng loạt điều chỉnh giá bán với tổng mức tăng xấp xỉ 1,5 triệu đồng/tấn.

Trong khi giá vật liệu xây dựng liên tục leo thang, nhu cầu tiêu thụ thực tế lại không lớn. Do lãi suất vay ngân hàng quá cao nên hàng loạt công trình xây dựng đang phải “án binh bất động”. Tiêu thụ thép trong những ngày đầu tháng 3 khá ảm đạm sau một thời gian giá tăng vùn vụt. Ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN (VSA), cho biết lượng thép tiêu thụ trong tháng 2-2011 ước 467.000 tấn, cao hơn dự báo của VSA khoảng 60.000 tấn. “Cả doanh nghiệp thương mại lẫn các chủ đầu tư công trình xây dựng đều mua trữ vì sợ giá thép tăng nữa” - ông Nghi nói. Đây cũng là nguyên nhân đẩy giá thép tăng rất mạnh trong tháng 1 và 2.

Tương tự, theo các đại lý phân phối xi măng, so với cùng kỳ năm ngoái lượng xi măng bán ra đang “rớt” thê thảm, đặc biệt sau khi các hãng xi măng đồng loạt điều chỉnh tăng 80.000 đồng/tấn. Một đại lý phân phối xi măng cỡ lớn cho hay lượng xi măng tiêu thụ từ giữa tháng 2 đến nay chỉ bằng 1/3 so với tháng 1/2011, ước tính chưa đến 10.000 tấn. Cũng theo đại lý này, với giá xuất xưởng tại nhà máy của Hà Tiên 1 và Holcim dao động 71.000 - 72.000 đồng/bao, Chinfon chừng 63.000 đồng/bao, các đại lý hiện đang được khuyến mãi ba bao nếu mua 100 bao của thương hiệu H. mà vẫn không “đẩy” được hàng ra.

Giá thép sẽ khó “nóng” trong thời gian tới

Trước tâm lý “ôm” thép dự trữ khiến giá thị trường tăng, nhiều chuyên gia trong ngành này cho rằng thị trường vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục trầm lắng. Đại diện Công ty cổ phần thép Hùng Cường cho biết thị trường xây dựng đang chững lại, giá thế giới cũng khó lên. Do đó, sắp tới giá thép sẽ không thể “nóng” như những ngày qua.

Ông T., một đại lý phân phối thép có tiếng của Tp.HCM, cho rằng các công ty thương mại hay đại lý “ôm” thép là do tính theo quy luật thị trường xây dựng bắt đầu vào cao điểm từ tháng 3 trở đi. Nhưng thực tế cho thấy khi chi phí quá đắt đỏ, người dân sẽ phải xem xét lại nhu cầu sửa sang, xây mới nhà cửa. Ông T. cho biết thêm trái với quy luật, gần 10 ngày đầu tháng 3 lượng thép bán ra của công ty ông giảm 60% so với cùng kỳ tháng trước.

Theo ông Nguyễn Tiến Nghi, dự báo trong tháng 3/2011, khi đến hạn thanh toán ngân hàng, các công ty thương mại sẽ không thể tiếp tục “ôm” thép. Cộng thêm sức ép siết chặt các dự án đầu tư công chưa cần thiết của Chính phủ, giá thép chắc chắn sẽ khó có thể tiếp tục “nóng” trong thời gian tới.

(Theo Tuổi trẻ)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME