Cây trồng ban công - Nên chọn loại cây nào và chăm sóc ra sao?
Cây xanh không chỉ giúp trang hoàng không gian sống mà còn hỗ trợ cả về mặt phong thủy. Bạn nên chọn những cây trồng ban công có sức sống bền bỉ, chịu được môi trường khắc nghiệt, nhiều nắng gió hay thậm chí thiếu sáng. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn chọn được loại cây phù hợp, dễ trồng, dễ chăm sóc trên ban công.
1. Cây trồng ban công dễ sống là những loại cây như thế nào?
Trên thực tế, ban công không hẳn được thiết kế riêng để trồng cây. Không gian này chủ yếu được mở rộng để giúp ngôi nhà đón nắng và gió. Ban công thường là khu vực chịu nắng và gió nhiều nhất trong nhà. Vì lý do này mà không phải loại cây nào cũng có thể trồng và sinh trưởng tốt ở ban công.
Để sở hữu một khu vườn trong mơ ngay tại ban công của mình, bạn cần lưu ý trong việc chọn giống và chăm sóc cây. Bạn có thể tham khảo một số tiêu chí chọn cây trồng ban công dưới đây:
Cây trồng có thể chịu hạn tốt
Như đã nói ở trên, ban công là khu vực chịu nắng và gió nhiều nhất, thậm chí có một số nhà quay ra hướng Tây thì ban công còn là hướng nắng. Cây trồng ban công vì thế cần là loại cây có khả năng chịu hạn. Các loài cây chịu hạn có thể sinh trưởng tốt mà không cần phải tốn công che chắn nắng hay di chuyển đến vị trí khác vào mùa hè.
Bạn nên ưu tiên các giống cây trồng ban công có khả năng chịu hạn
Cách nhận biết cây có thể chịu hạn hay không khá đơn giản. Bạn có thể tham khảo ý kiến của những người làm vườn hoặc bán giống cây trồng. Họ sẽ giới thiệu các giống cây phù hợp sinh trưởng ở vùng nhiệt đới, Xích đạo hoặc các loại cây ưa nắng. Nếu muốn tự chọn thì bạn nên ưu tiên chọn các loài cây nở hoa, phát triển xanh tốt vào mùa hạ. Điều này sẽ đảm bảo được chậu cây của bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi nhiệt độ và cái nắng gay gắt ngoài ban công.
Cây trồng có thân và tán lá nhỏ
Nếu bạn muốn cây trồng ban công dễ sống thì tốt hơn cả là nên ưu tiên các giống cây có thân và tán lá nhỏ hoặc vừa. Bởi cây trồng ngoài ban công hầu hết được trồng trong các chậu đất nên dinh dưỡng từ thổ nhưỡng không thể dồi dào và đầy đủ như khi trồng trực tiếp trên đất.
Kinh nghiệm để khắc phục vấn đề này chính là hãy chọn các giống cây rễ ít, thân nhỏ và tán vừa. Chúng vẫn có thể xanh tốt mà không yêu cầu lượng lớn chất dinh dưỡng như đối với các cây thân to khác.
Ngoài ra, việc chọn các loại cây thân vừa hoặc tán nhỏ cũng giúp tránh tạo áp lực lớn cho khu vực ban công, đảm bảo an toàn cho ngôi nhà. Các giống cây thân nhỏ cũng phù hợp với tỉ lệ diện tích của ban công hơn so với cây thân gỗ trồng ban công.
Cây dễ sống, dễ chăm sóc
Không phải ai trong chúng ta cũng có đủ kiến thức chuyên môn để có thể chăm sóc nhiều loại cây cùng một lúc. Mặt khác, khu vực ban công cũng khó mà lắp đặt các hệ thống tưới tiêu và thoát nước tiêu chuẩn cho cây trồng được. Vì tất cả các lý do này mà khi lựa chọn cây trồng ban công, bạn nên ưu tiên chọn loại dễ sống, dễ chăm sóc.
Chọn được giống cây có sức sống tốt, khỏe mạnh, ít sâu bệnh, gia chủ hầu như như không phải lo vấn đề bón phân, phun thuốc hoặc tưới nước đúng giờ. Một khu vườn không tốn nhiều công chăm sóc nhưng vẫn luôn tươi tốt mới đúng là khu vườn lý tưởng dành cho khu vực ban công.
Cây càng dễ sống, dễ chăm sóc thì càng thích hợp cho khu vực ban công
2. Những điều bạn nên chuẩn bị trước khi chọn cây trồng ban công
Trồng cây cảnh nghe có vẻ đơn giản nhưng thực tế nó cũng đòi hỏi bạn phải có sự chăm chỉ, tỉ mỉ và kỹ thuật nhất định. Đã có nhiều người bỏ một khoản tiền không nhỏ đầu tư mua giống cây trồng về nhà nhưng vì chưa có sự chuẩn bị khoa học mà các chậu cây đều bị còi cọc, không ra hoa được. Vậy chúng ta nên chuẩn bị những gì để có thể chuẩn bị môi trường tốt nhất cho cây trồng ban công?
Xác định hướng của ban công nhà mình
Bạn cần định hình được mình sẽ trồng các giống cây mới tại khu vực ban công nào và ban công đó quay về hướng nào. Hướng trồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và phát triển của loài cây đó về sau.
Ví dụ như ban công quay về hướng Tây bao giờ cũng có nhiệt độ và số giờ đón nắng cao, bạn nên chọn các loài cây có thể chịu hạn, chịu nắng tốt. Ngược lại, nếu ban công của bạn bị che khuất bởi nhà khác thì nên chọn các giống cây ưa ẩm hoặc ưa bóng râm.
Chọn chậu cây có kích thước phù hợp
Các loại cây trồng ban công đều là loài cây tương đối nhỏ nên bạn cần lưu ý chọn mẫu chậu trồng thoát nước tốt, tránh trường hợp cây bị chết vì ngập úng. Nếu muốn trồng cây theo khóm hoặc trồng các loại cây về sau có khả năng mọc cao thì hãy chọn mẫu chậu sâu lòng để giữ được nhiều đất. Nếu thích cây cỡ vừa thì nên ưu tiên chậu có kích thước nhỏ gọn, có đủ lỗ thoát nước dưới đáy chậu.
Đừng chủ quan khi chọn đất trồng
Không phải chỉ cần mang đủ đất về là đã có thể trồng cây. Đất trồng cây cảnh tiêu chuẩn phải là loại đất tơi xốp, đủ độ ẩm và chất dinh dưỡng để nuôi cây. Tùy vào các giống cây trồng mà bạn có thể điều chỉnh độ dinh dưỡng trong đất cho phù hợp với cây. Lưu ý là bạn không nên tưới nước quá nhiều sẽ khiến lớp đất trên bị bạc màu. Cần bón phân định kỳ để đất luôn giàu chất dinh dưỡng.
Kinh nghiệm chọn đất thì bạn có thể đến các cửa hàng bán giống cây trồng để mua bao đất dinh dưỡng. Bao đất này đã được xử lý từ trước và bạn chỉ cần mang về nhà, đổ vào chậu rồi trồng cây là được. Một cách khác là bạn tự trộn đất có mùn đen với phân hữu cơ trước khi trồng 1 ngày, giữ cho đất ẩm và tơi xốp rồi mới trồng cây.
Nguồn đất tốt sẽ giúp cây sinh trưởng và phát triển mạnh mẽ
Thường xuyên kiểm tra tình trạng của cây trồng ban công
Các giống cây trồng ban công về cơ bản là đã được xử lý, lai giống sao cho cây khỏe mạnh và dễ sống nhất. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là chúng không thể bị bệnh. Trước khi trồng cây vào chậu đất tại nhà, bạn nên quan sát xem cành và lá của cây có tươi tốt, khỏe mạnh hay không. Nếu cây có các vấn để như quăn lá, nấm lá, vàng lá, rụng lá,... nhiều bất thường thì nên liên hệ lại với nơi bán giống cây trồng để nhận được tư vấn về phương pháp phun thuốc cho kịp thời.
3. Gợi ý các loại cây xanh trồng ban công
Nếu bạn đã chuẩn bị đầy đủ các bước ở trên và sẵn sàng để chọn cây trồng ban công thì đừng bỏ qua những gợi ý đáng để cân nhắc sau đây:
Tuyết sơn phi hồng
Có thể nói, trong số các loại cây trồng ban công thì tuyết sơn phi hồng luôn được mệnh danh là giống cây có sức sống tốt hàng đầu. Bạn có thể đặt nó tại ban công nhiều nắng hay ít nắng đều được. Cây này là giống cây mọc thành bụi thấp nên đặc biệt thích hợp cho những ai muốn trồng cây ban công nhỏ.
Tuyết sơn phi hồng có hoa nhỏ, cánh giấy nhưng khá bền. Cây có thể ra hoa quanh năm nếu được tưới đủ nước và chất dinh dưỡng nên các bạn có thể yên tâm rằng loài cây này sẽ trang trí ban công rất hiệu quả nhé!
Hình ảnh cây Tuyết sơn phi hồng
Ngũ gia bì
Cây ngũ gia bì còn được biết đến với tên gọi quen thuộc, dân dã hơn là cây chân chim. Ngũ gia bì là loài cây không ra hoa nhưng lại có vòm lá đặc biệt xanh tốt và có sức sống quanh năm. Sắc xanh của loài cây này chắc chắn sẽ thổi bừng sức sống cho không gian ban công của bạn. Đặc biệt hơn, ngũ gia bì còn có thể giúp thanh lọc không khí, tinh dầu có trong cành cây có thể xua đuổi côn trùng, ruồi muỗi.
Ngũ gia bì có thể sinh trưởng tại các ban công ít nắng
Tóc thần vệ nữ
Nếu nhắc đến các giống cây rủ trồng ban công mà không nhắc đến Tóc thần vệ nữ thì thật thiếu sót. Tóc thần vệ nữ thực chất là một cây thân cỏ, có nhiều cây vươn dài, rủ xuống và hơi cong ở đuôi nhìn rất đẹp mắt. Lá cây khá nhỏ, hình tam giác thuôn, mọc sát nhau. Mỗi là lại có các rãnh nhỏ như đường răng cưa nhẹ ở rìa viền lá chắc chắn sẽ khiến bạn phải ấn tượng mạnh.
Tóc thần vệ nữ trồng tại chậu đặt trên sàn ban công cũng được mà trồng trong chậu treo lên cũng được. Loài cây này sẽ giúp làm tươi mát không gian ban công của bạn cả 4 mùa đấy!
Tóc thần vệ nữ sẽ cho chúng ta cảm giác xanh tươi mát
Trúc quân tử
Là một trong những giống cây trồng ban công đẹp, trúc quân tử luôn được các gia đình đặc biệt yêu thích. Loài cây này có thể phù hợp với rất nhiều phong cách thiết kế nội thất, ban công khác nhau như sang trọng, Retro, tân cổ điển, hiện đại, trẻ trung, năng động,...
Riêng đối với trúc quân tử thì bạn không nên trồng nó cạnh các cây khác. Bạn có thể cân nhắc mua hai khóm trúc trồng hai bên cửa ban công hoặc trồng liền một hàng bốn đến năm khóm để tạo thành vách ngăn thiên nhiên đều đẹp.
Trúc quân tử rất thích hợp để làm cây trồng ban công
Ngoài vấn đề thẩm mỹ, trúc quân tử cũng được đánh giá khá cao về mặt phong thủy. Cụ thể, người ta thường quan niệm loài cây này sẽ hỗ trợ công danh, bổ sung sinh khí, sức khỏe cho gia chủ nữa nhé!
Lưỡi hổ
Nếu bạn có sử dụng mạng xã hội thì hẳn sẽ cập nhật được cây lưỡi hổ đang là trend của giới trẻ. Giống cây này thường xuất hiện tại không gian các quán cafe Vintage, studio chụp hình Retro, bàn học, bàn làm việc,... Rất nhiều tấm ảnh “triệu like” trên mạng xã hội có sự xuất hiện của loài cây đặc biệt này. Vậy tại sao chúng ta không mua ngay một chậu Lưỡi hổ về trồng tại ban công nhà mình nhỉ?
Trên thực tế, cây Lưỡi hổ đang nhận được nhiều sự yêu thích không chỉ bởi nó khá đẹp, dễ trồng, dễ chăm mà còn bởi nó mang ý nghĩa đặc biệt tốt lành. Nếu bạn quan tâm thì loài cây trồng ban công này được tìm thấy từ nhiều thế kỷ trước tại Trung Hoa. Tại đây, người ta cho rằng Lưỡi hổ tập trung được 8 điều con người mong cầu là hưng thịnh, vẻ đẹp, tuổi thọ, trí tuệ, sức khỏe, tài năng, sự dũng mãnh và tài ăn nói.
Cây lưỡi hổ cũng là loài có lá tương đối mọng nước, thích hợp chịu nắng, chịu hạn nên bạn hãy thử đặt vài chậu cây này ngoài ban công nhà mình để ngắm nhìn hàng ngày nhé!
Cây lưỡi hổ được chọn làm cây cảnh trong nhà hoặc cây trồng ngoài ban công
Trầu bà xẻ lá
Trầu bà xẻ lá là một trong những giống cây trồng ban công chịu nắng tốt nhất. Với hình dáng lá lạ mắt, độc đáo, trầu bà cũng đang tạo ra xu hướng chọn cây trồng ban công mới tại các thành phố lớn hiện nay. Loài cây này có lá màu xanh thẫm, có thể thua kém nhiều loài cây khác về độ xanh tốt nhưng nếu bạn muốn tìm điểm nhấn mới lạ cho ban công thì đây chính là sự lựa chọn tối ưu nhất.
Trầu bà xẻ lá không đòi hỏi bạn phải chăm sóc quá nhiều hay bón phân thường xuyên. Loài cây này cũng được cho là ít bị bệnh, thích nghi được với nhiều điều kiện thời tiết, nhiệt độ khác nhau. Nếu bạn là một người bận rộn, không có nhiều thời gian và kinh nghiệm chăm sóc cây thì hoàn toàn có thể cân nhắc chọn giống cây này để trồng tại nhà nhé!
Hình ảnh cây Trầu bà xẻ lá với vòm tán khá rộng
Thường xuân
Ngay từ tên gọi có lẽ bạn đã đoán biết ngay được đây là loài cây xanh tốt quanh năm, đặc biệt thích hợp để trồng ngoài ban công nhiệt đới gió mùa của nước ta. Lá của cây thường xuân khá nhỏ nhưng dày dặn, tươi tốt. Các dây leo của cây chỉ cần được tưới đủ nước là sẽ phát triển rất nhanh, lúc nào cũng căng tràn sức sống. Nếu bạn lo lắng dây thường xuân khiến ban công bị rậm rạp thì có thể cắt tỉa thường xuyên và trồng gốc chính của cây vào chậu nhỏ, ít đất.
Đặc biệt, loài cây dây leo trồng ban công này còn được cho là có khả năng xua âm khí và tà ma và mang đến sinh khí cho gia chủ.
Cây thường xuân có thể xanh tươi quanh năm mà không cần bỏ nhiều công chăm sóc
Lan chi
Lan chi (còn gọi là lan bạch chỉ hay cỏ bạch chỉ) là giống cây trồng ban công thân cỏ cũng đang nhận được khá nhiều sự yêu thích thời gian gần đây. Lá của lan chi thường khiến người ta phải ấn tượng vì màu xanh non mỡ màng, có một dải sắc tố màu trắng sữa ôm theo viền lá nhìn rất lạ mắt và độc đáo.
Tuy lan chi là dạng cây thân cỏ nhưng sức sống của loài cây này đặc biệt tốt. Tất cả những gì bạn cần làm chỉ là tưới đủ nước cho cây, cây sẽ tự tươi tốt. Nếu cẩn thận hơn thì bạn có thể tỉa bớt lá vàng, lá già định kỳ để bụi cây được thông thoáng. Các lá không bị quá dày, chen chúc nhau thì cả khóm cây sẽ phát triển đều, đẹp mắt.
Lan chi có thể trồng trong chậu đặt trên sàn hoặc treo đều được
Nha đam
Có một loài cây khá thú vị, vừa là cây trồng ban công lại vừa là rau trồng ban công. Đó là cây nha đam. Nha đam luôn nổi tiếng vì sức sống mạnh mẽ, chịu hạn chịu nhiệt tốt nhờ vào các thân lá mọng nước của mình. Cây gần như không bị thoát nước do viền lá có nhiều gai nhọn. Nha đam cũng được cho là cây ưa sáng khi chúng thường phát triển, nảy ra nhánh mới vào mùa hạ.
Trồng nha đam không chỉ làm đẹp cho ban công mà nó có thể đồng thời trở thành một nguồn thực phẩm sạch, rất tốt cho cả gia đình. Bạn có thể sơ chế nha đam để đun nước uống, ăn cùng sữa chua hoặc dùng làm rau trộn salad,...
Nha đam không chỉ là loài cây dễ sống mà còn là nguồn thực phẩm sạch cho cả gia đình
Cà chua
Cà chua là một trong những cây ăn quả trồng ban công dễ sống, dễ ra hoa kết quả. Thậm chí bạn có thể không cần đi mua cây giống cũng được. Hãy tận dụng hạt cà chua chín ngay trong gian bếp nhà mình và bạn chỉ việc đợi chúng nảy mầm. Lưu ý khi gieo hạt bạn cần đảm bảo đất thật tơi xốp để mầm cây có thể dễ dàng nhú lên.
Cây cà chua có thể chịu được nắng, nhiệt độ cao nhưng đến cuối ngày bạn nên chú ý tưới đủ nước thì cây mới kết quả được. Khi cây cà chua ra quả thì bạn có thể tham khảo các phương án chống cọc hỗ trợ giữ dáng cho thân cây, tránh cho cây bị đổ vì trĩu quả hoặc tán cây chịu gió tạt.
Cây cà chua là một trong những giống cây trồng ban công rất đáng thử
4. Gợi ý một số loại hoa trồng ban công
Hoa trồng ban công cũng là sự lựa chọn không tồi nếu bạn yêu thích những gam màu rực rỡ. Bạn nên ưu tiên chọn các loại hoa dễ trồng trong chậu để đảm bảo cây có thể sống được sau khi bạn mua về nhà. Dưới đây sẽ là một số gợi ý đáng tham khảo:
Hoa mười giờ, hoa sam
Đây là hai giống hoa trồng ban công chịu nắng đặc biệt dễ trồng và cũng đặc biệt dễ chăm. Để bắt đầu trồng hai loại hoa này bạn chỉ cần xin hai nhánh nhỏ còn tươi của cây và cắm xuống đất ẩm, xốp. Hai nhánh cây này sẽ tự phát triển thành các khóm hoa lớn, tươi tốt mà bạn không cần tốn nhiều công chăm. Hoa mười giờ và hoa sam có màu sắc nổi bật lại thường xuyên ra nụ mới sẽ là sự lựa chọn thích hợp dành cho ban công nhà bạn.
Hoa sam dễ trồng, dễ ra hoa và có màu sắc đẹp mắt
Phong lữ
Phong lữ là một trong những giống hoa trồng ban công mang vẻ ngoài tinh tế và khá thanh lịch. Phong lữ là cây dáng thấp, hoa nở thành chùm và có nhiều màu sắc khác nhau như trắng, đỏ, hồng, cam,... Hoa phong lữ khi đã nở thì các chùm hoa đều cùng rộ lên, sắc xanh của lá kết hợp cùng nhiều màu hoa vừa thích mắt vừa ấn tượng.
Trong cánh hoa phong lữ có một số tinh dầu. Mùi hương tinh dầu này khá dễ ngửi, có tác dụng đuổi muỗi tốt nên bạn chỉ cần đặt một đến hai chậu phong lữ ngoài ban công là đã có thể tự tin trong phòng sẽ sạch muỗi.
Các chậu hoa phong lữ đặt ngoài ban công sẽ giúp bạn đuổi muỗi và côn trùng
Hoa giấy
Một trong những loài hoa dây leo đẹp chính là hoa giấy. Đây có lẽ đã là loài hoa hết sức quen thuộc với chúng ta nhưng khó ai có thể phủ nhận được vẻ đẹp từ chính sự giản dị của nó. Hoa giấy thân gỗ nhưng có các cành lá có thể bám vào ban công và vươn ra xa. Chúng dẻo dai và đặc biệt ưa nắng, chịu được hạn. Bạn có thể thử tạo hình các cành hoa giấy để có giàn hoa đẹp như ý muốn.
5. Gợi ý các giống cây trồng ban công dành riêng cho các hướng nhà
Nhiều người quan tâm đến vấn đề phong thủy khi trồng cây ngoài ban công. Vì vậy, chúng tôi sẽ liệt kê thêm một số gợi ý cây trồng dành riêng cho từng hướng chính để các bạn có thể tham khảo:
Ban công hướng Nam
Hướng Nam là một trong những hướng đón sáng nhưng có mức nhiệt khá ôn hòa, cũng gần như không phải chịu gió mạnh. Với hướng này bạn gần như có thể trồng tất cả các giống cây trồng ban công. Thế nhưng phong thủy hơn cả đối với hướng Nam là những cây mang sắc đỏ, tía, hồng như tía tô cảnh, giàn hoa hồng hoặc cây chuối cảnh, chuối lùn,...
Ban công hướng Đông
Hướng Đông là hướng nhận được đặc biệt nhiều ánh nắng vào buổi sáng. Đây cũng là hướng nhiều tài nhiều lộc nên các bạn có thể lưu ý chọn các loài cây phong thủy, mang ý nghĩa cầu phúc như cây thiết mộc lan, cây phát tài hoặc cây trúc,...
Ban công hướng Đông
Cây trồng ban công hướng Đông phải là các giống cây ưa ẩm hoặc ưa bóng râm vì hướng này không đón nắng nhiều. Một số sự lựa chọn có thể gợi ý cho bạn là cây trầu bà, nhất diệp lan,...
Góc thư giãn tuyệt vời với các loại hoa và cây xanh mát
Ban công hướng Tây
Ban công hướng Tây có đặc điểm là luôn nóng hơn các ban công hướng khác, số giờ đón nắng của ban công này cũng nhiều hơn. Vậy làm thế nào để cân bằng được khu vực ban công này? Kinh nghiệm chọn cây trồng ban công hướng Tây là bạn nên chọn các giống cây ưa sáng, luôn xanh tốt như cây cúc tần Ấn Độ hoặc hoa hướng dương, hoa râm bụt, hoa bát tiên,...
Trên đây là các tư vấn của chúng tôi về cách chọn cây trồng ban công, một số kinh nghiệm gieo trồng và chăm sóc cơ bản. Các bạn có thể theo dõi thêm các bài viết mới cùng chủ đề trên Batdongsan.com.vn để nắm được các kỹ thuật chăm sóc cây cảnh ban công chi tiết hơn. Chúc các bạn sớm sở hữu một không gian sống xanh lý tưởng của riêng mình!
NT
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet