Bỏ phí tiểu cảnh, đèn chùm cả trăm triệu vì không sử dụng
Bỏ ra cả trăm triệu để làm tiểu cảnh, đèn chùm, nhưng sau 2 năm sử dụng, anh Bảo (Tp.HCM) đã phải dỡ bỏ không gian mà anh từng rất thích vì không có thời gian để ngắm và chăm sóc.
Anh Nguyễn Xuân Bảo, 42 tuổi (Thủ Đức, Tp.HCM) chia sẻ về việc đầu tư quá mức cho vật trang trí trong nhà nhưng không sử dụng, gây lãng phí của mình:
Năm 2016, vợ chồng tôi làm ngôi nhà mặt đất ở Thủ Đức sau một thời gian dài ở chung cư. Tôi là người để ý đến hình thức nên rất xem trọng khâu trang trí nhà. Tôi thuê kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà và can thiệp khá nhiều vào thiết kế cũng như thi công để có được không gian sống theo ý muốn của mình.
Ngôi nhà tôi xây nằm trên mảnh đất 52m2 (4x13), nhưng diện tích sàn chỉ 42m2 vì phải trừ hẻm lộ giới và bì. Nhà có kết cấu 1 trệt, 2 lầu. Trong đó, bố trí khu để xe, phòng khách, bếp liên thông và một nhà vệ sinh tại tầng trệt. Các tầng còn lại, bố trí 3 phòng ngủ, 2 nhà vệ sinh, phòng làm việc kết hợp phòng thờ.
Các khu vực chung trong nhà đều được tôi đầu tư trang trí sao cho đẹp, còn phòng ngủ tôi làm khá đơn giản. Tôi bố trí cầu thang ở giữa nhà và thiết kế tiểu cảnh với cây xanh, sỏi đá, hồ nước nhỏ, đài phun nước phía dưới gầm cầu thang. Tất nhiên, tôi cũng có nuôi thêm vài chú cá vàng nhỏ cho không gian thêm phần sinh động. Tổng số tiền đầu tư cho tiểu cảnh lên tới cả 100 triệu đồng, nhưng chỉ sau 2 tháng, tôi đã bỏ không.
Không chỉ làm tiểu cảnh, tôi còn đầu tư vào đèn trang trí cho ngôi nhà. Từ phòng khách cho đến phòng ăn, thậm chí, cả tường cầu thang đều được tôi làm đèn trang trí. Chi phí cho khoản này là khoảng 30 triệu đồng. Những món đồ nội thất như bàn ghế, tay vịn cầu thang gỗ đều được chạm khắc rất cầu kỳ. Chưa hết, ở phòng khách và chiếu nghỉ cầu thang, tôi còn làm thêm vài kệ để đặt đồ lưu niệm, lọ hoa giả và những bức tượng, những khung ảnh trang trí.
Khi ngôi nhà hoàn thiện, tôi vô cùng tự hào về không gian sống của mình và thấy nó quá đẹp, quá hoàn hảo, chẳng khác một gallery thu nhỏ là bao. Ngôi nhà trở nên vô cùng sinh động khi đèn trang trí bật lên với sự hòa trộn giữa các gam màu tím, xanh, hồng. Song, đây lại là chi tiết tôi phải thay đổi đầu tiên. Nguyên nhân là vì đứa con út 4 tuổi của tôi rất thích bật đèn để ngắm các màu sắc lấp lánh.
Công việc của tôi rất bận, 6h sáng tôi đã phải đi làm, tới 8-9 h tối mới về đến nhà vì phải đi tỉnh thường xuyên. Vợ tôi thì 7h cũng đã ra khỏi nhà và tối với về, vì cơ quan cô ấy nằm ở quận 1, cách nhà hơn 10km, trường học của 2 đứa con cũng gần chỗ vợ tôi làm. Tối về đến nhà, vợ tôi lại tất bật với việc cơm nước, tắm rửa cho bọn trẻ, vì vậy, dù nhà trang trí đẹp nhưng chúng tôi đều không có thời gian để ngắm.
Cuối tuần, vợ tôi lo những việc hàng ngày như nấu cơm, giặt giũ, rửa chén bát, lau nhà, còn tôi được giao nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa. Chủ nhật hàng tuần, tôi đều rất hứng khởi với việc chăm sóc tiểu cảnh, thay nước, rửa đá, lau dọn bàn ghế, cầu thang và cả đèn chùm. Nhưng chỉ làm được nửa năm, tôi đã cảm thấy rất mệt mỏi và chán vì việc dọn dẹp khiến tôi không có thời gian đưa gia đình đi chơi. Từ đó, tôi chuyển sang mỗi tháng lau dọn một lần. Các đầu việc cũng được tôi giảm bớt, chủ yếu là kiểm tra khu tiểu cảnh xem cây có phát triển tốt không, có bị đọng nước không. Vợ tôi cũng không khuyến khích tôi dọn dẹp, cô ấy bảo, chỉ cần làm vào dịp trước Tết là được, còn ngày cuối tuần nghỉ ngơi cho khỏe, chứ làm mệt rồi lại sinh ra cáu gắt vợ con. Để đỡ tốn công chăm sóc, tôi dần ngắt hệ thống thác nước ở tiểu cảnh, bỏ bớt cây xanh và thay bằng cây giả. Khu tiểu cảnh nhà tôi trở nên ẩm mốc, bụi bặm vì không được lau rửa thường xuyên. Bụi cũng phủ đầy các món đồ trang trí và chùm đèn. Bàn ghế và tay vịn cầu thang có phần đỡ bụi hơn vì tôi giao cho con lớn lau chùi hàng tuần.
Khi bị bám bụi, ẩm mốc, đồ trang trí trở nên vô cùng xấu xí, đến mức, tôi nghĩ thà không có còn hơn. Thế nên, Tết vừa rồi, tôi đã phá bỏ khu tiểu cảnh ở cầu thang và thay vào đó là một hệ ngăn kéo gỗ. Đồ trang trí trên các kệ cũng được tôi bỏ bớt đi. Tôi cũng tháo hết những ngọn đèn chùm trong nhà vì giá trị chiếu sáng không đáng kể, cả năm chỉ bật vào mỗi dịp Tết.
Sau khi thay đổi những điều trên, tôi cảm thấy không gian sống của mình trở nên rộng và đẹp hơn hẳn. Áp lực dọn dẹp cũng được giảm bớt và tôi cũng thảnh thơi hơn vào mỗi dịp cuối tuần. Chỉ còn vài chậu cây cảnh nhỏ ở phía ngoài nhà được tôi giữ lại và mỗi ngày tưới 2 lần, vốn là điều ai cũng có thể làm được.
Những gia chủ bận nhiều công việc thường bỏ rơi tiểu cảnh chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.
Ảnh: Decor Inspirator.
Kiến trúc sư Huỳnh Ngọc Toàn, giám đốc công ty thiết kế Alla tại Tp.HCM cho biết: "Thực tế, khi xây nhà, nội thất phục vụ mục đích thư giãn và trang trí nhà là hai thứ khiến gia chủ thường lãng phí tiền nhiều nhất". Anh đã gặp rất nhiều trường hợp các gia chủ bỏ một số tiền không nhỏ để đầu tư vào hồ cá, hồ bơi, hòn non bộ, vườn thẳng đứng nhưng lại bỏ hoang chỉ sau thời gian ngắn sử dụng.
Trường hợp này kiến trúc sư Phạm Thanh Truyền (giám đốc công ty thiết kế Cát Mộc, Tp.HCM) cũng đã gặp không ít. Anh nói: "Các tiểu cảnh, sân vườn, vườn thẳng đứng, hồ cá... cần chăm nom thường xuyên mới đẹp. Gia chủ bận bịu nên thường sau một, hai năm làm nhà là bỏ bê. Vì thế, tôi vẫn hỏi chủ nhà có thực sự đam mê không thì hãy đầu tư, nếu chỉ làm theo phong trào, vì thấy nhà người khác cũng có, thì rất lãng phí".
Theo quan điểm của cả hai kiến trúc sư, những gia chủ trong độ tuổi tầm 30-50 vốn bận bịu công việc nên chọn thiết kế theo phong cách hiện đại tối giản, có đầy đủ công năng, tiện nghi, để ngôi nhà trở thành không gian nghỉ ngơi thực sự sau những giờ làm việc căng thẳng. Chi phí và thời gian xây dựng của ngôi nhà tối giản cũng giảm tới 30% so với các thiết kế cổ điển cầu kỳ.
Kiến trúc sư Truyền cho hay, con người ta luôn hướng tới sự cân bằng trong cuộc sống. Ở thời thời bao cấp, xã hội vốn đơn điệu, vì vậy, người ta mới tìm cách trang trí nhà cửa để khi về còn ngắm nghía. Nhưng cuộc sống hiện đại vốn rất áp lực, áp lực từ giao thông cho đến công việc nên khi về nhà, con người chỉ muốn được tận hưởng một không gian dễ chịu, mà càng đơn giản, càng ít đồ đạc càng tạo được sự thoải mái cao.
"Các món đồ với hình dạng đơn giản, ít họa tiết, có thiết kế hài hòa, các đường nét không cầu kỳ sẽ giúp mang đến một không gian sống vừa tiện nghi, vừa được bài trí gọn gàng ngăn nắp và không tốn nhiều thời gian lau chùi, phù hợp với những chủ nhà bận rộn", kiến trúc sư Toàn bổ sung thêm.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet