Ở, sản xuất đều khó khăn

Dự án Khu dân cư Đồi Xanh (thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên) của Tổng công ty Vật liệu xây dựng số 1 (FICO) thuộc Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư có diện tích hơn 12 ha, được UBND tỉnh Bình Dương phê duyệt cấp phép đầu tư từ năm 2004 nhưng đến nay vẫn “bất động”. Nhiều hộ dân chưa nhận được tiền đền bù, nên dự án chưa thể triển khai, gây khó khăn cho người dân trong phát triển kinh tế. Gia đình ông Hà Tấn Tánh có hơn 4 ha đất trồng điều nằm trong vùng dự án, do chủ đầu tư áp giá đền bù thấp nên ông chưa chấp thuận. Ông Tánh cho biết: “Trước năm 2004, kinh tế gia đình tôi phụ thuộc vào cây điều. Vào mùa, mỗi ngày cho thu hoạch từ 50 đến 60 kg, trừ chi phí chăm sóc, phân bón, gia đình cũng lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Mấy năm trở lại đây, đất nằm trong dự án, chúng tôi cũng không đầu tư chăm sóc nên cây điều chết dần. Gia đình có dự định trồng cây mới nhưng bên chủ dự án không cho. Ngoài ra, căn nhà của chúng tôi đang ở cũng dần xuống cấp, sửa chữa tạm thì được chứ sửa chữa lớn không được phép”.

Dự án Khu dân cư Cầu Đò, huyện Bến Cát mới chỉ có... bảng quy hoạch cũ nát.

Không riêng gia đình ông Tánh, nhiều hộ dân khác cũng đành nhìn những vườn điều, vườn cây ăn quả trong diện giải tỏa khô héo dần. Họ chỉ chờ có vốn bồi thường từ các đơn vị liên quan để nghĩ kế sinh nhai và được cấp đất tái định cư để ổn định cuộc sống.

Tại huyện Bến Cát, hai dự án Khu dân cư Cầu Đò và Khu dân cư Mỹ Phước 4 do Công ty Thiên Phú làm chủ đầu tư cũng rơi vào tình trạng “ngâm” vô hạn. Cả hai dự án này được UBND tỉnh chấp nhận chủ trương từ năm 2006, nhưng đến nay chưa thể xây dựng cơ sở hạ tầng vì còn 21/105 ha chưa được bồi thường giải tỏa. Theo quan sát của chúng tôi, 2 dự án hiện chỉ có biển hiệu chỉ dẫn với bảng vẽ các khối nhà cao tầng, khu biệt thự, khu trung tâm thương mại cao cấp. Khu đất này vốn trước đây là cánh đồng nay thành bãi cỏ hoang sau khi được giải tỏa, quy hoạch.

Ở huyện Dĩ An, thị xã Thuận An, TP Thủ Dầu Một… cũng có tình trạng các dự án quy hoạch nhưng “bất động”, khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang, nông dân gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất, như: Dự án khu dân cư Thới Hòa với diện tích hơn 10ha, dự án Khu đô thị mới Chánh Mỹ hơn 360 ha, dự án Khu dân cư Thế kỷ 21 gần 25 ha…

Sẽ điều chỉnh các dự án

Theo Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, trong 220 dự án khu dân cư, khu đô thị mới của tỉnh, có 94 dự án đang "vướng" đền bù giải tỏa và 75 dự án chậm triển khai, bỏ hoang. Ông Lê Phú Cường, Phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm trễ khi triển khai dự án là do công tác quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, chưa kịp thời và thiếu chủ động trong phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc hỗ trợ giải quyết những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai dự án. Các cấp còn thiếu sót trong công tác thẩm định quy hoạch chi tiết. Công tác phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 của các khu dân cư trước đây thiếu cơ sở quy hoạch chung, trong khi hệ thống hạ tầng đô thị ở một số địa phương còn đang trong giai đoạn phát triển, dẫn đến việc chồng chéo, thiếu đồng bộ, gây khó khăn trong công tác thẩm định quy hoạch hiện tại. Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính nên thực hiện dự án kéo dài không đúng quy hoạch.

Dự án Trung tâm thương mại chợ Vĩnh Phú, thị xã Thuận An chưa triển khai sau 5 năm nhận mặt bằng.

Ông Trần Văn Nam, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương khẳng định: "Chủ trương của tỉnh là hạn chế việc cắt bỏ, sửa đổi quy hoạch của các dự án. Bởi các chủ đầu tư thường lợi dụng vấn đề này để gạt đi những hạng mục mang tính phục vụ cộng đồng xã hội trong dự án như công viên, nhà trẻ… trong khi số nền đất thương phẩm vẫn không bị cắt. Tỉnh sẽ xem xét, tính toán lại nhu cầu nhà ở của người dân hiện nay để điều chỉnh lại chủ trương quy hoạch cho phù hợp, đồng thời tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan kiểm tra, xử lý đối với những dự án sai phạm, chậm thi công xây dựng các công trình xã hội".

Được biết, trong thời gian tới Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương sẽ phối hợp với sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy định về trình tự, thủ tục, phân công trách nhiệm quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm đối với việc thực hiện không đúng chủ trương và triển khai thực hiện các dự án khu dân cư sai phạm theo quy hoạch được duyệt. Tỉnh có kế hoạch cho phép chủ đầu tư tái cấu trúc lại một số dự án, đồng thời hỗ trợ kêu gọi, hợp tác với các đối tác có năng lực để điều chỉnh, triển khai dự án đúng theo thời gian phê duyệt.

Mới đây, Sở Xây dựng Bình Dương đề nghị UBND tỉnh thu hồi giấy phép của 39 dự án chậm hoặc không triển khai. Đây được xem là biện pháp mạnh tay của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để các dự án triển khai đúng kế hoạch, giải quyết lợi ích của người dân thì các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương cần thực hiện đồng bộ những giải pháp, hỗ trợ tích cực chủ đầu tư có năng lực triển khai. Đồng thời, kiên quyết xử lý các chủ đầu tư cố tình trì hoãn dự án, kéo giãn thời gian thi công. Không nên để dự án quy hoạch rồi lại "treo", gây khó khăn cho người dân vùng giải tỏa và lãng phí lớn về tài nguyên đất.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME