Nhà ven kênh rạch
Một khu nhà lụp xụp ven kênh tại quận 8. Ảnh: Anh Quân

Tại buổi khảo sát các hộ dân sống ven kênh rạch ở quận 8 để tìm cách giải quyết các khu ổ chuột này ngày 23/5, Bí thư Đinh La Thăng cho rằng, dự án không thể cứ gắn “mác” chỉnh trang đô thị là đi vay ODA mới làm được. Cái nào doanh nghiệp tham gia được thì để doanh nghiệp làm, còn lại thì nhà nước làm.

Theo báo cáo của quận 8, trên địa bàn quận hiện nay vẫn còn hơn 9.500 căn nhà trên và ven kênh rạch, chủ yếu tập trung dọc các tuyến kênh Tàu Hủ - Lò Gốm, Ông Bé, kênh Đôi, Xóm Củi, Ruột Ngựa, Bến Nghé,…  Trong đó, có 1.099 căn nhà nằm hoàn toàn trên kênh rạch và 8.404 căn ven kênh.

Hầu hết nhà trên và ven kênh rạch xây dựng không hợp pháp, chủ yếu là nhà lụp xụp, chắp vá, kết cấu tạm bợ. Những căn nhà loại này đều thiếu tiện nghi cơ bản, thậm chí một số hộ không có đồng hồ điện, thiếu nhà vệ sinh, xả trực tiếp nước thải sinh hoạt xuống rạch làm mức độ nhiễm bẩn ngày càng tăng, gây ngập úng, cơ sở hạ tầng thiếu thốn, không đảm bảo điều kiện sống, sinh hoạt cho người dân trong khu vực.

Nhằm giải quyết nhà trên và ven kênh rạch, chính quyền quận 8 đưa ra 2 phương án như sau:

Một là: Di dời toàn bộ với tổng mức kinh phí bồi thường di dời, giải tỏa là 13.763 tỉ đồng. Hai là: Di dời giải tỏa nhà lụp xụp nằm ven kênh Đôi với 2.910 căn, tổng kinh phí 3.837 tỉ đồng. Hiện quận 8 đã xúc tiến các dự án nhà ở tái định cư trên địa bàn bao gồm 7 dự án với 6.100 căn hộ, tuy nhiên hiện mới có sẵn 252 căn.

Theo đó, các sở ngành của thành phố đều thống nhất phương án thứ nhất. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Sử Ngọc Anh cho rằng, để kêu gọi doanh nghiệp tham gia dự án di dời nhà trên và ven kênh rạch quận 8 thì phải điều chỉnh chỉ tiêu xây dựng, chứ không thể cố định tỷ lệ 35% vì như thế sẽ không thu hút doanh nghiệp tham gia. Trong khi đó, theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, nên tái định cư tại chỗ (tại phường) để thuận lợi cho người dân đi lại, làm việc và học hành.

Bí thư Thăng nhấn mạnh, không thể để người dân sống trong môi trường ô nhiễm như vậy. Tất cả người dân ở đây kể cả không đủ điều kiện để được đền bù một căn hộ thì nhà nước phải xây cho họ căn hộ mới. Thời hạn xây dựng căn hộ mới có thể tính toán trong vòng 4 năm thay vì tới năm 2023 như phương án của Ban quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị.

Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng cho rằng, dự án nên được triển khai theo mô hình đối tác công-tư để giảm tối đa ngân sách Nhà nước. Muốn làm được điều này không cách nào khác là giao cho doanh nghiệp tự đầu tư, còn thành phố trả lại bằng đất ngay khu vực giải tỏa hoặc ở nơi khác mà nhà đầu tư chấp nhận được. Không thể cứ gắn “mác” dự án chỉnh trang đô thị là thành phố đi vay ODA mới làm được. Cái nào doanh nghiệp tham gia được thì để doanh nghiệp làm, còn lại thì nhà nước làm.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME