Đâu là nguyên nhân và bài học, chúng tôi đã tìm hiểu và mong muốn cung cấp cho bạn đọc cái nhìn tổng quan về thủ đoạn của các đối tượng lừa, góp tiếng nói giúp nhà đầu tư tỉnh táo hơn trước khi quyết định đầu tư.

Theo phân tích của các chuyên gia, thực tế giá bất động sản tại nhiều dự án được cho là vượt rất xa so với giá trị thực bởi chính giới đầu cơ tạo nên sự "khan hàng". Nhóm đầu cơ này có thể là một số đơn vị lớn chung tiền ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư...

Những cái "bẫy" vô hình

Ngày 15/4, Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết đã bắt Trần Xuân Phú, xưng là Giám đốc Công ty Indochina vì đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Phú là đối tượng thứ 4 trong đường dây lừa đảo dự án Indochina bị lực lượng Công an bắt giữ, cũng là đối tượng trực tiếp làm giả tài liệu, con dấu, chữ ký trong đường dây này. Trước đó, Cơ quan CSĐT, Bộ Công an đã bắt Tạ Tất Toàn, Chủ tịch HĐQT, Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc, La Quốc Đạt, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Đài Việt.

Theo đó, các đối tượng trên biết có nhiều người đang muốn đầu tư vào dự án Dương Nội, Hà Đông nên đã tự sáng tác ra Công ty Indochina bằng cách làm giả lõi con dấu của công ty trên và phần vạch của công ty khác để tự lập nên dự án Indochina, đây là dự án không hề có thật. Sau đó, chúng lại tự thảo hợp đồng với nội dung Công ty Indochina ủy quyền cho Công ty Đài Việt bán dự án trên.

Mua nhà trên giấy: Những cái "bẫy" vô hình | ảnh 1
Từ trái qua: Tạ Tất Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đài Việt; Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Công ty Đài Việt; La Quốc Đạt, Phó Giám đốc Công ty Đài Việt, Trần Xuân Phú.

Sở dĩ "sáng tác" dự án có tên như vậy, Tạ Tất Toàn, Chủ tịch HĐQT Công ty Đài Việt cho rằng, tên tiếng Tây, dễ thu hút được nhà đầu tư. Tự bịa ra dự án xong, các đối tượng trên đã đến sàn giao dịch BĐS quảng cáo mình có dự án "bán nóng một đêm" (tức bán ngay với giá rẻ) để lừa người mua. Thấy giá các đối tượng đưa ra chỉ là 32 triệu/m2, trong khi giá thị trường lên tới hơn 40 triệu, nhiều người tin tưởng, truyền tai nhau đến mua mà không hề kiểm chứng dự án đó có thật hay không, vị trí đất ở đâu...

Sự việc bị phát hiện khi nhà đầu tư là anh Nguyễn Hữu Dũng (29 tuổi, ở tổ 39, cụm 5, phường Xuân La, quận Tây Hồ) phát hiện mình bị lừa nên đã tố cáo với cơ quan Công an. Được biết, anh Dũng có nhu cầu tìm mua đất ở tại các dự án quanh Hà Nội nên thường tìm đến các sàn giao dịch bất động sản (BĐS) để tìm hiểu thông tin.

Tại sàn giao dịch BĐS Galaxy, anh được Lê Diệu Thúy nhân viên sàn cho biết có Dự án khu biệt thự liền kề Indochina Dương Nội, giá cả hợp lý. Chị Thúy đã mua được của Công ty CP Đầu tư phát triển Đài Việt 18 lô, đã bán hết nhưng nếu anh Dũng có nhu cầu mua thì chị sẽ bớt lại 1 lô để bán cho anh Dũng.

Tưởng thật, anh Dũng đã đồng ý đặt cọc mua lô đất ký hiệu S02-L31 khu B Dương Nội, có diện tích 170m2 với hình thức góp vốn vào Công ty CP Đầu tư phát triển Đài Việt để mua đất ở tại Dự án Khu biệt thự liền kề Indochina Dương Nội, Hà Đông.

Theo nội dung tờ giấy này và lời của chị Thúy thì anh Dũng phải đến trụ sở của Công ty CP Đầu tư phát triển Đài Việt để nộp tiền chênh lệch, nộp số tiền tương ứng 15% trị giá hợp đồng (đợt 1) và ký hợp đồng góp vốn với Công ty CP Đầu tư phát triển Đài Việt. Trong khi các đối tượng đang nhận của anh Dũng hơn 1,1 tỷ đồng tiền đặt cọc đã bị cơ quan Công an bắt quả tang. Đấu tranh khai thác, các đối tượng Tạ Tất Toàn, La Quốc Đạt và Nguyễn Hoàng Hải đã khai nhận hành vi lừa đảo của mình.

Theo đó, chúng đã làm giả các tài liệu như văn bản đồng ý của UBND TP Hà Nội giao cho Công ty Indochina làm chủ đầu tư dự án Dương Nội, giấy ủy quyền huy động vốn của Công ty Indochina cho Công ty Đài Việt, bản đồ thửa đất…, làm giả con dấu của UBND TP Hà Nội, Công ty Indochina… Sự việc vỡ lở nhưng các đối tượng trên cũng đã kịp lừa đảo nhiều người với số tiền hơn 10 tỷ đồng.

Một vụ án lừa đảo khác tại dự án đô thị Thanh Hà A-B. Thời điểm đó, việc lừa đảo của công ty 1-5 đang bị vỡ lở, hàng trăm người sống dở chết dở vì mất cơ nghiệp nhưng một số người khác vẫn tiếp tục gom tiền để đánh bạc với số phận.

Mua nhà trên giấy: Những cái "bẫy" vô hình | ảnh 2
Con dấu giả dùng để lừa đảo

Nắm được cơ hội đó, Trần Hồng Việt, 35 tuổi, trú ở đường Xuân Diệu, Tây Hồ, Hà Nội - một giáo viên bỏ dạy đã thành lập Công ty cổ phần Thương mại quốc tế Hương Việt vẫn tự giới thiệu công ty của mình đang đầu tư vào dự án khu đô thị Thanh Hà. Mặc dù Việt không có bất cứ loại giấy tờ nào chứng minh việc Công ty Hương Việt được phép đầu tư vào dự án trên nhưng nhiều người vẫn tin Việt, đưa tiền cho cô ta.

Thủ đoạn của Việt chính là hợp đồng do cô ta thảo ra, trong đó cam kết sau thời gian nhận tiền đặt cọc từ 7-20 ngày sẽ dẫn người mua vào ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư. Chỉ có như vậy, nhưng nhiều người đã nộp tiền cho Việt với tổng giá trị lên tới 36,5 tỷ đồng...

Bảo vệ mình bằng cách tìm hiểu kỹ thông tin

Qua các vụ lừa đảo trên cho thấy, nhiều nhà đầu tư thường chạy theo tâm lí đám đông, không hề kiểm chứng sự thật. Thậm chí có nhiều người, mặc dù phát hiện có biểu hiện không bình thường nhưng vẫn nhắm mắt "xuống tiền".

Mua nhà trên giấy: Những cái "bẫy" vô hình | ảnh 3
San lấp mặt bằng tại dự án Dương Nội, Hà Đông.

Theo phân tích của các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, thực tế giá bất động sản tại nhiều dự án được cho là vượt rất xa so với giá trị thực bởi chính giới đầu cơ tạo nên sự "khan hàng".

Nhóm đầu cơ này có thể là một số đơn vị lớn chung tiền ký hợp đồng góp vốn với chủ đầu tư, thực chất là một hình thức "lách luật", mua đất dưới hình thức góp vốn rồi tung tin đẩy giá lên cao, huy động vốn bằng cách bán cho người mua cũng dưới hình thức góp vốn.

Người mua vì sợ hết hàng và thấy giá được đẩy lên trong một thời gian ngắn đã vội vã đầu tư mà không xác minh tính hợp pháp của những lô đất được bán ra. Ngoài ra, bản thân người mua phải chấp nhận bỏ ra một khoản tiền vênh ngoài hợp đồng cho "cò" đất hoặc cho chính đơn vị chủ đầu tư thứ cấp.

Điển hình như việc xảy ra tại dự án Indochina, Nguyễn Thị Thúy, nhân viên sàn giao dịch bất động sản Galaxy quảng cáo mình mua được đất của Công ty Indochina với "giá nội bộ" và nhượng lại chênh lệch thấp khiến nhà đầu tư sợ hết hàng, sợ không mua được giá rẻ nên vội vã nộp tiền ngay mà không kiểm chứng thông tin.

Hay như việc lừa đảo tại Công ty 1-5, các đối tượng "cò" đã gây nhiễu thông tin, tạo nên cơn sốt ảo khiến nhà đầu tư "chóng mặt" không xác định được sự thật. Chị Phạm Thị Thúy, một trong những nạn nhân cho biết, chị ký hợp đồng giao vốn với Công ty 1-5 để mua 5 lô đất liền kề tại dự án Thanh Hà và nộp cho công ty hơn 5 tỉ đồng với giá 19,8 triệu đồng/m2.

Sau khi ký hợp đồng, nhân viên công ty đưa cho chị 5 cái phong bì và dặn trong đó là sơ đồ lô đất mà chị đã đăng ký mua, nhưng khách hàng không được phép bóc mà chỉ được mang về cất. Nếu bóc ra là khách hàng vi phạm hợp đồng (!). Dù lúc ấy đã nghi ngờ cách làm việc "không giống ai" này nhưng thấy ai cũng phải làm vậy nên chị yên tâm ra về và... hy vọng giá đất sẽ còn lên nữa.

Chính vì vậy, để tự bảo vệ mình, trước hết, nhà đầu tư phải tỉnh táo trước "rừng" thông tin của các đối tượng lừa đảo, không vì sợ "thiếu hàng", tham rẻ dẫn đến việc tiền mất tật mang.

Thượng úy Phạm Mạnh Hùng, Phó trưởng phòng 4, Văn phòng Cơ quan CSĐT Bộ Công an cho biết: Thủ đoạn "thổi" dự án, tạo lòng tin cho nhà đầu tư:

Các đối tượng lừa đảo đã giao nhiệm vụ cho một số người môi giới để những người ngày "thổi" dự án, khiến nhà đầu tư yên tâm góp vốn. Chính vì vậy, khi mua nhà dự án, nhất thiết người mua phải có sự tìm hiểu kỹ về chủ đầu tư ở các khía cạnh sau: Dự án đó phải được cấp có thẩm quyền cấp chứng nhận đầu tư (thẩm quyền của UBND tỉnh, thành phố hoặc Thủ tướng Chính phủ), phải xem thực địa đất và đơn vị được giao vị trí đất đó. Bên cạnh đó, để ngăn chặn việc các đối tượng lợi dụng lừa đảo thì các cơ quan chức năng, sau khi phê duyệt các dự án phải công khai để nhân dân biết dự án đó đã cấp cho đơn vị nào là chủ đầu tư, mục đích của dự án, các hạng mục xây dựng ra sao... tránh việc nhà đầu tư mù mờ thông tin dẫn đến bị lừa đảo.

Bên cạnh đó, theo quy định của pháp luật thì chủ đầu tư chỉ được huy động vốn khi có đủ các điều kiện dự án đã được phê duyệt về quy hoạch kiến trúc; được cấp chứng nhận đầu tư; dự án đã tiến hành việc khởi công xây dựng phần móng (đối với biệt thự nhà vườn, biệt thự liền kề) và tầng 1 (đối với nhà chung cư); đã có thiết kế chi tiết (căn hộ chung cư hoặc biệt thự) được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Như vậy, khi dự án chưa hoàn thiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo quy định như giấy phép xây dựng, phê duyệt quy hoạch v.v… thì chưa được phép giao dịch. Vì thế, dự án chưa triển khai mà rao bán các căn hộ là trái luật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo.

(Theo CAND)


- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME