Bán lẻ - phân khúc BĐS sẽ bùng nổ năm 2020
Năm 2019, trong khi bất động sản nhà ở mang những gam màu xám thì bất động sản bán lẻ tăng trưởng ấn tượng. Phân khúc này cũng được đánh giá là một trong những loại hình sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2020.
Hút nhà đầu tư ngoại
Trao đổi với Batdongsan.com.vn, ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định bất động sản bán lẻ là phân khúc có sự tăng trưởng ấn tượng trong năm 2019. Cụ thể, ở phân khúc này, cung và cầu đều tăng, trong đó, giá thuê tăng nhẹ từ 2-4%. Tùy từng khu vực, tỉ lệ lấp đầy đạt khoảng 85-90%. Riêng năm 2019, ước tính tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng tăng 11%, loại trừ yếu tố giá, mức tăng vẫn đạt 9,5%/năm, cao nhất trong vòng 4 năm qua. Hiện tiêu dùng cá nhân ở Việt Nam tương đương khoảng 67% GDP.
Bất động sản bán lẻ được đánh giá là phân khúc có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tương lai |
Theo ông Lực, thực tế này cho thấy nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã và đang đổ tiền vào phân khúc bán lẻ. Bên cạnh đó, nhu cầu tiềm năng, dịch vụ bán lẻ và tiêu dùng của Việt Năm đang tăng trưởng mạnh.
Đồng quan điểm, Lê Thị Huyền Trang, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường tại Việt Nam của JLL cho biết, những năm gần đây tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
Từ năm 2014 đến nay, hàng loạt ông lớn khối ngoại đã đổ tiền vào thị trường bán lẻ. Đơn cử, sự kiện Berli Jucker mua lại Metro Cash & Carry Vietnam được coi là hợp đồng mua bán và sáp nhập lớn nhất ở mảng bán lẻ từ trước đến nay tại Việt Nam. Năm 2015, Emart - nhà bán lẻ hàng đầu của Hàn Quốc cũng chính thức gia nhập thị trường Việt Nam với một trung tâm mua sắm trị giá 60 triệu USD ở phía bắc TP HCM. Hàng loạt những thương vụ đình đám khác có thể kể đến như Central Group - một tập đoàn lớn của Thái Lan đã mua lại Nguyễn Kim Trading và BigC Vietnam. AEON Mall – một nhà bán lẻ lớn Nhật Bản cũng hiện diện tại Việt Nam với 5 trung tâm thương mại lớn. Cùng xứ sở hoa anh đào, Takashimaya cũng xác lập vị trí với trung tâm thương mại tại TP.HCM…
Khảo sát của Batdongsan.com.vn cho thấy, tại các trung tâm thương mại lớn có vị trí đặc địa tại Hà Nội, giá thuê thiết lập mức cao, từ 80 USD/m2 như Vincom Bà Triệu, từ 40 USD/m2/tháng như Tràng Tiền Plaza... Cá biệt tại TP.HCM. nhiều trung tâm thương mại có vị trí đắc địa thuộc quận 1, giá thuê cao ngất ngưởng. Đơn cử, Times Square có giá thuê 300 USD/m2/tháng, Diamond Plaza có giá thuê 166 USD/m2/tháng, Sài Gòn Center 2 là 147 USD/m2/tháng… Dù giá thuê cao nhưng những trung tâm thương mại này luôn trong tình trạng lấp đầy. Các khu vực cận trung tâm cũng ghi nhận mức giá thuê dao động từ 15 USD/m2/tháng với tỉ lệ lấp đầy đao dộng 80-90%.
Đáng chú ý, những bằng bán lẻ với diện tích trên 1.000m2 đang khan hiếm nguồn hàng. Diện tích lớn này rất khó tìm tại các trung tâm bán lẻ có vị trí đắc địa thuộc trung tâm do sự eo hẹp của quỹ đất. Trong khi khu vực ngoài trung tâm, diện tích lớn vốn ít ỏi đều đã được lấp đầy. Do đó, khách có nhu cầu với diện tích lớn đều phải chời đợi hoặc tìm kiếm nguồn cung tương lai.
Tiềm năng lớn trong tương lai
Không dừng lại ở những con số ấn tượng của năm 2019, bất động sản bán lẻ được các chuyên gia nhận định sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới. Lý giải về điều này, bà Lê Huyền Trang cho rằng Việt Nam đang sở hữu một thị trường bán lẻ còn non trẻ trong khi nền kinh tế được đánh giá là năng động nhất khu vực. Do đó, mặt bằng bán lẻ Việt Nam có rất nhiều tiềm năng phát triển.
Bà Trang cho biết khu vực Đông Nam Á được dự đoán có mức tăng trưởng GDP đạt 5% trong thập kỷ tới. Riêng Việt Nam được đánh giá có khả năng đạt được mức tăng trưởng GDP cao nhất khu vực là 6.6%/năm trong giai đoạn này.
Sự phát triển của kinh tế tất yếu thúc đẩy quá trình đô thị hóa. Dân số đô thị Việt Nam dự kiến sẽ tăng 2,6% cho đến năm 2030, cao nhất ở Đông Nam Á. Tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam vẫn ở mức 36% tổng dân số năm 2018, so với 55% và 60% ở Indonesia và Trung Quốc.
Khi có nhiều người di chuyển vào các thành phố và đảm nhận các công việc sản xuất và dịch vụ có giá trị cao, thu nhập của người cũng sẽ tăng lên. Số liệu của Viện Brookings cho biết Việt Nam dự kiến sẽ có mức tăng trưởng dân số thuộc tầng lớp trung lưu cao nhất trong khu vực, ở mức 19% trong giai đoạn 2020-2025. Con số này cao hơn nhiều so với mức 14% ghi nhận trong thập kỷ qua và cao hơn mức tăng bình quân dự kiến của toàn khu vực trong cùng giai đoạn 2020-25 là 11%.
Nhân khẩu học cũng là một trong những yếu tố thuận lợi tại thị trường Việt Nam. Với 90 triệu dân, Việt Nam đang đã thu hút các nhà bán lẻ với dân số tương đối trẻ, trong đó 70% ở độ tuổi từ 15 đến 64. Tất cả những yếu tố trên hứa hẹn sẽ là động lực chính cho tăng trưởng của thị trường bán lẻ.
Ngoài ra, theo bà Trang, sự phát triển của du lịch Việt Nam kéo theo một lượng du khách đông đảo cũng mang đến nguồn cầu dồi dào cho bán lẻ. Bên cạnh đó sự hoàn thiện của hạ tầng cũng góp phần tạo điều kiện cho các chủ đầu tư có thêm các cơ hội phát triển dự án bán lẻ mới ngoài khu vực trung tâm.
Hải Nguyên
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet