Theo kết quả tổng hợp, đã có 6.958.848 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân; trong đó những nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý hơn cả là thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ  và tái định cư (1.991.176 lượt); giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất (1.407.554 lượt); tài chính đất đai và giá đất: (743.309 lượt); quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất (738.879 lượt)…

 


Cụ thể, về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, các ý kiến góp ý tập trung vào các vấn đề sau:

- Đề nghị áp dụng cơ chế Nhà nước trưng mua quyền sử dụng đất thay cho cơ chế thu hồi đất để thực hiện các dự án; đề nghị không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội.

- Đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất.

- Đề nghị xem xét tính khả thi của quy định thu hồi đất theo kế hoạch, quy định nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch có thể dẫn tới tình trạng dự án treo.

- Đề nghị quy định cụ thể thời điểm tính giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.

- Đề nghị quy định rõ trường hợp nào được bồi thường bằng đất ở, nhà ở hoặc bồi thường bằng tiền khi Nhà nước thu hồi đất ở.

- Đề nghị khi Nhà nước thu hồi đất ở thì phải bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở mà không cần điều kiện “phải di chuyển chỗ ở”.

- Đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp.

- Đề nghị quy định cụ thể việc giải quyết đối với trường hợp bồi thường chậm khi Nhà nước thu hồi đất.

- Đề nghị khắc phục bất cập trong việc chậm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

- Đề nghị khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì bồi thường theo giá đất của loại đất sau khi chuyển mục đích.

- Đề nghị quy định bổ sung đối với các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

 


Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Ban soạn thảo dự kiến tiếp thu những nội dung sau:

a) Về ý kiến đề nghị Nhà nước không thực hiện thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội:

Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo xin tiếp thu và chỉnh lý vào dự thảo Luật theo hướng rà soát để chuyển các dự án phát triển kinh tế, xã hội mà trong đó có lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng vào nhóm các dự án được Nhà nước thu hồi vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng. Mặt khác, để kiểm soát chặt chẽ việc thu hồi đất, các dự án này cần phải được Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua.

b) Về ý kiến đề nghị  xử lý đối với trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng

Dự thảo Luật quy định đối với trường hợp thu hồi đất đã được Nhà nước giao, cho thuê để thực hiện dự án đầu tư nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng chậm tiến độ theo quy định sau khi đã được gia hạn sử dụng thì không được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, giá trị đầu tư vào đất còn lại và tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, trong quá trình lấy ý kiến nhân dân, nhiều ý kiến cho rằng quy định như vậy là chưa hợp lý, nhiều trường hợp chậm tiến độ sử dụng là do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng. Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung theo 02 phương án sau đây:

- Phương án 1: Giữ như dự thảo Luật đã lấy ý kiến nhân dân và có tiếp thu, chỉnh sửa theo hướng: kéo dài thời hạn gia hạn chậm đưa đất vào sử dụng từ mười hai (12) tháng lên hai mươi bốn (24) tháng và chỉ được chấp thuận một lần, trừ trường hợp do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế, tài chính làm chậm sử dụng đất, chậm triển khai dự án; sửa đổi quy định người bị thu hồi đất trong các trường hợp này được trả lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp nhưng không được thanh toán chi phí đầu tư vào đất còn lại.

- Phương án 2: Đề xuất sửa đổi pháp luật về thuế theo hướng đánh thuế lũy tiến đối với các dự án chậm đưa đất vào sử dụng.

c) Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế thu hồi đất:

Về vấn đề này, cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu và chỉnh sửa vào dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể trình tự, thủ  tục cưỡng chế khi thu hồi đất. Việc quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong việc cưỡng chế thu hồi làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, đồng thời tạo cơ sở pháp lý để các địa phương thực hiện thống nhất.

d) Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể thời điểm tính giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất:

Về vấn đề này cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu và quy định vào dự thảo Luật theo hướng khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện thì được bồi thường theo giá đất của loại đất bị thu hồi tại thời điểm quyết định thu hồi đất.

đ) Về ý kiến đề nghị quy định rõ trường hợp nào được bồi thường bằng đất ở, nhà ở hoặc bồi thường bằng tiền khi Nhà nước thu hồi đất ở:

Cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu, chỉnh sửa vào dự thảo Luật theo hướng: trường hợp phải di chuyển chỗ ở thì được bồi thường bằng giao đất ở hoặc nhà ở hoặc bồi thường bằng tiền theo đề nghị của người có đất bị thu hồi; trường hợp không phải di chuyển chỗ ở thì được bồi thường bằng tiền. Quy định nêu trên nhằm khắc phục tình trạng tùy tiện trong việc thực hiện các hình thức bồi thường, bảo đảm ổn định cuộc sống cho người có đất ở bị thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở, đồng thời tạo sự chủ động cho người có đất ở bị thu hồi trong việc tự lo chỗ ở cho phù hợp.

e) Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định cụ thể về nội dung hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp:

Cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu, bổ sung một điều vào dự thảo Luật quy định về hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp theo hướng: hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà không có đất nông nghiệp để bồi thường thì ngoài việc được bồi thường bằng tiền còn được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm; trường hợp người được hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, tạo việc làm trong độ tuổi lao động có nhu cầu được đào tạo nghề thì được nhận vào các cơ sở đào tạo nghề và được miễn học phí đào tạo, được ưu đãi vay vốn tín dụng, ưu tiên bố trí việc làm nhằm bảo đảm sinh kế cho người có đất bị thu hồi.

g) Về ý kiến đề nghị quy định cụ thể việc giải quyết đối với trường hợp bồi thường chậm khi Nhà nước thu hồi đất:

Cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu, bổ sung một điều vào dự thảo Luật quy định cụ thể như sau:

- Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày quyết định thu hồi đất, cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường phải chi trả kịp thời tiền bồi thường, hỗ trợ cho người có đất bị thu hồi.

- Trường hợp chậm chi trả do cơ quan, tổ  chức có trách nhiệm bồi thường gây ra thì ngoài tiền bồi thường, hỗ trợ, người có đất bị thu hồi còn được thanh toán thêm một khoản tiền bằng với mức xử phạt đối với hành vi chậm nộp thuế theo quy định của pháp luật về quản lý thuế. Trường hợp do người có đất bị thu hồi đất gây ra thì tiền bồi thường, hỗ trợ theo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã phê duyệt được gửi vào tài khoản tạm giữ của Kho bạc nhà nước.

Thực hiện quy định này sẽ bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng đất trong trường hợp bồi thường chậm do lỗi của cơ quan nhà nước, đồng thời hạn chế tình trạng chây ỳ của người có đất bị thu hồi trong việc chấp hành quyết định thu hồi đất, bàn giao mặt bằng. Mặt khác, quy định này khắc phục được những bất cập, tồn tại trong thời gian vừa qua, góp phần làm giảm khiếu kiện về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất.

h) Về đề nghị khắc phục bất cập trong việc chậm phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

Thực tế trong thời gian qua việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của địa phương thường chậm hơn so với quy định, dẫn đến giá đất thị trường tăng cao hơn nhiều so với đất tính bồi thường, ảnh hưởng đến quyền lợi của người có đất bị thu hồi và là nguyên nhân gây khiếu nại trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Để giải quyết bất cập nêu trên, cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu vào dự thảo Luật theo hướng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đồng thời với quyết định thu hồi đất. Mặt khác, dự thảo Luật cũng quy định về thời hạn chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; xử lý đối với trường hợp bồi thường chậm do lỗi của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm bồi thường gây ra như đã nêu ở trên nhằm bảo đảm quyền lợi của người có đất bị thu hồi.

i) Về đề nghị quy định bổ sung đối với các dự án thu hồi đất liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư:

Cơ quan soạn thảo đề nghị tiếp thu và chỉnh sửa vào dự thảo Luật. Việc quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định khung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án liên quan đến nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sẽ khắc phục được tình trạng chênh lệch lớn về mức bồi thường, hỗ trợ giữa các địa phương, góp phần hạn chế khiếu nại trong bồi thường, giải phóng mặt bằng.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME