Xử lý lấn chiếm phần thông hành địa dịch nhà hàng xóm
Hỏi: Năm căn nhà liền kề nhau giữa hai hẻm, sau năm căn này là khoảng thông hành địa dịch. Nhà tôi là căn bìa đầu đường hẻm, bốn căn kia đã xây dựng lấn chiếm ra phần thông hành địa dịch, nhưng nhà kế bên lại không cho tôi sử dụng phần thông hành địa dịch sau nhà tôi.
Thậm chí họ còn muốn lấn chiếm phần thông hành địa dịch này (đường cống nhà họ nằm trên phần thông hành địa dịch nhà tôi).
Xin hỏi, trong trường hợp này, tôi có thể yêu cầu nhà kế bên dời đường cống vào nhà để tôi có thể sử dụng phần thông hành địa dịch như bốn nhà kia được không (ba nhà kia đều đã dời đường cống vào nhà)?
Nếu không cho tôi sử dụng phần thông hành địa dịch còn lại này, tôi có thể kiến nghị địa phương giải tỏa phần bốn hộ kia xây dựng trên phần đất thông hành địa dịch, trả lại hết phần thông hành địa dịch của cả năm hộ cho nhà nước quản lý? Theo tôi tất cả các căn hộ đều không có chủ quyền phần thông hành địa dịch này.
([email protected])
Trả lời
Theo quy định tại Điều 275, Bộ luật dân sự 2005 quy định quyền về lối đi qua bất động sản liền kề, chủ sở hữu bất động sản bị vây bọc bởi các chủ sở hữu khác mà không có lối đi ra, có quyền yêu cầu một trong những chủ sở hữu bất động sản liền kề dành cho mình một lối đi ra đến đường công cộng; người được yêu cầu có nghĩa vụ đáp ứng yêu cầu đó.
Người được dành lối đi phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản liền kề, nếu không có thỏa thuận khác. Quy định này chỉ áp dụng đối với trường hợp chủ sở hữu bất động sản liền kề có quyền sở hữu đối với phần thông hành địa dịch.
Tuy nhiên, theo như bạn trình bày, những hộ gia đình trên không có chủ quyền đối với phần thông hành địa dịch nên họ phải dành ra phần thông hành địa dịch đó khi có yêu cầu để các hộ còn lại sử dụng một cách cần thiết, hợp lý và người yêu cầu không cần phải đền bù.
Theo đó cũng tại Khoản 2, Điều 275 Bộ luật dân sự 2005 đã quy định, nếu các bên có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định. Vì vậy, trong trường hợp của bạn, bạn nên thỏa thuận rõ ràng với nhà kế bên, nếu vẫn không thỏa thuận được thì bạn yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Trân trọng,
Luật sư Lê Thị Hoài Giang (VPLS Lê Nguyễn)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet