Xử lý đất công: Đơn vị sở hữu đất vàng khất lần vì muốn giữ?
Tiến độ xử lý đất công, nhà công sử dụng sai mục đích tại Hà Nội và Tp.HCM đang bị kéo chậm lại bởi nhiều đơn vị sở hữu đất vàng liên tục khất lần. Theo đại diện Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), hiện nay đang rà soát và tới đây sẽ triệt để sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (đất công) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Lần lữa không chịu kê khai
Mới đây, tại Hà Nội, Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính) buộc phải ra văn bản yêu cầu Trung ương Hội chữ Thập Đỏ Việt Nam khẩn trương báo cáo nhanh về một số khu đất công đơn vị này đang quản lý như: Các lô đất tại số 68 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm; lô đất số 82 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng và khu đất tại xã Tam Hiệp, huyện Thanh Trì.
Đồng thời, Bộ Tài chính đề nghị rà soát toàn bộ các nhà đất khác do Trung ương Hội chữ Thập Đỏ Việt Nam đang quản lý và sử dụng trên địa bàn TP. Hà Nội, cũng như ở các địa phương khác. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo sắp xếp lại và xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước thuộc TP. Hà Nội (Ban chỉ đạo 09) cũng đề nghị Trung ương Hội cung cấp số liệu về diện tích nhà thực tế đang sử dụng tại cơ sở nhà đất để xem xét phương án xử lý.
Còn tại Tp.HCM, hơn 1.500 cơ sở nhà, đất (trong tổng hơn 2.300 cơ sở) của 30/48 tổ chức, bộ, ngành và 10/15 tổng công ty, tập đoàn nhà nước thuộc trung ương trên địa bàn TP đã được Cục Quản lý Công sản kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại và xử lý nhà đất. Theo kết quả kiểm tra, tất cả các phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt đều được địa phương thực hiện nghiêm túc (có phương án đã thực hiện và có phương án đang trong quá trình triển khai). Nhưng tỷ lệ hoàn thành lại chưa được như mong muốn (mới xấp xỉ 60% - 70% so với các phương án đã được phê duyệt). Trong đó, một số cơ sở nhà đất vẫn đang vướng mắc về quá trình xử lý. 12 địa chỉ nhà đất chưa được thu hồi với tổng diện tích hơn 49 nghìn m² bao gồm: Công ty Cao su Bến Thành, Văn phòng Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, Công ty Công trình Giao thông 60 (Bộ GTVT), một phần diện tích Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, Công ty Công nghiệp Cơ khí Sài Gòn,…
Lô đất công này nằm trên vị trí đắc địa do Trung ương
Hội chữ Thập Đỏ Việt Nam quản lý. Ảnh: Đức Huy
Dựa theo báo cáo của các bộ, ngành, tổng công ty, tập đoàn, Bộ Tài chính chỉ ra nguyên nhân chậm trễ của việc xử lý nói chung là các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị chưa nắm được quy trình thực hiện nên chưa phối hợp với các cơ quan chức năng của địa phương. Bên cạnh đó, lý do thiếu kinh phí để thực hiện di dời các cá nhân, hộ gia đình cũng được các đơn vị đưa ra.
Nếu vi phạm, kiên quyết thu hồi
Sau hơn 8 năm triển khai sắp xếp lại nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, hiện nay các cấp có thẩm quyền đã phê duyệt phương án sắp xếp lại và xử lý đối với 121.677 cơ sở nhà, đất trên tổng số 153.573 cơ sở nhà, đất phải sắp xếp lại và xử lý của các bộ, ngành và địa phương (đạt 79%). Đến nay, tổng số tiền thu được từ bán tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các bộ, ngành, tổng công ty, tập đoàn nhà nước và các địa phương trên phạm vi cả nước lên tới 28.340 tỷ đồng.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Công sản Tạ Thanh Tú cho biết, cơ bản các phương án phê duyệt đã được các đơn vị triển khai thực hiện. Trong thời gian qua, việc sắp xếp lại nhà đất thuộc sở hữu nhà nước của các đơn vị tại địa phương đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đơn cử như việc khai thác quỹ nhà đất dôi dư đưa vào sử dụng hoặc bán tạo vốn để đầu tư, cải tạo, nâng cấp trụ sở, cơ sở sản xuất và kinh doanh, nhằm đảm bảo thực hiện quy hoạch TP, cải tạo, chỉnh trang đô thị và môi trường của Tp.HCM.
Song, bà Tú cũng lưu ý vấn đề chưa xử lý được triệt để đó là, một số đơn vị hiện nay chưa tích cực triển khai các phương án đã được phê duyệt; chưa dứt điểm việc di dời các hộ gia đình đã bố trí trong khuôn viên trụ sở hoặc cơ sở sản xuất kinh doanh; chưa thực hiện các thủ tục để hoàn thiện hồ sơ pháp lý về nhà đất; thực hiện việc cho thuê, liên kế, liên doanh không đúng quy định chưa được chấm dứt hoàn toàn.
Cũng theo bà Tú, kết quả thanh kiểm tra đất công trên địa bàn Hà Nội đang được tổng hợp, sắp tới sẽ có kết quả công bố cụ thể.
Ngày 4/9, đại diện Bộ Tài chính cho biết, đối với tình trạng cho thuê, liên kết, liên doanh sai quy định, Bộ Tài chính sẽ chủ trì và phối hợp với các địa phương thu hồi để giao các đơn vị, cơ quan chưa có trụ sở đang phải đi thuê. Đối với những trường hợp khác sẽ bán chuyển nhượng tạo kinh phí di dời các hộ gia đình và đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan trung ương trên địa bàn.
Bà Tạ Thanh Tú đề nghị các địa phương sớm công bố thông tin quy hoạch kiến trúc, thực hiện phê duyệt giá khởi điểm đối với các cơ sở nhà đất đã được phê duyệt phương án bán tài sản trên đất, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất để đẩy nhanh tiến độ thực hiện quản lý và sử dụng đất công. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet