Nguyên nhân có thể là do nhu cầu sử dụng đã khác đi, do sự thay đổi quan niệm thẩm mỹ theo thời gian và cũng có thể là sự thích nghi với những tiến bộ mới của xã hội.


Đơn giản, cũng có nghĩa là gần gũi với thiên nhiên, tự do cùng thiên nhiên

Một xu hướng... phức tạp!

Xin giới hạn ngay đối tượng kiến trúc đề cập trong bài này chủ yếu là nhà ở của cá nhân và cộng đồng. Xu hướng kiến trúc hiện đại ngày càng hướng tới sự đơn giản. Tự thân sự vận động, chuyển biến của kiến trúc đã đưa đến một kết quả, một cái đích như thế. Bên cạnh đó, sự phát triển của kỹ thuật, khoa học công nghệ trong kiến trúc đã quá… phức tạp; thế nên chính kiến trúc phải đơn giản đi để cân bằng.

Ở một góc độ khác, con người đang sống và làm việc trong những môi trường mang nhiều yếu tố tiêu cực (trên nhiều phương diện), với những áp lực lớn; nên những hình thức và không gian kiến trúc đơn giản là yếu tố tích cực. Điều đó có thể đem lại sự bình yên, tĩnh lặng và có ý nghĩa rất nhiều cho con người ở yếu tố sức khoẻ và tinh thần.

Ở cuộc sống hiện đại thời công nghiệp, thời gian là một giá trị có thể quy ra tiền hay vật chất tương đương. Vì vậy, sự đơn giản đồng nghĩa với việc rút ngắn thời gian và giảm chi phí. Cụ thể hơn, trong thiết kế và thi công xây dựng, việc loại bỏ những hạng mục, chi tiết không cần thiết sẽ đẩy nhanh tiến độ công trình và giảm được giá thành xây lắp, đẩy hiệu quả chung lên cao hơn.

Tất nhiên đơn giản không có nghĩa là… xuề xoà hay dễ dãi, thế nào cũng được. Đơn giản không có nghĩa là bỏ hết mọi thứ hay bỏ qua quy trình. Sự đơn giản được thể hiện trong kiến trúc thực ra không dễ, thậm chí rất… phức tạp. Đó là một sự tính toán kỹ lưỡng và công phu trên nhiều phương diện để đưa ra giải pháp kiến trúc, kỹ thuật.

Tiếp đó là sự cẩn thận và cầu kỳ trong thi công xây lắp. Khi nhiều hạng mục, bộ phận bị “cắt giảm”, đồng nghĩa với những thứ còn lại sẽ phải gánh trách nhiệm cao hơn. Đó chính là điều khó! Dẫu vậy, xu hướng kiến trúc đơn giản đang có ảnh hưởng nhất định và bộc lộ nhiều ưu điểm.

Từ đơn giản…

Kiến trúc phản ánh lịch sử xã hội. Khi kiến trúc không thay đổi hoặc thay đổi ít đồng nghĩa với việc xã hội cũng như vậy. Những kiến trúc cổ điển đã dần dần nhường chỗ cho những phong cách mới, trẻ trung hơn, đơn giản hơn và phù hợp hơn với một xã hội mới, cuộc sống mới. Hình thức, phong cách của công trình có phần phụ thuộc và yêu cầu, đề nghị của khách hàng. Nhưng không ít kiến trúc sư đã chọn sự đơn giản làm “style” của mình (hay văn phòng mình). Và họ tư vấn, thuyết phục ngược lại để khách hàng đi theo hướng đó, chứ không phải vẽ chiều theo yêu cầu của khách hàng.

Rất nhiều kiến trúc sư đã lấy làm buồn phiền và mệt mỏi bởi những khách hàng – chủ đầu tư vẫn cứ mê đắm với kiến trúc thuộc địa cũ, với những chi tiết rườm rà của cả trăm năm trước. Không ai phủ nhận những kiến trúc cũ đó có giá trị. Nhưng điều đó không có nghĩa là nó phù hợp mãi và ta phải đi sao chép lại nó. Hơn nữa, kiến trúc không thể tách rời yếu tố hình thức, mà hình thức có quan hệ hữu cơ với công năng, kỹ thuật, vật liệu… cùng nhiều yếu tố khác.

Xu hướng đơn giản trong những năm gần đây – đặc biệt là nhà ở gia đình là một xu hướng tích cực. Ở đây cần nhấn mạnh mảng công trình nhà ở, bởi vì thể loại công trình này kiến trúc sư dễ thuyết phục khách hàng hơn và theo dõi, chỉ đạo được sát sao nhất. Những sáng tạo đa dạng, những thể nghiệm mới mẻ cũng bắt nguồn từ thể loại công trình này nhiều nhất. Có thể dễ dàng nhận thấy sự đơn giản được thể hiện qua các yếu tố sau:
Một hệ thống cổng - tường rào đơn giản với những thanh dọc

Đơn giản trong mặt bằng, hình khối kiến trúc

Đề cao yếu tố công năng lên trên hết, mặt bằng được thiết kế tối ưu để đáp ứng công năng, nhu cầu sử dụng. Các ý tưởng hình thức thể hiện trên mặt bằng gần như loại bỏ (bởi thực tế khó có điểm nhìn được các ý đồ tạo hình trên mặt bằng). Mặt đứng đúng và đủ, loại bỏ các chi tiết trang trí không cần thiết. Không lạm dụng các ý đồ tạo hình về khối, mảng gây nên những sự bất lợi cho mặt bằng hay khó khăn khi thi công. Các khối, mảng sử dụng chủ yếu đường thẳng, ít hoặc hầu như không có mảng cong, đường cong. Các thành phần kiến trúc đều có ý nghĩa trên mặt bằng, mặt đứng, tồn tại hợp lý và khoa học.


Một hệ thống cổng - tường rào đơn giản với những thanh dọc

Đơn giản ở hình thức kiến trúc mặt đứng

Đây là yếu tố thể hiện rõ nhất ở xu hướng kiến trúc đơn giản. Nếu như trước kia sự quan tâm đầu tiên của khách hàng khi làm việc với kiến trúc sư chính là “mặt tiền”, thì nay “mặt tiền” không phải là yếu tố số một nữa. Mặt bằng công năng và không gian kiến trúc đã chiếm lĩnh lại vị trí vốn có. Hình thức mặt đứng đã đơn giản hơn rất nhiều; các chi tiết như gờ, phào, chi tiết đắp điếm trang trí thuần tuý bị loại bỏ. Hình thức các cửa trên mặt đứng cũng đơn giản hơn. Cũng trên tinh thần đó, mặt đứng sẽ “phụ thuộc” vào mặt bằng nhiều hơn là mặt bằng “theo” mặt đứng.

Đơn giản ở bộ phận và chi tiết kiến trúc

Có những thành phần kiến trúc trong công trình không thể lược bỏ, dù anh có muốn đơn giản thế nào đi nữa. Đó là cầu thang, cửa,… và các thành phần khác tạo nên kiến trúc hoàn chỉnh. Nhưng những chi tiết đã đơn giản đi rất nhiều. Cửa đi, cửa sổ là những mảng lớn, vuông vức thay vì chia ô, chia đố cầu kỳ; hoặc chia bởi các đường cong, đường chu vi phức tạp. Cầu thang đơn giản hơn ở bậc, ở lan can, ở tay vịn. Có thể thấy phổ biến bậc thang chỉ sử dụng mặt gỗ (thay vì mặt bậc + cổ bậc + phào bằng gỗ), lan can thép đơn giản với những đường thẳng (thay vì con tiện gỗ hay những lan can sắt uốn hoa văn), tay vịn thang tròn, vuông (thay vì tay vịn với mặt cắt phức tạp với nhiều đường rãnh soi)… Hệ thống cổng, hàng rào sắt chủ yếu là những thanh thẳng; hoa sắt cửa sổ cũng vậy. Đường cong và hoa văn xuất hiện rất ít, thậm chí không tồn tại.

Những thợ sắt làm sắt xây dựng cho biết: giá thành hoa sắt cổng/cửa làm theo kiểu hoa văn uốn lượn có thể cao gấp ba lần (hoặc hơn nữa tuỳ độ phức tạp) so với thiết kế bằng những đường thẳng (tính trên cùng đơn vị diện tích theo m2). Và tất nhiên thời gian gia công cũng lâu hơn tương đương. Điều đó cho thấy, ngoài vấn đề hình thức; thì sự đơn giản cho hiệu quả tức thì về kinh tế và thời gian.


Hệ thống tủ bếp với những mảng phẳng, lớn, loại bỏ những phụ kiện và chi tiết không cần thiết

Đơn giản ở màu sắc

Màu sắc cũng là một thành phần tạo nên yếu tố đơn giản. Mặc dù các hãng sơn xây dựng luôn đưa ra những bảng sơn phong phú với những màu rất đẹp đáp ứng nhu cầu của khách hàng và các nhà thiết kế, nhưng nếu dùng khéo, thì… ít mà vẫn đẹp. Trong hàng ngàn màu sơn ấy, chỉ cần chọn 1 – 2 màu là đủ. Bởi thực tế, chưa can thiệp màu sơn, đã có… một cơ số màu trong công trình không thể thay đổi. Đó là màu nâu của gỗ, màu trắng của cửa nhựa, màu trắng của thiết bị vệ sinh (đa số), màu đen của đá (đa số), màu đỏ đất nung của gạch gốm; rồi màu xanh của cây… Vậy thì cần gì thêm quá nhiều màu cho trần, cho tường nữa?

Đơn giản ở bài trí và chi tiết nội thất

Có kiến trúc sư đã nói vui rằng: “Tôi không bao giờ làm nội thất; bởi khi kiến trúc của anh định hình, nó đã bao gồm cả nội thất. Mấy cái nho nhỏ như đặt cái đèn, treo cái tranh có thể coi như sự sáng tạo của gia chủ sau này”. Điều đó cũng có lý, khi triển khai thiết kế là phải tính toán chặt chẽ quan hệ giữa kiến trúc với nội thất. Với không gian kiến trúc như thế thì bố trí nội thất phải như thế, không thể khác.

Vậy thì, sự đơn giản ở đây chính là sự bài trí nội thất đúng, và đủ. Ví như chỗ này là cái giường, chỗ kia là cái bàn… cứ đúng thế mà làm. Điều đó sẽ đúng chuẩn mực về công năng sử dụng. Và hiển nhiên là nó sẽ đẹp. Tất nhiên, với xu hướng đơn giản thì những thứ đồ đạc ấy cũng có kiểu dáng đơn giản, màu sắc đơn giản theo.

Trong nội thất, các bộ phận, hạng mục cũng đơn giản như trần phẳng (không uốn lượn, giật cấp), tường phẳng (không xây trát lồi lõm trang trí), nền/sàn đồng nhất bề mặt không lát hoa văn. Các loại đèn, thiết bị cũng có hình thức đơn giản nhất.

Đến tối giản

Phong cách tối giản, hay tối thiểu (minimalist) là tận cùng của sự đơn giản. Ở đó sự đơn giản được đẩy lên cao nhất; kiến trúc được chắt lọc nhất. Kiến trúc sư Ludwig Mies van der Rohe là bậc thầy của phong cách này với câu nói nổi tiếng: “Less is more” (Ít là nhiều). Trên thế giới minimalist là một phong cách khá phổ biến, và được ưa chuộng.

 Ở Việt Nam công trình đơn giản đã xuất hiện rất nhiều, nhưng tối giản để chứa đựng một tinh thần kiến trúc thì có lẽ còn hiếm. Có lẽ ngoài việc thiết kế, hay sự đáp ứng được về công nghệ, vật liệu; thì một trong những lý do quan trọng có thể ảnh hưởng đến phong cách này là văn hoá và lối sống. Để một công trình Minimalist có hồn, thì nó phải gắn với sự độc lập, quyết đoán của người chủ; sự ngăn nắp và khoa học của một tác phong công nghiệp; sự chuyên nghiệp hoá trong công việc ở mức độ cao. Ở ta có lẽ chưa hội tụ được những điều ấy. Một số công trình manh nha tới tinh thần đó với sự giảm thiểu về màu sắc, loại bỏ chi tiết, hay thay thế vật liệu (như kính làm lancan để giảm thiểu sự rối mắt của vật liệu/cấu tạo khác).

 Dẫu vậy, thì tinh thần đơn giản và tối giản vẫn đang tồn tại và tiếp tục lan toả; đó cũng là điều đáng mừng. Chẳng nói gì sâu xa, chỉ “đơn giản” một điều thôi: sự đơn giản về hình thức cũng chính là sự ghi nhận bản chất kiến trúc là không gian, chứ không phải là lớp vỏ bên ngoài.

Theo SGTT

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME