Xem xét thành lập Sở Giải phóng mặt bằng
Một khi giải phóng mặt bằng vẫn còn là nỗi ám ảnh của cả nền kinh tế thì ý tưởng về thành lập Sở giải phóng mặt bằng có lẽ cũng nên cần được xem xét.
Nhiều dự án tại huyện Mê Linh (Hà Nội) đến nay vẫn chưa thể triển khai vì vướng giải phóng mặt bằng |
Khi nhà đầu tư lạnh nhạt
Tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội), quốc lộ 6 (đoạn chạy qua thị trấn Chúc Sơn), theo một cán bộ lãnh đạo huyện này cho biết, đường này được khởi công và đưa vào hoạt động từ những ngày làm thủy điện Hòa Bình. Tuy nhiên, từ đó đến nay đường vẫn chưa thể được nâng cấp. Bà Hoàng Thị Duân, người dân sống bên quốc lộ 6 cho biết, mùa mưa thì lầy lội, mùa nắng thì bụi mù mịt. Hiện trạng quốc lộ 6 chạy qua huyện Chương Mỹ, theo người dân, “không chỉ có ổ gà, mà cả ổ voi, nhiều thứ ổ…”.Ông Đinh Công Hùng, Phó Chủ tịch UBND hyện Chương Mỹ, cho biết, có nhiều nhà đầu tư muốn triển khai thực hiện dự án cải tạo quốc lộ 6 theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng. Trong đó có một DN địa ốc “khủng” cũng đã đến làm việc với huyện, thống nhất vị trí đất dự án “đối ứng” rồi, nhưng suốt một thời gian gần đây, chủ DN này lại có vẻ “lạnh nhạt” và ít quan tâm đến mục đích ban đầu. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên bởi nhà đầu tư lo ngại công tác giải phóng mặt bằng gặp khó, vì bên đường rất nhiều hộ dân sinh sống.
Thực tế hiện nay, lãnh đạo các đơn vị GPMB cấp tỉnh đều phải kiêm nhiệm. Trong khi đó, để triển khai một dự án liên quan đến GPMB thì phải có nhiều chữ ký mới có thể “thông” mọi việc. Nhưng, “một dự án có thẩm định của giám đốc sở ký, trưởng phòng ký, nhưng chuyên viên “ bận” vì lý do nào đó thì các chứ ký của các lãnh đạo trên cũng không “qua” được”, một vị cán bộ có kinh nghiệm lâu năm trong GPMB chia sẻ.
Đơn vị chuyên trách, nhân sự chuyên nghiệp
Hiện tại, mỗi địa phương đều có một hội đồng giải phóng mặt bằng với các thành viên làm việc kiêm nhiệm. Trước đây, có thời kỳ các ban quản lý dự án ngành giao thông (PMU), vừa đồng thời là chủ đầu tư, vừa là chủ thể giải phóng mặt bằng. Có PMU, từng thành lập tới 2 phòng giải phóng mặt bằng với hàng chục cán bộ “tinh nhuệ”, hiện nay phải “giải tán”, phân bổ, điều chuyển vào các bộ phận chuyên môn khác.Trò chuyện với phóng viên, một lãnh đạo một PMU vẫn tấm tắc khi nhớ lại câu chuyện giải quyết mặt bằng “thần tốc” tại một dự án tuyến đường tránh ở ngã ba ông Đồn, tỉnh Đồng Nai. Với sự vào cuộc quyết liệt và tâm huyết của vị chủ tịch thị trấn – một thương binh – chỉ trong vòng 11 ngày “làm ngày làm đêm”, các thủ tục giải phóng mặt bằng cần thiết đã được hoàn tất và dự án sau đó được triển khai … ngon lành. “11 ngày là tiến độ kỷ lục. Bây giờ tính toán theo theo quy định hiện hành, phải mất tới gần hai năm mới giải quyết xong khối lượng công việc đó, nếu rút ngắn, nhanh nhất cũng là 270 ngày”, lãnh đạo PMU này nhớ lại.
“Ôn cố tri tân”, theo vị này suy cho cùng, cũng như các lĩnh vực khác, trong giải phóng mặt bằng vấn đề con người vẫn là vấn đề cốt yếu, quan trọng nhất. Đặc biệt, khi cán bộ giải phóng mặt bằng là những người trực tiếp làm việc với người dân, giải quyết những quyền lợi thiết thực cho dân. Theo ông, khi đã giao công tác giải phóng mặt bằng về các địa phương, cần thiết phải thành lập các đơn vị chuyên biệt và “bộ phận này phải tương đương với cấp sở, gồm những con người chuyên nghiệp, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch UBND tỉnh, có thể gọi là Sở Giải phóng mặt bằng hay Cục Giải phóng mặng bằng”.
“Vì thường xuyên tiếp xúc với người dân trên danh nghĩa đại diện cho nhà nước, nên cán bộ giải phóng mặt bằng phải giỏi, có tâm. Nhưng thực tế hiện nay cán bộ đang làm công tác giải phóng mặt bằng đa phần đều kiêm nhiệm và không phải ai cũng xuất sắc cả. Mỗi phát ngôn sai lệch đều có thể dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Cho nên, phải quy định cán bộ có trình độ như thế nào thì mới được tiếp xúc với dân và có chế độ đãi ngộ xứng đáng”, về mặt nhân sự, lãnh đạo PMU này kiến nghị.
Tại sao không?
Thực tế, một số địa phương cũng đã thí điểm thành lập doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ giải phóng mặt bằng, tuy nhiên mô hình này trong điều kiện Việt Nam được cho là chưa phù hợp.Một số địa phương khác cũng “khai sinh” mô hình “Ban chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng” trực thuộc UBND tỉnh nhưng không nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của người dân. Tại tỉnh Thái Nguyên, khi Ban chỉ đạo bồi thường, giải phóng mặt bằng được thành lập theo quyết định của UBND tỉnh, lập tức đã gây nên sự lo ngại khi nó được người dân gọi là “bộ máy lạ”, mặc cho giải thích của Giám đốc Sở Nội vụ Thái Nguyên Trần Dương Thịnh, rằng, “ban giải phóng mặt bằng này không phải là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước, mà chỉ được thành lập theo thẩm quyền của UBND tỉnh”.
Trong bối cảnh “ách tắc” giải phóng mặt bằng đang trở thành nỗi ám ảnh của cả nền kinh tế thì việc đề xuất thành lập Sở Giải phóng mặt bằng cần được nghiên cứu một cách nghiêm túc.
(Theo PLVN)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet