Xây nhà nên tiết kiệm phần nào thì hợp lý
Trong thời gian giá cả tăng việc xây nhà là nỗi lo cho các gia chủ. Nhiều người nghĩ đến phương án tiết kiệm để cắt giảm ngân sách nhưng với một công trình cần sự bền vững, chúng ta nên tiết kiệm ở khâu nào để không làm ảnh hưởng đến chất lượng?
Trăn trở tìm giải pháp tiết kiệm
Mấy tháng nay, hai vợ chồng chị Thanh ở Quận 7 (Tp.HCM) luôn trong tình trạng bận rộn, họ chạy đôn chạy đáo khắp nơi để làm công việc “khảo sát thị trường”. Đó là vì anh chị chuẩn bị tiến hành công việc trọng đại cả đời người: Xây dựng một căn nhà 2 tấm khang trang thay cho căn nhà cũ đã xuống cấp.
Thế nhưng trước tình hình giá vật liệu tăng chóng mặt, anh chị ăn ngủ không yên khi thấy mình như “lọt thỏm” giữa các khoản chi phí khổng lồ. Hỏi han bạn bè, anh chị nhận được lời khuyên nên tiết kiệm nguyên vật liệu sẽ bớt được một khoản chi phí đáng kể.
Nhưng điều băn khoăn nhất là nên tiết kiệm ở phần nào? Có nhiều ý kiến cho rằng nên tiết kiệm chi phí khi xây thô và trong khi đi khảo giá xây dựng cho phần này, vợ chồng chị Thanh thấy quả thực có thể tiết kiệm được một khoản đáng kể.
Giá xây dựng phần thô trên thị trường trung bình khoảng trên 2 triệu đồng/m2 nhưng cũng có thể giảm được dưới 2 triệu nếu dùng nguyên liệu xây dựng (thép, xi măng, gạch…) có chất lượng trung bình, không phải nhãn hiệu nổi tiếng.
Tiết kiệm mọi thứ, trù bộ khung nhà
Quả thực, tiết kiệm là giải pháp hữu hiệu nhất khi làm nhà trong thời bão giá. Song việc tiết kiệm ra sao thì lại là cả một vấn đề. Các nhà chuyên môn gợi ý: tiết kiệm khi xây nhà trong thời buổi này là hợp lý, nhưng tuyệt đối không nên xem nhẹ phần thô.
Theo các chuyên gia, không nên tiết kiệm khi đầu tư “khung xương” cho ngôi nhà. Trong thời buổi bão giá hiện nay lại càng phải chú ý hơn đến chuyện chất lượng cho công trình. Việc tiết kiệm có thể được đẩy sang phần “áo” của ngôi nhà. Chẳng hạn như giảm bớt công trình phụ, chọn vật liệu ốp vừa túi tiền, giảm các trang trí của ngôi nhà, chất lượng cửa vừa phải, một số tiện nghi có thể sắm dần như bồn tắm, các trang trí tường, trần… Đừng bao giờ tiết kiệm phần thô, nhất là độ bền của bê tông, cốt thép. |
Phần thô có thể ví như một bộ khung của ngôi nhà, phải chắc thì nhà mới bền vững. Vì vậy, các sản phẩm chính quyết định sự vững chắc cho bộ khung như thép, bê tông, gạch… phải được lựa chọn kỹ càng, nên ưu tiên các nhãn hiệu uy tín.
Những hiện tượng nứt tường, dột trần, lún móng ở những ngôi nhà mới xây xong một thời gian không phải là chuyện hiếm. Nguyên nhân chính là do chủ nhà tiết kiệm chi phí xây phần thô, không chọn đúng nguyên liệu tốt, không giám sát kỹ quá trình thi công nên không đảm bảo chất lượng.
Không ít người vẫn quan niệm phần “thô” thì không quan trọng nên dành những gì tốt đẹp nhất cho phần hoàn thiện. Đây là đầu mối phát sinh ra các rắc rối sau này cho bộ khung ngôi nhà. Đặc biệt thường thấy hậu quả của việc tiết kiệm không đúng mức khi xây thô đó là phần bê tông bị xuống cấp do chọn xi măng không chất lượng. Những ngôi nhà bị “bệnh” sụt lún, nứt bê tông sẽ rất khó khăn và tốn kém khi khắc phục nó, gây rất nhiều phiền toái cho gia chủ.
Trên thị trường hiện nay, sản phẩm bê tông tươi (bê tông được trộn tại nhà máy với công nghệ tiên tiến, quy trình khép kín), được xem là có thể khắc phục được những rủi ro của bê tông tự trộn. Anh Vũ, Giám đốc công ty Xây dựng Song Anh, cho biết đối với bê tông tươi, đảm bảo đầu tiên là về chất lượng: trộn đều, được sản xuất bởi quy trình khép kín và nguyên vật liệu cấu thành sạch,… Còn với bê tông tự trộn thì về mặt nguyên vật liệu không sạch, cũng không đảm bảo lắm về chất lượng đồng đều.
Bê tông cố thép được xe là rường cột của ngôi nhà nên không thể tiết kiệm được |
Các nhà thầu đánh giá rằng việc tiết kiệm là điều cần thiết song những khâu quan trọng như đổ bê tông cho ngôi nhà thì không nên, đôi khi việc chọn nguyên vật liệu tốt lại giúp ta tiết kiệm các khoản khác.
Một kiến trúc sư trẻ tại Tp.HCM nhận xét: “Bê tông tươi thì chất lượng sẽ đảm bảo do trộn từ nhà máy. Về giá cả thì bê tông tươi sẽ cao hơn bê tông tự trộn nhưng phần cao hơn đó sẽ bù lại những chi phí khác như thời gian, nhân công, bảo quản nguyên vật liệu…”.
(Theo Tuoitre)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet