Bài học từ các quốc gia phát triển

Tại hội thảo “Xanh hóa phân khúc nhà ở bình dân: Chi phí và lợi ích" do Hiệp hội Bất động sản Việt Nam phối hợp với Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Capital House tổ chức, ông Vũ Hồng Phong, chuyên gia công trình xanh của Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, nhắc đến cụm từ “công trình xanh”, rất nhiều người liên tưởng đến sự đắt đỏ với các giải pháp xanh của người giàu như dùng pin năng lượng mặt trời, trồng cây trên mái… 

Một công trình xanh cần được hiểu đúng là đạt hiệu quả về năng lượng, về nước và năng lượng hàm chứa trong vật liệu. Tuân thủ 3 yếu tố này, thị trường hoàn toàn có thể xuất hiện những công trình xanh phù hợp với khả năng chi trả của tầng lớp thu nhập thấp và trung bình. Trong đó, người kiến trúc sư có vai trò rất quan trọng kiến tạo nên công trình. Họ không những phải giỏi về chuyên môn mà còn phải hiểu khu đất cần được phát triển theo những nguyên tắc nào. Các nguyên tắc thiết kế không làm tăng chi phí một công trình xanh là: Giảm nhu cầu sử dụng - Thiết kế thụ động/Kiến trúc; Sử dụng hiệu quả - Hệ thống công trình; Nguồn năng lượng tái tạo phi tập trung - Tái tạo tại chỗ; Nguồn năng lượng tái tạo tập trung - Ngoài phạm vi công trường; Nguồn năng lượng truyền thống - điện lưới... 

Ông Phong dẫn chứng về những công trình xanh giá rẻ trên thế giới như nhà ở xã hội Bangalore (Ấn Độ). Tòa nhà được sơn trắng phản xạ nhằm tiết kiệm năng lượng. Kính bị hạn chế tối đa bởi kính không chỉ làm tăng giá công trình mà còn hấp thụ nhiều nhiệt và phải tiêu tốn nhiều năng lượng để làm mát. 

Hay dự án nhà ở xã hội tại Cộng hòa Haiti cũng sử dụng tỷ lệ kính rất thấp để tiết kiệm năng lượng. Các bức tường được xây thấp nhằm chắn nắng ngoài tối đa. Các thiết bị nước đều sử dụng chế độ xả thấp. Ngoài ra, công trình cũng giảm lượng bê tông sử dụng trong kết cấu bằng cách làm tường gạch cho tường trong và tường ngoài.

công trình xanh
Theo các chuyên gia, có những công trình đắt mà không xanh và
có những công trình xanh mà không đắt. 

Theo ông Phong, phát triển các công trình xanh hướng tới đối tượng thu nhập thấp và trung bình tại Việt Nam hoàn toàn có thể ứng dụng những giải pháp trên thế giới mà không làm gia tăng chi phí công trình. “Có những công trình đắt mà không xanh và có những công trình xanh mà không đắt. Sự khác biệt nằm ở cách tiếp cận và tận dụng tối đa các lợi ích mang lại. Nếu định hướng sớm ngay từ giai đoạn ý tưởng kèm khai thác tốt các yếu tố thụ động trong kiến trúc, công trình hoàn toàn có tiềm năng đạt hiệu quả cao về năng lượng, nước và vật liệu xây dựng, giúp đạt chứng nhận công trình xanh EDGE mà không làm gia tăng chi phí, hoặc chỉ tăng ở mức 1-2%”, ông Phong nhấn mạnh.

Thách thức nào cho Việt Nam?

Ông Trịnh Tùng Bách, Giám đốc Ban Nghiên cứu và Phát triển Tập đoàn Capital House cho biết việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên đến từ nhận thức, người mua nhà chưa thực sự quan tâm đến tiêu chí xanh và nhiều chủ đầu tư cho rằng công trình xanh sẽ đẩy mức chi phí cao hơn 10-30% công trình thông thường. Thách thức tiếp theo là hiện nay vẫn chưa có chính sách khuyến khích đầu tư công trình xanh một cách cụ thể tại Việt Nam. Các ban ngành chức năng cũng chưa hoàn thiện các tiêu chuẩn kĩ thuật xây dựng tương xứng với các tiêu chí xanh phù hợp với điều kiện phát triển thực tiễn và nhiều bộ tiêu chí chưa thống nhất áp dụng. Bên cạnh đó, là quy trình thủ tục phức tạp, tốn kém. 

Thực tiễn nghiên cứu và triển khai của Capital House cho thấy, chi phí đầu tư công trình xanh chỉ tăng từ 1 đến 5%. Nếu có sự áp dụng đồng bộ ngay từ khâu thiết kế, thi công cho tới quản lý thì mức tăng chỉ là 1%. Trong chi phí vòng đời dự án thì ở công trình xanh, chi phí vận hành giảm đối với chủ đầu tư và cư dân. Người dân được hưởng môi trường sống trong lành, sức khỏe được nâng cao. 

Chẳng hạn một dự án đáp ứng các tiêu chí xanh như Ecohome 3 (công trình đạt chứng chỉ Xanh EDGE) giúp tiết kiệm được khoảng 25% năng lượng; 36% nguồn nước và khoảng 32% năng lượng hàm chứa trong vật liệu, chất lượng không khí được nâng cao, hiệu ứng đảo nhiệt giảm giúp nhiệt độ thấp hơn 1 - 2 độ so với môi trường xung quanh. 

Ông Bách kết luận, công trình xanh là tất yếu nhưng công trình xanh cho nhà ở giá rẻ bình dân thì chưa thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của người dân. Việc triển khai các giải pháp xanh tại những công trình nhà ở giá thấp và trung bình là một xu thế tất yếu nhằm tạo nên những cộng đồng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường.

Thúy An 

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME