Vùng ven Sài Gòn vẫn náo loạn vì "cò" đất
"Cò" đất không chỉ lừa bán nhà xây dựng trái phép, những khu đất nằm trong quy hoạch hoặc đất nông nghiệp vùng ven TP.HCM còn bị các đối tượng này tự ý phân lô, bán nền.
Thực tế thị trường vùng ven chưa từng bình yên trở lại, phân lô, bán nền đất quy hoạch, đất nông nghiệp vẫn tràn lan dù trước đó báo chí liên tục phản ánh, cơ quan chức năng cũng vào cuộc điều tra.
Rảo quanh các địa bàn "nóng" ở Sài Gòn những ngày gần đây, từ Bình Chánh, Hóc Môn đến Bình Tân... đâu đâu cũng thấy đông đảo "cò" đất dùng đủ chiêu trò hòng đưa người mua vào bẫy.
Xây nhà lúc... nửa đêm
Anh Võ Kim T. (ngụ xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn), chủ thầu xây dựng cho biết, gần 1 năm nay anh vẫn nhận những công trình xây nhà ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn và thực hiện mọi việc lúc... nửa đêm.
"Khi mọi người ngon giấc cũng là lúc thợ và tôi bắt đầu làm việc. Quá trình xây phải hết sức tĩnh lặng, hạn chế tối đa tiếng động và càng nhanh càng tốt. Sở dĩ phải làm gấp rút vì khi công trình hoàn thành thì chính quyền khó có thể đập bỏ ngay", chủ thầu xây dựng tên T. nói. Anh này cho biết thêm, trên địa bàn các xã Vĩnh Lộc A, Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh hiện không còn nhiều quỹ đất thổ cư. Đây cũng là nguyên nhân anh phải làm "lụi" tất cả công trình xây dựng vì đều là đất nông nghiệp.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi vì sao vẫn xây "lụi" khi chính quyền địa phương rất cương quyết đối với tình trạng này, anh T. trả lời: "Cái đó tôi đã nghe nhưng vẫn thấy có người kêu xây nhà. Các chủ nhà cho rằng dẫu biết khi đang xây không phép mà bị phát hiện thì bị đập bỏ nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vì lý do lỡ mua đất phân lô, bán nền của "cò". Xây để giữ đất và chờ thời nên họ đành liều".
Chúng tôi thuyết phục khá nhiều lần mới được anh T. dẫn đến xem cận cảnh một công trình đang xây. Đó là một khu đất nằm sâu trong đường Lê Thị Dung, xã Vĩnh Lộc A. Dù anh này đã gửi định vị GPS vị trí mảnh đất nhưng chúng tôi không thể tìm được lối vào, và buộc phải chờ người dẫn đi. Người thợ xây dựng này dẫn chúng tôi vào một con hẻm rất nhỏ, chỉ đủ cho một xe máy đi qua. Chỉ được 50 m là hết lối đi, chúng tôi phải nhờ đường đi trong khuôn viên của nhà dân.
Khu đất nông nghiệp ở vùng giáp ranh huyện Bình Chánh và Hóc Môn,
TP.HCM được phân thành 40 nền và rao bán trái phép
"Muốn vào nhà phải chạy vào đất hàng xóm à?", chúng tôi thắc mắc. Người dẫn đường giải thích: "Ở đây, muốn nhà giá rẻ phải như vậy". Sau đó, người này lại ngoắc tay ra hiệu đi tiếp. Đoạn tiếp theo lại gặp khó, xe máy phải chạy lên một bờ ruộng. Hai bên, là khu đất của một nhà vườn đang được làm luống trồng rau.
Cuối cùng cũng đến được mảnh đất mà anh T. nhận xây. Theo quan sát, bốn bề khu đất này đều là đất nông nghiệp. Hạ tầng chỉ là một bờ đất, trước đây vốn là kênh nước. Theo anh T. với khu đất khó tìm như vậy, việc xây nhà mới khó bị cơ quan chức năng phát hiện kịp thời!
Ngang nhiên phá hoại bảng cảnh báo
Theo hệ thống quy hoạch mà chúng tôi kiểm tra, chức năng khu đất anh T. nhận xây nhà là đất công viên và đường đi lại. Tuy nhiên, thông tin rao bán khu đất vẫn xuất hiện nhan nhản trên mạng. Đây là tình trạng không chỉ xảy ra ở Bình Chánh mà còn lan sang cả Hóc Môn và quận Bình Tân, chính quyền cũng rất bế tắc trong việc ngăn chặn.
Đơn cử, UBND huyện Hóc Môn đã nhiều lần ra thông báo kêu gọi người dân cảnh giác, tránh bị cò đất lừa. Trong một thông báo, UBND huyện này nêu rõ: "Thủ đoạn của cò đất là dẫn khách đến các căn nhà khóa cửa hoặc những khu đất đã được phân lô, sau đó đưa ra hàng loạt giấy tờ photocopy có dấu đỏ. Họ liên tục hối thúc đặt cọc, dù đó là nhà xây dựng trái phép hay đất nằm trong diện quy hoạch."
Còn theo thông tin do ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn cung cấp, gần đây đã xuất hiện chiêu thức mới là cò đất lôi kéo nhiều hộ dân có đất liên kết lại, rồi tự ý phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp. Đáng nói là những người bị mắc bẫy hầu hết đều là dân nhập cư, hộ có thu nhập thấp. Do đó, họ chấp nhận mua cả những lô đất nằm sâu trong khu rau màu, đường vào khó khăn và phân lô trái phép.
Để ngăn chặn, cứ thấy khu vực nào có dấu hiệu bán đất nền trái phép, lực lượng chức năng địa phương lại dựng bảng cảnh báo ngay trên khu đất vi phạm. "Thế nhưng, khi bảng cảnh báo được dựng lên cũng là lúc cò đất lấy sơn bôi mờ và thậm chí đập phá, tháo bỏ", chủ tịch UBND xã Xuân Thới Thượng bức xúc.
Tại quận Bình Tân, ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết, địa phương đã phải dán thông báo khắp nơi để cảnh báo người dân không nên mua đất trong các khu thuộc diện quy hoạch, không được phân lô, bán nền. Vậy nhưng, một số người dân vẫn đặt cọc số tiền lớn, từ 50-400 triệu đồng khi nghe cò đất hứa sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xây nhà ở sau 6-12 tháng.
Địa phương vẫn sẽ kiên trì cảnh báo, khuyến cáo
Một bảng cảnh báo của UBND xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc
Môn để người dân không mắc "bẫy" cò đất
Ông Nguyễn Gia Thái Bình cho hay, qua đi thực tế và nắm bắt thông tin trên các trang mạng, UBND quận Bình Tân phát hiện trên địa bàn có 9 khu đất bị cò tung tin để lừa bán trái phép. Trước mắt, chính quyền cảnh báo người dân cần hết sức cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của một số cò đất, dịch vụ tư vấn bất động sản có dấu hiệu lừa đảo như đã nêu, tránh thiệt hại về tài sản.
Cũng theo ông Bình, nếu quan tâm dự án nào người mua đất nên đến UBND quận để tìm hiểu thông tin quy hoạch, tính pháp lý. Cơ quan chức năng cũng sẽ hướng dẫn các thủ tục mua bán nhà, đất theo đúng quy định của pháp luật nhằm tránh rủi ro, giảm thiểu thiệt hại và phát sinh tranh chấp sau các giao dịch mua bán.
Hình thức lập vi bằng, hợp đồng góp vốn tại các văn phòng thừa phát lại hoặc tại công ty đầu tư cho góp vốn để giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhà, đất không được xem là cơ sở pháp lý để thực hiện sang tên, biến động quyền sử dụng đất cho bên mua. Bởi lẽ, vi bằng thừa phát lại chỉ có giá trị là chứng cứ trước tòa khi xem xét, giải quyết tranh chấp.
Phó chủ tịch UBND quận Bình Tân cũng lưu ý: "Có những trường hợp chủ đất đã thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở ngân hàng, cầm cố hoặc chuyển nhượng cho người khác nhưng vẫn lập vi bằng chuyển nhượng nhà, đất dẫn đến phát sinh tranh chấp, gây khó khăn cho các cơ quan chức năng trong quá trình xử lý vụ việc và gây thiệt hại lớn đến tài sản của người mua."
Ông Bình khuyến cáo: "Tóm lại, để không bị cò đất hay các đơn vị kinh doanh bất động sản chiếm dụng vốn hoặc lừa đảo thông qua hình thức góp vốn mua bán đất nền trong vùng quy hoạch, để biết thông tin đầy đủ về khu đất mà mình cần mua, người dân cần liên hệ với chính quyền địa phương".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet