Đại biểu Phạm Thị Loan: “Đến bao giờ Hà Nội mới có quy hoạch chung?” - Ảnh: T.Phú

Phiên chất vấn diễn ra sáng 21-4, do HĐND TP Hà Nội tổ chức nhằm kiểm tra, giám sát sự điều hành, chỉ đạo của UBND TP về thực hiện mục tiêu nhiệm vụ kinh tế - xã hội.

Phá nát quy hoạch

Phần giải trình của Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình về kết quả rà soát các dự án, đồ án để điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch chung của TP đang được xây dựng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cho biết: qua năm tháng rà soát, kết quả số đồ án, dự án thu thập được lên tới con số 744, với diện tích chiếm đất khoảng 75.189ha. Trong đó, số dự án khu đô thị mới, khu nhà ở, hỗn hợp là 389, chiếm 52%, với diện tích đất là 39.148ha, dân số dự kiến là 2,4 triệu người.

Bức xúc trước chuyện ồ ạt cấp dự án trước ngày Hà Nội hợp nhất với Hà Tây và các địa phương khác trong khi chính quy hoạch chung của thủ đô còn chưa có, đại biểu Bùi Thị An chất vấn: “Trước khi sáp nhập, Thủ tướng có yêu cầu rà soát các dự án. Vậy từ lúc Thủ tướng có yêu cầu đến khi Hà Nội chính thức sáp nhập đã có bao nhiêu dự án được ra đời?”.

Chung quan điểm với đại biểu An, nhiều đại biểu khác cho rằng việc cấp dự án ồ ạt trước ngày Hà Nội hợp nhất (đặc biệt tại địa bàn Hà Tây cũ, huyện Mê Linh - Vĩnh Phúc và bốn xã cũ của huyện Lương Sơn - Hòa Bình) đã phá nát quy hoạch chung của thủ đô hiện đang trong quá trình nghiên cứu, lập quy hoạch. Chính việc cấp dự án vội vã khi chưa tính đến một Hà Nội mở rộng, chưa có quy hoạch chung đã khiến việc giải quyết hậu quả của nó càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Đại biểu Phạm Thị Loan đặt vấn đề: “Hiện Hà Nội vẫn chưa có quy hoạch chung được duyệt, vậy Hà Nội sẽ căn cứ vào đâu để xác định các dự án được tiếp tục triển khai, dự án phải chỉnh sửa hoặc đình lại? Đến bao giờ Hà Nội có quy hoạch chung, trước đó thì cấp theo tiêu chí nào, đối với những dự án đã triển khai giờ phải đình lại thì áp dụng theo cơ chế đền bù thế nào cho các chủ đầu tư?”…

Phải dừng điều chỉnh nhiều dự án

"Đối với dự án bị dừng lại do vi phạm quy hoạch, rồi khâu phê duyệt thì phải xử lý thế nào, trách nhiệm thuộc về ai? Đề nghị UBND TP làm rõ trách nhiệm của cá nhân, đơn vị tham mưu ra các quyết định giao dự án..."

Đại biểu PHẠM XUÂN HẰNG

"Về việc làm rõ trách nhiệm cá nhân, đơn vị cấp dự án ồ ạt này, UBND TP sẽ có báo cáo cụ thể để các cơ quan chức năng khác xem xét xử lý đúng theo pháp luật"

Ông PHÍ THÁI BÌNH (phó chủ tịch UBND TP Hà Nội)

Giải trình những chất vấn trên, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình cho biết trong số hơn 744 dự án trên, sẽ có nhiều dự án phải điều chỉnh cho phù hợp quy hoạch chung của thủ đô hoặc phải dừng triển khai.

Ngày 3-4, UBND TP đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành có liên quan kết quả ban đầu công tác rà soát đánh giá các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư nêu trên. Về cơ bản, Thủ tướng Chính phủ đã thống nhất với quan điểm, mục tiêu và cách thức tiến hành của TP, đồng thời chỉ đạo chờ Bộ Xây dựng báo cáo Thường trực Chính phủ quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội lần 1 dự kiến vào tháng 5-2009.

Trên cơ sở các nhóm tiêu chí do Hà Nội đề xuất kết hợp với kết quả báo cáo lần 1 quy hoạch chung xây dựng thủ đô, TP Hà Nội chủ trì, thống nhất với Bộ Xây dựng tiếp tục rà soát và phân nhóm các đồ án quy hoạch, dự án đầu tư, trong đó nêu rõ dự án nào tiếp tục được triển khai, dự án nào phải tạm dừng chờ điều chỉnh, dự án nào phải dừng hẳn, báo cáo Chính phủ chậm nhất trong tháng 6.

Liên quan đến các chất vấn về dự án treo, chậm triển khai, nhiều dự án đất để không trong khi người dân không có việc làm, ông Bình cho biết nguyên nhân chính là các chủ đầu tư chạy theo lợi nhuận, không thực hiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với việc xây dựng nhà ở khiến đất đai tại khu vực này bị bỏ trống, gây bức xúc. Tới đây UBND TP Hà Nội sẽ yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết thực hiện hạ tầng kỹ thuật đi trước một bước. Mặt khác, UBND TP cũng phải kiểm soát chặt chẽ chẩn bệnh của các nhà đầu tư, nhà đầu tư nào năng lực yếu, tài chính kém thì kiên quyết phải thay...

Hà Nội quá ô nhiễm!

“Môi trường Hà Nội đang ô nhiễm trầm trọng. Tôi đi nhiều tỉnh thành chưa thấy nơi nào ô nhiễm như ở Hà Nội, ra đường bụi rác bay phất phơ, ý thức của người dân thì kém, rác gì cũng đổ ra đường” - đại biểu Phạm Thị Thành bức xúc trước thực trạng môi trường TP ô nhiễm đã nhiều năm nay mà chưa có biện pháp hiệu quả để khắc phục. Nhiều đại biểu cũng dẫn chứng mới đây Hà Nội cá chết trắng sông Nhuệ do nước sông bị ô nhiễm trầm trọng. Nguyên nhân chủ yếu do các cơ sở sản xuất kinh doanh xả nước bẩn, chất thải ô nhiễm ra môi trường, vậy UBND TP có biện pháp kiên quyết gì để xử lý mạnh tay?

Theo UBND TP Hà Nội, hiện TP đang xây dựng kế hoạch tuyên truyền để xây dựng ý thức cho người dân thủ đô giữ gìn bảo vệ môi trường sống của mình, dự kiến trong tháng 4-2009 kế hoạch này sẽ được phê duyệt.

Song song với việc tuyên truyền, TP cũng xây dựng phương án xử phạt thật nặng đối với trường hợp xả thải rác bừa bãi ra môi trường để răn đe. Liên quan đến chất lượng nước các dòng sông trên địa bàn TP ô nhiễm nặng, ông Vũ Hồng Khanh - phó chủ tịch UBND TP Hà Nội - cho biết nguyên nhân chủ yếu là do nước thải sinh hoạt và các cơ sở sản xuất. Riêng sông Nhuệ đang được xây dựng đề án bảo vệ, cải tạo sông với tổng vốn lên đến hơn 3.000 tỉ đồng. Dự kiến trong tháng 5-2009 sẽ thực hiện xong công đoạn khảo sát sông Nhuệ và triển khai dự án…

Theo Bao moi

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME