Công trình được khởi công xây dựng năm 1927 trên một khu đất rộng tới 3 ha và có hình ngũ giác, được án ngữ bởi các tuyến phố Baronna (phố Yersin ngày nay), Armaand Rousseau (phố Lò Đúc) và Voie No163 (phố Nguyễn Cao), phía trước là một vườn hoa nhỏ sau này cũng được đặt  tên là Pasteur.

Mặt bằng tổng thể được bố trí theo dạng phân tán, ngoài toà nhà chính dành cho công tác nghiên cứu còn có nhiều công trình phù trợ như chòi gác, nhà tiêm, chuồng gia súc lớn, chuồng gia súc nhỏ. Trên khu đất còn có biệt thự của viên giám đốc và nhà ở cho nhân viên quản lý công trình.

Toà nhà chính cao 3 tầng là một công trình mang tính nhiệt đới hoá điển hình thời Pháp thuộc ở Hà Nội. Nhà được bố trí theo hướng Bắc – Nam với hệ thống hành lang bên ở phía Nam vừa dón được gió mát tránh gió lạnh, đồng thời giảm bức xạ mặt trời chiếu lên mặt nhà.

Mặt bằng công trình được bố trí kiểu đối xứng qua trục trung tâm gồm ba tầng. Cách bố trí mặt bằng tương đối giống nhau ở cả ba tầng: sảnh nằm chính giữa, các phòng làm việc bám theo hành lang bên rộng tới 2,5m, hai đầu hồi là các phòng làm việc có hành lang nhỏ quay ra các hướng Đông và Tây tạo ra không gian chuyển tiếp che chắn bức xạ mặt trời. Phía dưới còn có một tầng trống cao 0,5m để cách nhiệt chống ẩm cho sàn tầng 1.

Giao thông theo phương đứng toà nhà được đảm trách bởi một hệ thống gồm ba cầu thang: cầu thang chính nằm ngay sau chính sảnh có hình móng lừa, hai cầu thang phụ được bố trí ở các hồi nhà.

Bản vẽ mặt chính Viện Pasteur Hà Nội do kiến trúc sư Roger Gaston thiết kế năm 1926


Mặt chính công trình hướng ra phố Baronna và nhìn ra vườn hoa Pasteur vẫn được thiết kế theo tinh thần Cổ điển với hình thức đối xứng hoàn toàn, được chia thành 3 phần theo phương đứng và 5 phần theo phương ngang. Tuy nhiên việc kiến trúc sư – tác giả đưa vào mặt chính các thành phần kiến trúc phương Đông một cách khéo léo đã tạo cho công trình một hình thức kiến trúc kết hợp hoàn hảo.

Khối trung tâm được thiết kế nhô ra phía trước và được nhấn mạnh bởi bộ mái ngói hai lớp theo kiểu chồng diêm tổ chức rất công phu. Phía trên là lớp mái 4 mặt được ngăn cách với lớp mái dưới bởi các lỗ thông gió được trang trí bằng gạch hoa tráng men.

Phía dưới là một lớp mái phức hợp được tạo thành bởi rất nhiều bề mặt theo các hướng khác nhau, trên mái là một gác chuông nhỏ - một yếu tố trang trí truyền thống phương Tây nhưng được xử lý khéo léo dưới lớp mái ngói kiểu phương Đông tạo một điểm nhấn rất thú vị cho công trình. Ngoài ra còn có các mái che nắng cho hai hàng cửa phía dưới và một ban công ở tầng hai tạo ra mái hiên che tiền sảnh được đỡ bởi 6 cột có hình thức khác nhau nhấn mạnh thêm cho khu vực phía dưới khối trung tâm.

Hai cánh nhà được tổ chức đối xứng với ba hàng cửa sổ, hàng cửa ở tầng một có diện tích nhỏ hơn theo nguyên tắc kiến trúc cổ điển phương Tây, đáng chú ý là hai hàng cửa sổ ở tầng 2 và tầng 3 có diện tích rất lớn, lắp kính và được che bởi các ô văng dốc lợp ngói ta tạo thành các băng dài chạy suốt chiều dọc nhà. Phần mái ngói hai cánh nhà tổ chức đơn giản nhưng vẫn được tô điểm bằng các ống khói lợp ngói và các cửa mái hình tam giác. Kết thúc hai cánh nhà các khối hồi nhà nằm vuông góc, mặt đứng các khối này là sự nối tiếp của các cánh nhà nhưng cửa sổ được bố trí tập trung ở phần giữa tạo ra sự kết thúc khoẻ khoắn theo phương ngang công trình.

Các giải pháp kiến trúc thích ứng khí hậu nhiệt đới được tác giả lưu tâm đặc biệt. Dưới lớp mái ngói là tầng hầm mái được tổ chức các cửa thông gió làm tăng khả năng cách nhiệt. Các cửa sổ mở rộng để thông gió và lấy ánh sáng tự nhiên, các cửa đều được che nắng bởi các băng ô văng dốc, đặc biệt phía dưới và phía trên cửa đều có hàng lỗ thông hơi nhằm tăng cường khả năng thông gió, thải nhiệt theo phương đứng. Các hướng Đông và Tây đều được che nắng, cách nhiệt bởi các hành lang có cửa sổ hai lớp kính - chớp. Xung quanh mái dốc được bao bởi hệ thống sê nô bê tông cốt thép vươn ra rất rộng, đảm bảo thoát nước mưa tốt cho mái.

Cảnh quan xung quanh công trình cũng được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. Toà nhà chính lùi sâu so với mặt phố và tạo một vườn hoa nhỏ phía trước. Cây cối trong vườn được lựa chọn cẩn thận, phía trước nhà chủ yếu là các cây thấp, cây tán hẹp không che khuất mặt đứng, trong đó có 2 cây đại rất đặc trưng ở các toà nhà phong cách kiến trúc Đông Dương ở Hà Nội. Hai đầu hồi hướng Đông và Tây trồng những cây cao, tán rộng che nắng tạo bóng mát cho công trình.

Viện Pasteur là một công trình nghiên cứu khoa học lớn thời Pháp thuộc, được thiết kế đáp ứng đầy đủ công năng nghiên cứu hiện đại kiểu phương Tây nhưng được bọc trong lớp vỏ kiến trúc phương Đông, rất phù hợp với khí hậu và cảnh quan đặc trưng địa phương, ngày nay đã trở thành một di sản, một công trình kiến trúc nhiệt đới hoá điển hình ở Hà Nội.





(Theo KH&ĐS)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME