Khu tái định cư Thạnh Mỹ Lợi nằm giữa đồng không mông quạnh. Ảnh: T. Thạnh.

Theo Nghị quyết 57 của HĐND TPHCM ban hành ngày 29-6-2006 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (TĐC) và đào tạo, giải quyết việc làm cho người dân khi Nhà nước thu hồi đất, đến giữa năm 2007, UBND TP phải giải quyết TĐC cho 4.636 hộ dân tạm cư thời gian dài. Đến nay đã trễ hạn hơn 1 năm, số hộ tạm cư vẫn còn 406 hộ và người dân vẫn chưa thể an cư sau khi bị thu hồi đất.

Sau giải tỏa là... bấp bênh


Theo UBND quận 2, trong tổng số 35 dự án có vốn ngân sách đang thực hiện bồi thường trên địa bàn, dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm có số hộ bị giải tỏa nhiều nhất với gần 15.000 hộ. Không chỉ thiếu quỹ nhà TĐC, điều đáng lo ngại là hạ tầng xã hội các khu TĐC đều thiếu và chưa được xây dựng đồng bộ. Ông Đặng Trung Kiên, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Bình Khánh - nơi có 100% số hộ dân bị giải tỏa trắng của dự án Thủ Thiêm, than phiền: “Ở khu TĐC Thạnh Mỹ Lợi, ngoài một vài lốc chung cư, còn lại xung quanh là đồng không mông quạnh nên dù sống ở đây nhưng người dân vẫn phải chạy vào nội thành khám bệnh, học hành và... kiếm chỗ sinh nhai”.

Tuy không có con số điều tra chính xác nhưng báo cáo của quận 12 và Thủ Đức, hai quận ngoại thành có tốc độ đô thị hóa nhanh, cho thấy thực tế đời sống người dân sau đền bù giải tỏa gặp không ít khó khăn. “Sau khi TĐC, cuộc sống người dân gặp khó khăn hơn trước cả về kinh tế lẫn đời sống tinh thần”. Đây là phản ánh của UBND phường Tân Thới Nhất, quận 12 - TPHCM.

Ông Thân Thế Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thới Nhất, cho biết một số hộ dân được nhận nền TĐC không có khả năng đóng tiền chênh lệch để nhận nền nhà và không còn tiền để xây dựng nhà nên phải chuyển nhượng cho người khác, cuộc sống tiếp tục gặp khó khăn. Phản ánh của nhiều hộ dân phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp phục vụ các dự án khu công nghiệp là vấn đề không thể không quan tâm.

Đây là thực trạng chung của người dân nhiều vùng ngoại thành khi các khu đô thị mới, khu công nghiệp mọc lên.

Bồi thường như... ban ơn


Mỗi năm TP chuyển đổi mục đích sử dụng hàng ngàn hecta đất nông nghiệp sang đất ở và đất dành cho sản xuất công nghiệp. Thế nhưng sự chuẩn bị cuộc sống mới cho người dân bị thu hồi đất vẫn theo kiểu được chăng hay chớ, kết quả là người bị thu hồi đất chỉ được nhận tiền đền bù, hỗ trợ di dời, hoa màu... mà chưa được đền bù giá trị vô hình (do mất công ăn việc làm, xa trường học, bệnh viện...).

Từ khi Luật Đất đai năm 2003 có hiệu lực đến nay, TP căn cứ vào giá đất chuyển nhượng thực tế trên thị trường và khả năng sinh lợi để cân đối và xác định giá đất nông nghiệp để tính bồi thường. Cụ thể, tính bồi thường theo mức giá từ 50.000 đồng/m2 đến 300.000 đồng/m2 tùy theo khu vực và loại đất nông nghiệp. Nếu so sánh với khả năng sinh lợi của đất nông nghiệp thì mức giá bồi thường trên tương đối cao, bởi theo Bộ NN-PTNT, khả năng sinh lợi tối đa của đất nông nghiệp khoảng 50 triệu đồng/ha/năm. Ngoài phương thức đền bù bằng tiền, trong những dự án kinh doanh nhà ở, TP còn cho phép hoán đổi đất nông nghiệp lấy đất ở đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật theo tỉ lệ từ 8%-13,5% theo từng loại đất. Cụ thể là cứ 1.000 m2 đất bị thu hồi, người dân có thể nhận được từ 80 m2 đến 135 m2 đất ở.

Tuy vậy, người dân và cả một số cán bộ chuyên trách trong việc đền bù, cho rằng với mức giá đền bù đất nông nghiệp như hiện nay là chưa phù hợp với tình hình thực tế, cũng như giữa các dự án dùng vốn ngân sách và các dự án kinh doanh nhà ở.

Hỗ trợ, nhưng gấp ba, bốn lần đền bù

Một lãnh đạo Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Bình Chánh - TPHCM cho biết tất cả các dự án kinh doanh phải thu hồi đất nông nghiệp trên địa bàn huyện đều phải tăng giá bồi thường lên gấp ba - bốn lần mới thu hồi được. Như một dự án ở khu Nam TPHCM, giá đền bù do UBND TP duyệt từ 200.000 đồng - 375.000 đồng/m2 đất nông nghiệp, nhưng cũng ở khu vực này, người dân tự chuyển nhượng cho người mua khác có khi lên đến 2 triệu đồng/m2. Để triển khai nhanh dự án, chủ đầu tư đã đồng ý tăng thêm chi phí hỗ trợ người bị thu hồi đất. Gọi là hỗ trợ nhưng thật ra chi phí này gấp ba lần giá đền bù chính thức. Còn những người ở dự án công ích gần đó, do không được hưởng thêm khoản hỗ trợ này nên đã phát sinh khiếu nại, bởi cùng một điều kiện nhưng người được ít, kẻ được nhiều là chưa thật công bằng.

Quên sử dụng “cần câu” hỗ trợ

Nhằm hỗ trợ người dân có đất bị thu hồi thực hiện các dự án trên địa bàn được vay vốn làm ăn, học nghề... UBND TPHCM đã thành lập Quỹ Hỗ trợ đào tạo và giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất (gọi là Quỹ 156). Quỹ này bắt đầu giải ngân từ tháng 5-2007 nhưng đến nay kết quả hỗ trợ vẫn còn hạn chế. Qua thực tế tiếp xúc, tham vấn, không ít hộ dân cho biết họ chưa nghe đến sự tồn tại của Quỹ 156.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mai, tổ trưởng tổ quản lý Quỹ 156, nhận định: Hầu như quận- huyện chỉ quan tâm đến công tác bồi thường giải phóng mặt bằng mà quên sử dụng “cần câu” hỗ trợ cho cuộc sống người dân sau khi bị thu hồi đất từ Quỹ 156.

Theo Người Lao Động

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME