Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sắt thép, ximăng, gạch, trang trí nội thất đang điêu đứng vì thị trường ế ẩm.


Giảm 20-30%

Gần 11g nhưng cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng trang trí nội thất AN trên đường Tô Hiến Thành (Q.10, Tp.HCM) vẫn lặng như tờ, chỉ có hai nhân viên bán hàng ngồi xem tivi giết thời gian. Lâu lâu mới có người tạt vào xem mẫu gạch lót nền, săm soi vài kiểu giấy dán tường mà không buồn hỏi giá. Bà T., chủ cửa hàng, cho biết đây là tháng thứ tư liên tiếp lực bán ra tại cửa hàng bà giảm 20-30% so với cùng kỳ 2010.

Theo bà T, mọi năm thị trường vật liệu xây dựng cũng có giai đoạn kinh doanh khó khăn, nhưng chưa năm nào mức độ khó khăn lại kéo dài và lâu như năm nay. Một nhân viên chuyên nhập sổ giao nhận hàng của cửa hàng cho biết không lấy hàng mới kể từ tháng 4/2011 đến nay. Toàn bộ hàng đang có tại đây còn đủ bán đến hết tháng 10 nếu thị trường có “chạy” lại chút đỉnh, còn không tiếp tục “ôm hàng” là điều khó tránh.

Ông M.V.T, đại lý thuộc loại nhỏ chuyên phân phối nhiều thương hiệu ximăng, cho biết lượng hàng bán ra của đại lý ông ước giảm 40-50% so với cùng kỳ năm ngoái, chỉ còn khoảng 1 tấn/ngày thay cho mức trên 2 tấn/ngày như trước đây.

Theo ông Bùi Hoàng Triệu - giám đốc Công ty TNHH xây dựng Minh Khoa (Tân Bình), yếu tố kinh tế khó khăn, trong đó việc thắt chặt tín dụng đối với các dự án bất động sản, đã tác động rất mạnh lên lĩnh vực xây dựng từ cuối quý 1/2011 đến nay, đặc biệt là các dự án bất động sản quy mô lớn. Trong khi đó đối với các công trình xây dựng dân dụng thông thường, so với cùng kỳ năm ngoái lượng khách đặt hàng xây dựng mới chiếm rất ít, còn phần lớn là sửa chữa nhỏ lẻ.


Tồn kho tính đến hết tháng 7/2011

Ximăng và clinker  1,62 triệu tấn
Thép xây dựng thành phẩm và phôi thép  930.000 tấn
Gạch ốp lát các loại  30 triệu m2

                                                         Nguồn: Tổng công ty Công nghiệp ximăng VN, Hiệp hội Thép VN, Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN

Không chỉ người bán và thị trường chịu đựng sức mua ế ẩm, doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng đứng ngồi không yên khi thị trường “trở lạnh” kéo dài.

Phụ trách kinh doanh một doanh nghiệp ximăng thuộc loại lớn của Tổng công ty Công nghiệp ximăng VN (Vicem) cho biết lượng ximăng tiêu thụ trong tháng 7/2011 chỉ đạt khoảng 320.000 tấn, giảm hơn 10% so với tháng trước. Nếu so với tổng lượng ximăng tiêu thụ được bảy tháng đầu năm 2011, doanh nghiệp này không những không đạt kế hoạch đề ra mà còn suy giảm ít nhất 3% so với cùng kỳ 2010.

Đến cuối tháng 7/2011, lượng ximăng của Vicem tiêu thụ khoảng 9,6 triệu tấn, bằng 50% mục tiêu của năm 2011 và chỉ đạt 96,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tồn kho của Vicem đến cuối tháng 7/2011 được ghi nhận là 1,62 triệu tấn, trong đó tồn 1,2 triệu tấn clinker.

Ngành thép không khá hơn khi chỉ số tồn kho sản phẩm được Tổng cục Thống kê ghi nhận trong tháng 7/2011 tăng đến 28,3% so với cùng kỳ năm 2010 đối với thép cây, khoảng 19,5% đối với thép cuộn.

Ông Nguyễn Tiến Nghi, phó chủ tịch Hiệp hội Thép VN, cho rằng dù lực tiêu thụ thép trong tháng 8/2011 đã có dấu hiệu cải thiện, ước tiêu thụ được 410.000 tấn, tăng khoảng 50.000 tấn so với tháng trước, nhưng nếu tính thêm lượng thép thành phẩm và phôi thép “gối đầu” cho các tháng, lượng thép tồn xấp xỉ 930.000 tấn.

Ông Đinh Quang Huy, chủ tịch Hiệp hội Gốm sứ xây dựng VN, cho biết theo thống kê chưa đầy đủ, ước có trên 30 triệu m2 gạch ốp lát các loại còn tồn tại các doanh nghiệp thành viên dù công suất chạy máy chỉ 70% so với công suất thiết kế. Còn tại Hà Nam, hiện có một doanh nghiệp sản xuất bêtông nhẹ đang tồn khoảng 12.000m3, tương ứng 12 tỉ đồng, “dù công suất sản xuất của doanh nghiệp này chỉ khoảng 100.000m3/năm” - ông Trần Văn Huynh, chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng VN, cho hay.

Theo ông Huy, đây là năm cực kỳ khó khăn của doanh nghiệp khi đầu ra thị trường vật liệu xây dựng hiện bị “chôn” theo thị trường bất động sản. “Không chỉ ở dòng vốn bị ứ đọng bằng hiện vật, mà còn thêm tình trạng lãi suất vay rất cao cũng góp phần không nhỏ làm tình hình trở nên căng thẳng hơn bao giờ hết” - ông Huy nhận xét.



Ế nhưng giá vẫn tăng

Mặc dù thị trường ế ẩm nhưng giá bán các loại vật liệu xây dựng vẫn không hề suy giảm.

Ông Nguyễn Long, phụ trách vật tư Công ty Minh Khoa, cho biết mặt bằng giá các loại vật liệu xây dựng vẫn đứng ở mức cao, thậm chí có loại còn tăng.

Chẳng hạn giá ximăng thời điểm tháng 5 khoảng 84.000 đồng/bao nay tăng lên 92.000 đồng/bao, thép từ 18,1 triệu đồng/tấn hiện vọt lên 18,4-18,5 triệu đồng/tấn, ống nhựa PPR hơn 43.000 đồng/m (tăng 100%). Còn gạch lát nền sau khi điều chỉnh tăng 8-12% từ đầu tháng 4-2011 hiện vẫn giữ nguyên, dao động 145.000-180.000 đồng/m2, gạch ốp tường 150.000-165.000 đồng/m2 (tùy loại). Một số chủng loại khác như thiết bị vệ sinh, giấy dán tường, dây cáp điện, gạch ống..., vốn đã tăng 8-10% từ vài tháng trước, hiện được dự báo sẽ có mức giá mới kể từ đầu tháng 9.

(Theo TTO)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME