TS. Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, vật liệu xanh đã được sử dụng khá lâu ở các nước phát triển, tuy nhiên ở Việt Nam, loại vật liệu này vẫn còn khá mới mẻ với người tiêu dùng. Vì vậy, cùng với sự trầm lắng của thị trường xây dựng, bất động sản, thì việc người tiêu dùng chưa quen khiến loại vật liệu này gặp khó trong tiêu thụ. Tuy nhiên, ông Huynh dự đoán, trong tương lai, vật liệu xanh thân thiện môi trường sẽ chiếm ưu thế so với các loại vật liệu truyền thống.

Tính riêng thị trường gạch, mỗi năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 20 tỷ viên gạch các loại, trong đó gạch không nung chỉ chiếm khoảng 5 - 7% thị phần, tương đương với 30% công suất thiết kế, khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn. Để tìm hướng ra cho sản phẩm, các doanh nghiệp sản xuất gạch bê tông khí chưng áp (AAC) phải hướng đến thị trường xuất khẩu.

Ông Đàm Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty Vương Hải, chủ nhãn hiệu gạch AAC V-Block cho biết, để tìm đầu ra cho sản phẩm, duy trì sản xuất, Công ty đã xuất hàng sang Lào, Campuchia và mới đây là thị trường Úc. Tương tự, ông Nguyễn Thạc Quang, Giám đốc Phát triển kinh doanh Công ty Tân Kỷ, chủ nhãn hiệu gạch AAC E-Block cũng cho biết, dù là thương hiệu lớn trong nước về sản phẩm gạch AAC, nhưng việc tiêu thụ ở thị trường nội địa rất hạn chế, nên thị trường tiêu thụ chính của Công ty vẫn là xuất khẩu.

Vật liệu xanh "nhọc nhằn" tìm chỗ đứng trên thị trường VLXD | ảnh 1

Sau một thời gian xuất khẩu, Doanh nghiệp tư nhân Trọng Danh, doanh nghiệp sản xuất gạch ngói làm từ vỏ trấu, nhựa và phế thải công nghiệp mới đây đã chú trọng phát triển thị trường trong nước bằng việc tham gia chương trình “Xây dựng nông thôn mới” tại Hà Tĩnh.

“Để dòng sản phẩm vật liệu xanh mà mình tâm huyết được người tiêu dùng trong nước chấp nhận sử dụng, doanh nghiệp phải đi bằng nhiều chân, lấy ngắn nuôi dài”, ông Phạm Trọng Hoàn, Giám đốc Doanh nghiệp tư nhân Trọng Danh trải lòng khi đứng cạnh ngôi nhà chống lũ có thể nổi trên mặt nước được lắp ghép từ sản phẩm của Công ty.

Trên lĩnh vực gạch bê tông cốt liệu, mới đây, CTCP Chế tạo máy và sản xuất vật liệu mới Trung Hậu, doanh nghiệp chuyên bán dây chuyền sản xuất sản phẩm vật liệu xanh đã hợp tác với CTCP Xi măng Fico để sản xuất gạch bê tông cốt liệu. Sự hợp tác giữa 2 doanh nghiệp này đang có những hiệu quả bước đầu. Ông Trần Trung Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty Trung Hậu cho biết, để người tiêu dùng biết và sử dụng rộng rãi hơn các sản phẩm vật liệu xanh, cần phải có những cái bắt tay mạnh hơn nữa giữa các doanh nghiệp để tận dụng thế mạnh của nhau, đặc biệt là giữa doanh nghiệp có công nghệ với doanh nghiệp sản xuất vật liệu truyền thống, đã có hệ thống phân phối rộng khắp.

Không những vật liệu xanh mới xuất hiện khó tiếp cận khách hàng, những sản phẩm tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường như bình nước nóng năng lượng mặt trời dù ra đời 6 năm cũng khó tìm được chỗ đứng do nhận thức của người tiêu dùng về sản phẩm này vẫn còn hạn chế.

Thực hiện chính sách tiết kiệm năng lượng, Bộ Công thương đã phối hợp với các doanh nghiệp để đưa sản phẩm bình nước nóng năng lượng mặt trời đến gần hơn với người tiêu dùng bằng cách hỗ trợ tiền lắp đặt.

Mới đây, Bộ Công thương giao cho Công ty SolarBK cùng phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam thực hiện chương trình tiết kiệm năng lượng theo hình thức hợp đồng “chìa khóa trao tay”, lắp đặt hệ thống bình nước nóng tại các khách sạn. Chương trình này đã được các doanh nghiệp đón nhận tích cực.

Ông Tào Văn Nghệ, Tổng giám đốc Khách sạn Rex (Tp.HCM) cho biết, ngoài việc giảm sự phụ thuộc vào nguồn năng lượng truyền thống như điện, xăng dầu, việc lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời giúp Khách sạn tiết kiệm được khoản tiền điện không hề nhỏ. Tỷ lệ tiền điện trên doanh thu của Khách sạn giảm từ mức 5% năm 2009 (trước khi lắp đặt hệ thống), xuống còn khoảng 4% hiện nay. Riêng tiền điện trả cho nước nóng năm 2009 là 1,1 tỷ đồng/năm, hiện đã giảm xuống còn khoảng 300 triệu đồng/năm.

Vật liệu xanh ngoài việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm tài nguyên, còn giảm chi phí giá thành cho các công trình. Nếu công trình sử dụng gạch AAC có thể tiết kiệm 20 - 30% chi phí móng, trong khi đó, gạch bê tông cốt liệu cũng có giá thấp hơn gạch đỏ khoảng 30%, trong khi chất lượng tốt hơn hẳn. Dù có nhiều ưu điểm như trên, nhưng hiện nay, vật liệu xanh vẫn chật vật tìm chỗ đứng. Tuy nhiên, theo đánh giá của các doanh nghiệp và chuyên gia, khó khăn hiện nay chỉ là tạm thời, tương lai, loại vật liệu này sẽ chiếm ưu thế trên thị trường vật liệu xây dựng Việt Nam.

Tin tưởng vào điều này, TS. Hà Lê, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Nghệ An đã nghiên cứu cho ra đời sản phẩm xi măng hỗn hợp polime vô cơ - silicat tương đương xi măng PCB độ mác từ 20 - 30, với giá khoảng 760.000 - 790.000 đồng/tấn. Sản phẩm đã được sản xuất thử nghiệm tại 4 nhà máy và sắp tới sẽ được sản xuất đại trà khi TS. Hà Lê phối hợp với trường Đại học Công nghiệp Tp.HCM vừa nghiên cứu ứng dụng và triển khai xây dựng nhà máy sản xuất tại phía Nam.

(Theo ĐTCK)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME