Văn phòng cho thuê Hà Nội: Cuộc trỗi dậy của thị trường phía Tây
Trước 2012, các quận trung tâm của Hà Nội như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa… là thị trường chính của văn phòng cho thuê. Từ 2012 đến nay, xu hướng thuê văn phòng đã dịch chuyển dần về phía Tây Hà Nội với tâm điểm là quận Cầu Giấy và Nam Từ Liêm.
Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2013 đến nay, số lượng doanh nghiệp mới được thành lập liên tục tăng mạnh. Thực tế này tất yếu dẫn đến nguồn cầu lớn ở phân khúc văn phòng. Trong khi nguồn cung tại khu vực trung tâm không tăng do quỹ đất cạn kiệt thì sự bùng nổ của bất động sản phía Tây cũng kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt văn phòng mới.
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, phía Tây sẽ trở thành trung tâm hành chính, kinh tế, văn hóa mới của Thủ đô. Vì thế, nhiều công trình quan trọng của Hà Nội, trụ sở của các cơ quan hành chính lớn đều tập trung về đây.
So với các quận trung tâm cũ, văn phòng cho thuê tại Cầu Giấy và Nam Từ Liêm có lợi thế về sự đa dạng nguồn cung, mức giá mềm và diện tích sàn thuê lớn |
So với các quận trung tâm cũ, văn phòng cho thuê tại Cầu Giấy và Nam Từ Liêm có lợi thế về sự đa dạng nguồn cung, mức giá mềm và diện tích sàn thuê lớn. Cùng tiêu chuẩn hạng B, các tòa văn phòng quận trung tâm có giá thuê từ 20-30USD/m2 thì văn phòng phía Tây là 15-18USD/m2. Phần lớn văn phòng ở Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng có diện tích sàn từ 100-250m2 thì tại Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, các tòa nhà có diện tích sàn từ 500-1.000m2. Trên thực tế, 80% nguồn cung văn phòng ở phía Tây là phân khúc hạng B và C.
Theo khảo sát của Batdongsan.com.vn, tại phía Tây Hà Nội, khu vực Duy Tân và Trần Thái Tông (Cầu Giấy) là khu vực có công suất thuê cao nhất, đạt trên 90%. Đây cũng là khu vực có giá thuê khá mềm, chủ yếu là văn phòng hạng C với mức giá từ 12-15USD/m2. Một số tòa văn phòng tiêu biểu có thể kể đến như Lotus Building (số 2 Duy Tân), 3D Center (số 3 Duy Tân), Việt Á Tower (Duy Tân), Zodiac Building, Ap Building (58 Trần Thái Tông), Bảo Anh Building (62 Trần Thái Tông)… Một số tòa nhà hạng B có giá thuê từ 15-17USD/m2 ở khu vực này là TTC Tower (19 Duy Tân), CMC Tower (11 Duy Tân) cũng đạt tỉ lệ lấp đầy trên 90%.
Điều khiến Duy Tân, Trần Thái Tông trở thành “điểm nóng” của thị trường văn phòng cho thuê quận Cầu Giấy là bởi trước đây khu vực này được quy hoạch là cụm sản xuất tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ. Đến năm 2013, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã công nhận cụm Tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ quận Cầu Giấy là khu công nghệ thông tin tập trung. Theo đó, các tổ chức, cá nhân đầu tư và hoạt động trong khu công nghệ thông tin tập trung được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước áp dụng đối với khu công nghệ cao. Chính bởi vậy, hàng loạt tập đoàn, công ty đều chọn thuê văn phòng tại đây. Chính bởi ưu thế trên mà các văn phòng ở Duy Tân, Trần Thái Tông luôn có công suất thuê cao hơn so với văn phòng các khu vực khác của Cầu Giấy nói riêng và phía Tây nói chung.
Không kém cạnh hai “điểm nóng” trên, khu vực Mỹ Đình, đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm) cũng là thị trường văn phòng có tỉ lệ lấp đầy cao, lên tới 85-90%. Một số tòa tiêu biểu có thể kể đến như tòa nhà Sông Đà, SimcoTower, Toyota Building (11-14USD/m2); Handico Tower, Ceo Tower, Vinaconex 9, HH3 Tower, FLC Landmark Tower, ICD (16-19USD/m2). Các dự án văn phòng ở đây đều được thừa hưởng các tiện ích từ các dự án và công trình xung quanh như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, sân vận động Quốc gia, bảo tàng Hà Nội, cung Triển lãm Quy hoạch Quốc gia, trung tâm thương mại The Garden, The Manor, siêu thị Big C, hệ thống các ngân hàng, nhà hàng dày đặc…
Trong hơn 1 năm qua, giá thuê các tòa nhà ở 2 khu vực “hot” trên gần như không có biến động. Dù nguồn cung có tăng lên nhưng do giá và diện tích mặt bằng phù hợp với nhu cầu của đa số khách thuê, vì thế công suất và giá thuê luôn giữ ở mức ổn định. Một số tòa nhà có mức tăng giá nhẹ, khoảng 5% so với thời điểm cuối năm 2016 (tương đương khoảng 0,5-0,7USD/m2) như Handico Tower, Ceo Tower, Bảo Anh Building, CMC Tower.
Hệ thống văn phòng trên đường Trần Duy Hưng, Trung Hòa Nhân Chính, Hoàng Đạo Thúy, Lê Văn Lương trước đây được coi là trung tâm khu vực văn phòng phía Tây, công suất thuê luôn ở mức cao. Các tòa văn phòng tiêu biểu của khu vực này là Eurowindow Complex (27 Trần Duy Hưng), Charmvit Tower (117 Trần Duy Hưng), NO4, NO5 (Hoàng Đạo Thúy), 319 Tower (63 Lê Văn Lương), StarCity Building (81 Lê Văn Lương)…Tuy nhiên, thời gian gần đây, do tình trạng ùn tắc thường xuyên diễn ra trên trục đường chính Lê Văn Lương, cộng với giá thuê cao hơn các khu vực khác (15-25 USD/m2) nên công suất thuê có xu hướng giảm nhẹ, tỷ lệ lấp đầy đạt hiện khoảng 80%.
Cùng thuộc phía Tây, công suất thuê văn phòng khu vực Hà Đông hay Bắc Từ Liêm có phần kém hơn, vào khoảng 70%, do vị trí xa trung tâm và kết nối giao thông không thuận tiện bằng các khu còn lại.
Nhận định về thị trường văn phòng cho thuê khu vực phía Tây Hà Nội, bà Trần Thùy Linh, Trưởng phòng đào tạo Công ty Cổ phần Dịch vụ Bất động sản Asia Properties cho biết, trong tương lai, khu vực phía Tây sẽ tiếp tục là tâm điểm của thị trường cho thuê. Cùng với sự hình thành trung tâm hành chính về phía Tây, thị trường văn phòng cho thuê khu vực này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ.
Thúy An
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet