Vẫn là chuyện "rách đâu vá đấy" khi quy hoạch Hà Nội
Bộ mặt của Thủ đô Hà Nội sẽ vẫn "méo mó", lộn xộn nếu không có sự kiểm tra, giám sát tốt trong việc điều chỉnh quy hoạch cho dù có cố gắng đầu tư đến đâu.
Một chuyên gia về kiến trúc khi nói về quy hoạch Hà Nội hiện nay, đã cho rằng công tác quy hoạch của chúng ta chưa có tầm nhìn và không được đồng bộ, chủ yếu vẫn làm theo kiểu giải pháp tình thế, nói cách khác là... "rách đâu vá đấy". Việc này cũng giống như lúc nào cần cái gì chúng ta làm cái đó, chứ chưa nghĩ làm cái gì đó lâu dài, nên mới dẫn đến việc phải phá đi, như kiểu làm đường rồi lại đào đường làm nước.
Theo báo cáo của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, năm 2008, trong tổng số 84 hồ sơ giải quyết, có 28 hồ sơ được điều chỉnh cục bộ; 56 hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc.
Đáng lo ngại, những con số nêu trên tăng dần hàng năm. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2012, trong tổng số 244 hồ sơ giải quyết, có 29 hồ sơ điều chỉnh cục bộ; 11 hồ sơ điều chỉnh tổng thể; 84 hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng và phương án kiến trúc.
Thiếu chuyên nghiệp
Tại quận Hoàng Mai, trong 15 quy hoạch chi tiết đã duyệt, có 9 đồ án phải điều chỉnh. Thậm chí, không ít quy hoạch còn "nằm trên giấy", vì sau khi điều chỉnh thì trường học, các công trình công cộng, cây xanh được xác định trên nền các khu nghĩa trang hiện có hoặc khu dân cư đã sinh sống ổn định lâu đời hay khu ở giãn dân đã có công trình xây dựng kiên cố, nên không thể tiến hành đầu tư xây dựng theo quy hoạch được phê duyệt.
Tương tự, ở quận Cầu Giấy, trong 58 dự án trên địa bàn thuộc thẩm quyền quận được phân cấp thì giai đoạn từ năm 2008 - 2010, cũng đã có 35 dự án được phê duyệt chấp thuận điều chỉnh quy hoạch tổng mặt bằng, phương án kiến trúc sơ bộ. Còn quãng thời gian 2011 - 2012, có 23 dự án được điều chỉnh.
Ảnh minh họa |
Phần lớn dự án của huyện Hoài Đức cũng nằm trong diện phải rà soát, điều chỉnh như các khu đô thị 2 bên đường Lê Trọng Tấn, Bắc Quốc lộ 32, Nam An Khánh. Cá biệt, tại khu tái định cư Nam Trung Yên có quy mô 56,4ha thuộc địa bàn quận Cầu Giấy và huyện Từ Liêm, sau 10 năm xây dựng và qua 8 lần điều chỉnh, đến nay nhiều hạng mục hạ tầng kỹ thuật vẫn chưa hoàn thiện, nhiều công trình phụ trợ chưa được triển khai.
Lợi dụng chủ trương cũng như những điểm còn hạn chế của Luật Xây dựng, Luật Điều chỉnh quy hoạch đô thị, có nơi chủ đầu tư còn xây dựng sai quy hoạch. Khi bị phát hiện lại làm thủ tục điều chỉnh quy hoạch để hợp thức hóa sai phạm.
Ông Trần Viết Ngôn, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội, cho biết vấn đề khó khăn là do các chủ đầu tư cố tình vi phạm, sau khi bị phát hiện và bị yêu cầu đình chỉ công trình thì họ lại tìm cách "chạy" hết các "cửa". Chẳng hạn, xin qua Sở Kiến trúc hoặc UBND TP cho chủ trương điều chỉnh "cục bộ" nhằm hợp thức hóa những phần sai phạm.
"Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp phổ biến, chỉ có trường hợp cá biệt khi căn cứ các tiêu chuẩn, quy chuẩn có thể chấp nhận được thì mới cho điều chỉnh. Còn theo quyết định, khi đã có quy hoạch 1/500 thì hầu hết các vi phạm đều phải khắc phục hậu quả", ông Ngôn nói.
Ông Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến Trúc Hà Nội, cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch gần đây còn thiếu chuyên nghiệp. Để Hà Nội trở thành một đô thị hiện đại, hoàn chỉnh, cần phải lựa chọn nên làm cái gì trước, cái gì sau. Hiện nay, không ai hiểu thành phố đang ưu tiên phát triển lĩnh vực nào.
"Phải xác định cái ưu tiên cho sự phát triển Thủ đô, chứ không thể cái nào cũng ôm đồm, vừa muốn có một Hà Nội phát triển rộng lớn với mô hình "đô thị chùm" lại vừa có một Hà Nội thông thoáng không có ùn tắc, kẹt xe", ông Nghiêm chia sẻ.
Đô thị đi trước, thoát nước theo sau
Người ta vẫn ví Hà Nội hôm nay như một người đã trưởng thành nhưng vẫn đang mặc chiếc áo của trẻ con. Đây là nguyên nhân, đồng thời là "sản phẩm" của việc quy hoạch, thiết kế đô thị với tầm nhìn hạn hẹp.
Điều mà ai cũng có thể nhận thấy là kiểu xây đô thị trước, thoát nước theo sau. Mới đây, một lãnh đạo UBND Tp.Hà Nội đã khẳng định khi trả lời chất vấn trước HĐND Thành phố, là đến năm 2015, Hà Nội sẽ hết ngập.
Tuy nhiên, lời khẳng định này không khỏi khiến người ta nghi ngại. Gần 20 năm qua, trong khi tốc độ đô thị hóa của Hà Nội diễn ra như vũ bão, còn vấn đề thoát nước lại chưa có một quy hoạch tương xứng, đồng bộ thì làm sao người ta không cảm thấy nghi ngại trước tuyên bố "đến năm 2015 sẽ hết ngập"?
Được biết, tổng kinh phí thực hiện các dự án thoát nước Hà Nội tính từ năm 1996 đến nay là 550 triệu USD. Giai đoạn 1 (từ năm 1996 - 2005) với tổng vốn đầu tư 180 triệu USD với mục tiêu giải quyết tình trạng úng ngập trong phạm vi 77,5 Km2 của 7 quận nội thành và 1/2 huyện Từ Liêm, Thanh Trì (thực tế, năm 2008 mới hoàn thành).
Giai đoạn 2 thực hiện từ năm 2006, dự kiến hoàn thành cuối năm 2013 với tổng mức đầu tư 370 triệu USD, mục tiêu là giải quyết được tình trạng ngập úng do mưa ở mức 310mm/2 ngày. Vậy mà, khi lượng mưa còn chưa vượt 100mm và chỉ diễn ra trong khoảng 2 giờ, nhiều tuyến phố đã "chìm nghỉm" trong nước.
Theo phân tích của KTS. Trần Huy Ánh, Hội Kiến trúc sư Việt Nam, hạn chế trong việc thoát nước kém của Hà Nội hiện nay vẫn là kịch bản quy hoạch thoát nước đã quá cũ. Quy hoạch hiện nay vẫn do JICA lập cách đây 20 năm, bổ sung 5 - 10 năm nay. Theo kịch bản đó, nước tự chảy từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, dồn từ Thanh Liệt và Yên Sở.
"Chủ quan nhận xét của tôi và thực tế úng ngập tùm lum như những ngày qua thì kịch bản này khó trụ được lâu dài. Mấy đường Metro xuyên qua nội thành sẽ trở thành hang chuột sũng nước khổng lồ", ông Ánh ví von.
Nếu không có sự kiểm tra, giám sát tốt trong việc điều chỉnh quy hoạch, thì cho dù có cố gắng đầu tư đến đâu, bộ mặt Thủ đô sẽ vẫn "méo mó", lộn xộn. Kèm theo đó là tình trạng tắc đường, thiếu bãi đỗ xe, úng ngập, xử lý nước thải, ô nhiễm môi trường…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet