Vẫn chưa tìm được mô hình thanh tra xây dựng tốt nhất
Gần 5 năm thực hiện Quyết định 89/2007/QĐ-TTg ngày 18//6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm thành lập thanh tra xây dựng cấp quận, phường (Quyết định 89), một vấn đề được đặt ra là xóa bỏ hay giữ lại mô hình thanh tra hai cấp này?
Phù hợp thực tế của Hà Nội
Hà Nội có tốc độ đô thị hóa cao; nhu cầu về nhà ở, địa điểm sản xuất, kinh doanh lớn nên hoạt động xây dựng rất sôi động ở mọi lúc, mọi nơi… Để bảo đảm mỹ quan, quản lý hạ tầng đô thị, đất đai, trong các năm 1985-1987, các quận, huyện, xã, phường, thị trấn (cấp quận, phường) của Hà Nội đã thành lập các đội quy tắc, tổ quản lý trật tự xây dựng (TTXD).Sau khi Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 100/2002/QĐ-TTg và Quyết định 89, các tổ, đội TTXD của Hà Nội được tổ chức lại, chuẩn hóa thành lực lượng thanh tra xây dựng cấp quận, phường. Đến nay, TP Hà Nội có khoảng 1.700 người làm công tác thanh tra xây dựng, trong đó cấp quận có hơn 500 người, cấp phường gần 1.200 người...
Sau 5 năm thực hiện Quyết định 89, công tác quản lý TTXD trên địa bàn thành phố đã dần đi vào nền nếp; các cấp ủy, chính quyền quận, phường đã có trách nhiệm hơn trong quản lý TTXD; tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm kiểm tra, xử lý vi phạm chuyển biến tích cực; số công trình được kiểm tra, xử lý vi phạm đạt tỷ lệ cao; ý thức chấp hành pháp luật của chủ đầu tư tăng lên; nhiều hành vi vi phạm TTXD, đất đai đã kịp thời được ngăn chặn; hạn chế số vụ vi phạm gây bức xúc dư luận…
Khi Luật Thanh tra 2010 có hiệu lực, Bộ Xây dựng đã soạn thảo nghị định sửa đổi Nghị định 46/2005/NĐ-CP về thanh tra chuyên ngành xây dựng, trong đó có đề xuất sáp nhập các đội thanh tra xây dựng cấp quận, phường vào thanh tra sở xây dựng và tổ chức lại thành các đội thanh tra xây dựng quận, huyện trực thuộc thanh tra sở.
Đây là đề xuất phù hợp với Luật Thanh tra nhưng chưa phù hợp thực tế quản lý TTXD của địa phương có tốc độ đô thị hóa cao như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Bởi vì, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm TTXD cần thiết phải có lực lượng thanh tra cấp cơ sở am hiểu thực địa và thường xuyên kiểm tra; khi xử lý vi phạm cần sự vào cuộc, chỉ đạo trực tiếp của hệ thống chính trị cơ sở, các cơ quan phối hợp như công an, điện lực, cấp nước sạch. Nếu không có tổ chức thanh tra cấp quận, phường trực tiếp tham mưu giúp việc chính quyền địa phương dẫn đến công tác quản lý TTXD sẽ gặp nhiều khó khăn, dễ bùng phát tình trạng buông lỏng, đùn đẩy trách nhiệm và các tiêu cực…
Vì vậy, UBND TP Hà Nội đã có văn bản đề nghị Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội tiếp tục thực hiện Quyết định 89; hoặc tổng kết, đánh giá mô hình, hiệu quả hoạt động của thanh tra xây dựng cấp quận, phường sau 5 năm thành lập thí điểm, từ đó có nghiên cứu, đề xuất mô hình phù hợp địa bàn Thủ đô và các quy định pháp luật hiện hành.
Công trình 55A, 55B Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, xây vượt 4 tầng sai phép |
Tiếp tục hoàn thiện bộ máy, cơ chế phối hợp xử lý
Trong thời gian qua, số vụ vi phạm về TTXD đang gia tăng nên có ý kiến cho rằng, lực lượng thanh tra xây dựng cấp quận, phường của Hà Nội đông nhưng hoạt động chưa hiệu quả.Về vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Bắc Hà cho biết, hiện nay mỗi đơn vị cấp phường của thành phố có từ 1 đến 3 người, cấp quận khoảng 15-20 người. Dù địa bàn rộng, nhu cầu xây dựng lớn… nhưng hằng năm, số công trình do thanh tra cấp quận, phường kiểm tra, phát hiện, đề xuất phương án xử lý vi phạm luôn cao… Tuy nhiên, do yêu cầu về nhiệm vụ quản lý TTXD nên có nơi sử dụng người không có trình độ chuyên môn, thiếu kiến thức pháp luật chuyên ngành, lao động hợp đồng, mức lương khoán thấp (khoảng 2,5 triệu đồng/người/tháng)… đã làm giảm chất lượng công tác thanh tra.
Bên cạnh đó, các cơ quan phối hợp như cấp điện, nước sạch, công an hiện chưa thực hiện nghiêm túc việc cắt điện, nước, cấm công nhân, phương tiện vận chuyển vật liệu xây dựng vào công trình… ngay từ khi có quyết định đình chỉ thi công. Quy định xử phạt vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng đất đai có điểm chưa thống nhất về phương pháp xử lý, chưa rõ ràng trách nhiệm của cơ quan thanh tra xây dựng và tài nguyên môi trường… Thậm chí nhiều thanh tra xây dựng có tư tưởng không ổn định, băn khoăn: Liệu hoạt động của thanh tra xây dựng cấp quận, phường hiện nay có trái Luật Thanh tra, lực lượng này sẽ đi đâu khi Quyết định 89 “kết thúc sứ mệnh”?...
Theo Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Phan Văn Bảo: Trong khi chờ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Quyết định 89 hay không, thành phố Hà Nội yêu cầu thanh tra xây dựng cấp quận, phường vẫn hoạt động bình thường; phê bình những tập thể, cá nhân lấy lý do này để lơi là, buông lỏng quản lý TTXD… Nếu được Thủ tướng Chính phủ cho phép tiếp tục thực hiện Quyết định 89, Hà Nội đề xuất bổ sung giải pháp: Sáp nhập thanh tra xây dựng cấp phường vào thanh tra xây dựng cấp quận. Để tăng tính độc lập, chịu trách nhiệm của lực lượng thanh tra và chủ tịch UBND cấp quận, phường, thanh tra quận sẽ điều động, luân chuyển, bố trí nhân sự phù hợp tình hình quản lý TTXD của các xã, phường, thị trấn. Thành phố Hà Nội sẽ ban hành quy định cụ thể trách nhiệm của lãnh đạo cấp ủy, chính quyền và các cơ quan phối hợp (công an, điện lực, cấp nước sạch) trong quy trình xử lý vi phạm TTXD.
Ông Phan Văn Bảo cũng thừa nhận, Thanh tra sở chưa làm tốt công tác thanh tra công vụ, đột xuất nên chưa kịp thời phát hiện, xử lý cán bộ có biểu hiện tiêu cực, hoạt động này sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới…
(Theo KTĐT)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet