Ứng dụng gỗ tự nhiên trong nội thất nhà ở
Nội thất gỗ tự nhiên ngày càng được nhiều gia đình ưa chuộng khi thi công nội thất nhờ sự bền đẹp, vẻ sang trọng, hiện đại, mẫu mã đa dạng và khung giá hợp lý. Mỗi loại gỗ tự nhiên mang nét đẹp và có những ưu điểm riêng, mang đến nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Ưu - nhược điểm của nội thất gỗ tự nhiên
Không phải ngẫu nhiên gỗ tự nhiên được lựa chọn nhiều để sản xuất các đồ nội thất. Nội thất gỗ mang đến cảm giác thân thiện, ấm cúng hơn cho không gian sống, thể hiện sự tinh tế, sang trọng cho ngôi nhà.
Độ bền: Đây là ưu điểm nổi trội của đồ nội thất gỗ tự nhiên so với các loại vật liệu khác. Đặc biệt, một số loại gỗ như tràm hương, giáng hương, đinh hương… theo thời gian sử dụng sẽ càng thêm bóng đẹp.
Tính thẩm mỹ: Gỗ tự nhiên đẹp nhờ màu gỗ và những đường vân hoa khác nhau trên từng loại gỗ. Tùy vào sở thích và phong cách thiết kế chung của ngôi nhà mà bạn nên chọn loại gỗ có màu sắc và đường vân phù hợp.
Đa dạng mẫu mã: Nội thất gỗ có thể chạm trổ tùy theo sở thích của gia chủ. Hơn nữa, gỗ có độ dẻo dai nhất định nên thuận lợi hơn cho việc tạo hình. Một số màu sắc gỗ thường được lựa chọn như nâu cánh gián, vàng nhạt, xám hoặc màu tự nhiên của gỗ…
Nội thất gỗ tự nhiên cho không gian sống thêm sang trọng, ấm cúng. Ảnh: Internet
Bên cạnh những ưu điểm, gỗ tự nhiên cũng tồn tại một số nhược điểm, làm ảnh hưởng đến tính thẩm mỹ và tuổi thọ của món đồ.
Chịu nước kém: Nội thất nói chung và nội thất gỗ tự nhiên nói riêng đều nên tránh tiếp xúc nhiều với nước. Gỗ dù đã được qua xử lý nhưng vẫn dễ bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ… sau một thời gian sử dụng.
Dễ bị trầy xước: Bề mặt nội thất gỗ tự nhiên khi bị các vật sắc nhọn cà mạnh vào sẽ rất dễ bị trầy xước. Một phương pháp để bảo vệ lớp bề mặt này là sử dụng tấm kính cường lực và hạn chế để gỗ tiếp xúc với các đồ vật sắc nhọn.
Một số loại gỗ tự nhiên phổ biến trong thi công nội thất
Gỗ tự nhiên làm nội thất hiện rất đa dạng về mẫu mã, chủng loại cũng như chất lượng gỗ. Tuy nhiên, đối với nội thất gia đình, một số loại gỗ tự nhiên thông dụng nhất phải kể đến như: gỗ xoan đào, gỗ sồi, gỗ óc chó, gỗ thông, gỗ pơ - mu, gỗ chò chỉ, gỗ sưa…
Gỗ xoan đào
Gỗ xoan đào khi mới xẻ có màu hồng sẫm. Loại gỗ này chắc, cứng, có vân đẹp và thớ gỗ mịn, khả năng chịu nhiệt, chịu nước, chịu lực, chịu nén rất tốt. Nhờ ít bị cong vênh, mối mọt nên gỗ xoan đào được đánh giá khá cao về độ bền và độ ổn định. Đặc biệt, giá cả đồ nội thất gỗ xoan đào ở mức phải chăng, phù hợp với túi tiền của nhiều hộ gia đình, được ứng dụng nhiều để làm giường ngủ, bàn ghế, tủ bếp, tủ quần áo.
Nhược điểm của loại gỗ này là nếu không được sấy kỹ sẽ dễ bị co ngót, cong vênh và có thể bị nhạt màu theo thời gian nên phải sơn phủ bằng sơn PU. Hơn nữa, vì gỗ xoan đào màu đỏ nên chỉ có thể sơn màu đậm hơn hoặc màu cánh gián mà không thể sơn màu sáng. Do đó, những gia đình trẻ sống tại các căn chung cư thường ít khi lựa chọn loại nội thất này. Giá gỗ xoan đào sấy vào khoảng 15-20 triệu/m3, gỗ xẻ khoảng 10-12 triệu đồng/m3.
Gỗ chò chỉ
Gỗ chò chỉ được sử dụng khá nhiều trong các thiết kế nội thất. Loại gỗ này rất bền, chịu được nước, thường có giác màu vàng, lõi màu nâu đậm và có mùi thơm tự nhiên. Đặc tính của loại gỗ này là cứng, mịn, thớ thẳng, nặng và dễ gia công.
Gỗ chò chỉ thường được ứng dụng để làm cửa gỗ, khuôn cửa, tay vịn cầu thang, sàn gỗ, bàn ghế, giường ngủ… Giá cả loại gỗ này cũng khá phải chăng, được chia thành gỗ thường và gỗ cao cấp. Giá gỗ thường ở mức khoảng 6 triệu đồng/m3, gỗ cao cấp khoảng 14 triệu đồng/m3.
Có nhiều loại gỗ tự nhiên được ứng dụng để thi công nội thất. Ảnh: Internet
Gỗ sồi
Gỗ sồi được nhập khẩu từ châu Âu, chủ yếu là từ Mỹ, sở hữu màu gỗ đẹp. Ưu điểm của gỗ sồi là độ chắc chắn, cứng, nhẹ và chịu lực tốt, có hai dạng vân là vân núi và vân sọc nên có thể sơn PU màu sáng hoặc tối tùy theo sở thích.
Nếu phân chia theo nguồn gốc, trên thị trường chủ yếu có gỗ sồi Mỹ và gỗ sồi Nga. Gỗ sồi Mỹ có chất lượng cao hơn và giá thành cao hơn gỗ sồi Nga. Còn nếu phân chia theo chủng loại, gỗ sồi gồm sồi đỏ và sồi trắng. Về độ cứng, sồi trắng và sồi đỏ tương đương nhau nhưng sồi trắng chống thấm tốt hơn, vân gỗ đẹp, đa dạng hơn nên được ưa chuộng hơn.
Thân gỗ sồi có thể dễ dàng được uốn cong bằng hơi nước, khả năng bám ốc vít tốt, chịu ẩm cao, ít bị co ngót, mối mọt. Vì có kết cấu chắc chắn nên độ rỗng của gỗ ít, tốn nhiều thời gian cho việc xử lý gỗ hơn. Gỗ sồi được dùng làm nội thất ngoài trời và làm giường, tủ, bàn ghế… Giá gỗ sồi Nga rơi vào khoảng 14 triệu/m3. Giá gỗ sồi Mỹ khoảng 10-19 triệu/m3.
Gỗ thông
Gỗ thông có lớp nhựa bảo vệ nên có khả năng chống sự xâm hại của mối mọt. Gỗ thông thường có dát gỗ màu trắng hoặc hơi vàng nâu, tâm màu đỏ, vân gỗ không nhiều nhưng khá rõ và thường nhẹ hơn các loại gỗ khác. Vì có vân gỗ đẹp nên gỗ thông được ưa chuộng để làm bàn ghế, giường tủ xuất khẩu.
Gỗ thông có ưu điểm là màu sắc hiện đại, nhẹ nên dễ di chuyển, mềm nên dễ tạo hình, khả năng chịu lực, bám đinh và keo tốt nên được ứng dụng nhiều trong thi công nội thất. Hệ vân gỗ thông mang vẻ đẹp tự nhiên nên có giá trị thẩm mỹ cao. Tuy nhiên, loại gỗ này dễ bị trầy xước và bị lõm vì cốt gỗ mềm. Nội thất gỗ thông cũng không mang lại vẻ đẹp sang trọng như gỗ sồi, gỗ óc chó, gỗ gụ…
Gỗ thông ghép thường được dùng để đóng tủ quần áo, bàn ghế, giường hoặc làm sàn gỗ, trang trí ốp tường… Vì nguồn nguyên liệu có sẵn nên giá thành gỗ thông khoảng 11 triệu đồng/m3.
Gỗ óc chó
Đây được coi là một trong những loại gỗ thượng hạng, được trồng nhiều ở các nước châu Âu, đặc biệt là khu vực Bắc Mỹ. Khi nhập khẩu về Việt Nam, gỗ óc chó đã được sấy kỹ nên không bị cong vênh, nứt nẻ hay mối mọt. Loại gỗ này rất cứng, chắc chắn, chịu nhiệt và chịu lực rất tốt, có hai dạng vân là dạng vân xoáy và dạng lượn sóng vô cùng bắt mắt.
Gỗ óc chó có thể ứng dụng vào hầu hết các đồ nội thất như bàn ghế, sofa, kệ tivi, sàn gỗ, cửa gỗ, giường, tủ quần áo… để mang đến vẻ đẹp lịch sự và sang trọng cho ngôi nhà. Nhược điểm của loại gỗ này là giá thành rất đắt, khoảng 80-100 triệu đồng/m3.
Bảo dưỡng nội thất gỗ tự nhiên
Nội thất gỗ tự nhiên cần được bảo quản đúng cách để luôn được bền đẹp và tăng tuổi thọ. Một số lưu ý cơ bản khi sử dụng, vệ sinh nội thất gỗ gồm:
Vị trí đặt đồ nội thất
Gỗ tự nhiên dù có khả năng chịu nước hay không cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng bởi độ ẩm và môi trường xung quanh. Do đó, để tăng tuổi thọ của đồ nội thất gỗ, bạn nên đặt chúng ở nơi có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp. Những nơi thường xuyên ẩm ướt như phòng giặt, phòng tắm sẽ không phải là nơi lý tưởng cho đồ nội thất gỗ. Bạn cũng không nên để nội thất gỗ ở những nơi có ánh sáng trực tiếp từ mặt trời, nơi gần lò sưởi, bộ tản nhiệt hay lỗ thông máy điều hòa để gỗ không bị cong vênh, nứt, phai màu...
Các đồ nội thất gỗ cần được vệ sinh, bảo dưỡng đúng cách. Ảnh: Internet
Vệ sinh nội thất
Lưu ý quan trọng khác là bạn cần thường xuyên lau chùi đồ gỗ và nhanh chóng thấm khô các vết nước đổ trên bề mặt gỗ bằng khăn mềm. Việc lau chùi thường xuyên sẽ giúp lấy đi lớp bụi bẩn, dầu mỡ… những chất làm xấu bề mặt gỗ. Bạn cũng nên tránh đặt các sản phẩm bằng cao su, nhựa trên đồ gỗ trong thời gian dài.
Hạn chế vết xước
Để nội thất gỗ đảm bảo tính thẩm mỹ lâu dài, việc tránh để lại các vết xước là điều vô cùng quan trọng. Khi di chuyển các đồ vật trên bề mặt đồ gỗ, thay vì kéo trượt, bạn nên nhấc các đồ vật lên và đặt vào vị trí mới. Các phụ kiện trên đồ gỗ cũng nên được thay thế định kỳ.
Sử dụng các sản phẩm bảo dưỡng
Ngoài việc chú ý vệ sinh nội thất gỗ tự nhiên đúng cách, bạn cũng có thể sử dụng thêm các sản phẩm bảo dưỡng để tăng thêm độ bền đẹp cho món đồ như các loại xi bóng, sáp gỗ, phẩm nhuộm…
Phùng Dung (TH)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet