TTBĐS phát triển ổn định nhưng vẫn nhức nhối vì mất cân đối cung-cầu
Tại "Diễn đàn Bất động sản thường niên lần thứ nhất" diễn ra sáng nay, 15/11, các chuyên gia đã có những đánh giá và phân tích khái quát bức tranh thị trường bất động sản (TTBĐS) trong những năm gần đây, đặc biệt là 10 tháng đầu năm 2017. Theo đó, TTBĐS tiếp tục tăng trưởng ổn định nhưng vẫn phát triển thiếu cân đối, lệch pha cung-cầu.
Tại hội thảo, đại diện ban tổ chức, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng thị trường bất động sản Việt Nam đã vượt qua giai đoạn khủng hoảng và từ năm 2015 đến nay, nhất là năm 2017, thị trường bước vào giai đoạn phát triển mạnh và ổn định.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Ninh, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường Bất động sản đánh giá thị trường bất động sản năm 2016 và 10 tháng đầu năm 2017 tiếp tục tăng trưởng ổn định. Điều này thể hiện qua các chỉ số về giá cả, số lượng giao dịch. Tình trạng hàng tồn kho bất động sản đã và đang được tích cực xử lý. Cụ thể, đến tháng 10/2017, tồn kho bất động sản còn khoảng 26.000 tỷ đồng, giảm 16% so với tháng 12/2016. Theo ông Ninh, dự báo thị trường nhà ở trong ngắn hạn sẽ không có biến động lớn. Tuy nhiên, một số phân khúc sản phẩm (đất nền, căn hộ có quy mô vừa và nhỏ…) có thể có sự thay đổi nhất định về giá cả tại một số khu vực, địa phương.
Diễn đàn Bất động sản thường niên lần thứ nhất chính thức khai mạc tại Hà Nội sáng 15/11 |
Bên cạnh những mặt tích cực của thị trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho rằng thị trường vẫn tồn tại nhiều bất cập, đó là sự phát triển chưa đồng bộ và thiếu bền vững. Thực tế này thể hiện rõ ở nguồn vốn cho thị trường bất động sản chưa đa dạng. Phần lớn các chủ đầu tư đang phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Việc kiểm soát tín dụng đầu tư bất động sản chưa bao quát và sâu sát do nhiều chủ đầu tư vay vốn qua các công ty con, công ty liên kết.
Ngoài ra, bộ trưởng cũng nêu rõ lệch pha cung cầu vẫn là thực trạng nhức nhối của thị trường. Đến năm 2017, nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá rẻ vẫn thiếu hụt, trong khi thị trường có sự dư thừa sản phẩm ở phân khúc bất động sản cao cấp và BĐS nghỉ dưỡng.
Về chính sách tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành Kinh tế - Ngân hàng nhà nước cho biết: “Từ đầu năm 2017 tới nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục theo dõi sát sao tình hình cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản để kịp thời chỉ đạo các tổ chức tín dụng, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng như Chỉ thị số 01/CT-NHNN, công văn số 848/NHNN-TD… Theo đó, NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực bất động sản (đặc biệt là phân khúc bất động sản trung-cao cấp), ưu tiên xem xét cho vay đối với các dự án nhà ở xã hội có hiệu quả và phân khúc sản phẩm có khả năng tiêu thụ tốt, đáp ứng nhu cầu thực của người dân. Tỷ lệ nợ xấu đầu tư kinh doanh BĐS đã giảm mạnh từ 7,05% năm 2013, đến nay còn 4,06%”.
Tuy nhiên, theo ông Hùng, vẫn còn một số khó khăn trong việc cấp tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản như các quy định và chế tài của hệ thống pháp luật hiện hành còn nhiều bất cập. Ví dụ, Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản chưa có điều khoản chế tài xử lý vi phạm; quy định của Luật kinh doanh bất động sản về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản chưa phù hợp với việc xử lý tài sản đảm bảo là dự án bất động sản. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin thị trường bất động sản còn thiếu công khai, minh bạch; năng lực tài chính của nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản còn hạn chế, vốn chủ sở hữu thấp, hoạt động chủ yếu dựa vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng, thiếu dự án có tính khả thi…
Thúy An
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet