Trọn bộ giải pháp giữ ấm cho ngôi nhà trong mùa đông lạnh giá
Vào mùa đông, đặc biệt là ở miền Bắc, những đợt không khí lạnh kéo dài kèm theo mưa phùn, gió bấc khiến nền nhiệt độ ngoài trời cũng như trong nhà xuống thấp. Làm sao để xua tan cái lạnh buốt giá, giữ nhà luôn ấm áp, bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, mùa đông 2020-2021 sẽ có khoảng 24-27 đợt không khí lạnh từ phương Bắc tràn xuống nước ta. Dưới tác động của La Nina, thời tiết Việt Nam được dự báo sẽ diễn biến phức tạp với nhiều đợt rét đậm, rét hại. Để sẵn sàng đón mùa đông tới, hãy dành thời gian sắp xếp lại nhà cửa, tìm cách giữ ấm nhà, bảo vệ sức khỏe của bạn cũng như những người thân yêu. Trong bài viết này, Batdongsan.com.vn sẽ gợi ý cho bạn đọc loạt giải pháp giữ ấm nhà vào mùa đông đơn giản, hiệu quả mà không tốn kém quá nhiều chi phí.
1. Chọn hướng nhà tránh gió lạnh
Nên chọn hướng nhà phù hợp với điều kiện khí hậu, tránh được gió lạnh thổi vào nhà trong mùa đông.
Chọn hướng xây nhà phù hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu chính là giải pháp đầu tiên để có được không gian sống hài hòa, dễ chịu. “Làm nhà hướng Nam” là một trong những kinh nghiệm xây dựng được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt. Cha ông ta quan niệm hướng chính Nam và cận Nam như Đông Nam và Tây Nam là những hướng tốt để làm nhà do phù hợp với đặc điểm khí hậu trong nước. Những ngôi nhà có hướng Nam sẽ nhận được gió mát và nguồn ánh sáng ổn định vào mùa hè cũng như tránh được gió Bắc lạnh lẽo vào mùa đông. Trong khi đó, nhà hướng Tây, Tây Bắc phải chịu nắng gắt vào buổi chiều mùa hè. Nhà hướng Đông vừa bị chói vào buổi sáng mùa hè, vừa chịu thêm gió lạnh từ hướng Đông Bắc trong mùa đông. Hướng Bắc nằm giữa hai hướng Tây Bắc (nắng chiều) và Đông Bắc (gió lạnh) nên cũng không được coi là hướng tốt để làm nhà.
Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, tình trạng đất chật, người đông, đặc biệt là ở các đô thị đông đúc, đất ở thường hẹp ngang, bám theo mặt đường, mặt ngõ nên không phải nơi nào cũng có thể xây nhà hướng Nam. Vấn đề này có thể được giải quyết được bằng nhiều cách như mở cửa sổ ở hướng Nam; xây giếng trời để lấy sáng, tăng cường khí ấm; trồng cây ở hướng Bắc để chắn gió lạnh. Ngay cả khi bạn mua nhà xây sẵn, không định can thiệp vào kết cấu ngôi nhà, vẫn có nhiều cách đơn giản để giữ cho nhà bạn luôn ấm áp trong mùa đông giá rét.
2. Đóng kín cửa chính, cửa sổ trong nhà
Nguyên nhân khiến ngôi nhà của bạn trở nên lạnh lẽo vào mùa đông là do gió thổi mang hơi lạnh từ bên ngoài vào nhà qua hệ thống cửa. Vì vậy, một cách đơn giản mà hiệu quả để giữ ấm cho ngôi nhà trong cái lạnh “cắt da, cắt thịt” của mùa đông chính là đóng kín tất cả các cửa, dù căn phòng đó có đang sử dụng hay không. Hãy tạo thói quen đóng cửa khi ra khỏi phòng, tránh luồng khí lạnh bên ngoài xâm nhập vào, giữ cho hơi nóng tập trung lại trong một diện tích nhất định trong nhà. Ngoài ra, trước khi mùa đông tới, bạn nên dành thời gian kiểm tra ngôi nhà xem có vết nứt, khe hở nào có thể khiến gió lạnh lùa vào nhà hay không để kịp thời cải tạo, sửa chữa.
Tuy nhiên, đừng biến ngôi nhà của mình thành một chiếc hộp kín mít suốt 24/7. Mỗi ngày, bạn nên chọn vài khung giờ có ít người ở nhà để mở cửa cho nhà được thông thoáng, tránh bí bách, tạo điều kiện cho nấm mốc, vi khuẩn và mầm bệnh lưu cữu trong nhà.
3. Sử dụng rèm cửa dày
Những lớp rèm dày dặn giúp hạn chế hiện tượng thoát nhiệt ra bên ngoài, giữ cho phòng ấm áp hơn.
Vị trí bị thoát nhiệt nhiều nhất chính là cửa sổ các phòng trong nhà. Do vậy, khi mùa đông tới, bạn hãy thay thế những tấm rèm mỏng, nhẹ của mùa hè bằng các chất liệu dày dặn hơn như nhung, dạ,… che kín cả phần khung để tránh thoát nhiệt. Trên thị trường hiện nay có loại rèm 2 lớp, gồm 1 lớp vải mỏng và 1 lớp vải dày. Ban ngày, bạn có thể kéo lớp vải mỏng để ánh nắng vẫn lọt vào nhà, tiêu diệt vi khuẩn, nấm mốc. Ban đêm, khi nền nhiệt giảm, hãy kéo cả 2 lớp rèm, che kín cửa sổ để giữ cho không khí trong phòng ấm áp hơn, không bị thoát nhiệt ra bên ngoài.
4. Sử dụng thảm
Mặt sàn lát gạch, đá hay gỗ đều sẽ trở nên lạnh lẽo vào mùa đông. Để “cách ly” khỏi bề mặt lạnh giá này, sử dụng thảm trải sàn là cách đơn giản, không tốn kém. Thảm không chỉ giữ ấm cho căn phòng và đôi chân của bạn trong những ngày đông giá rét mà còn góp phần tô điểm cho không gian. Những chiếc thảm mềm mại, màu sắc ấm áp sẽ là điểm nhấn đáng chú ý của ngôi nhà, đồng thời tạo cảm giác bình yên, thư thái cho gia chủ mỗi khi trở về nhà.
5. Tăng “độ đặc” cho không gian
Căn phòng nhiều đồ sẽ “đặc” hơn, tạo cảm giác ấm áp hơn trong mùa đông lạnh giá.
Phòng càng nhiều đồ vật, nhiệt độ sẽ càng cao hơn vì chúng có khả năng giữ nhiệt tốt hơn. Đây là một trong những nguyên lý cơ bản của vật lý. Đó cũng là lí do vì sao vào mùa hè, chúng ta nên dọn bớt đồ dùng, giữ không gian thông thoáng để nhà mát mẻ. Vậy khi mùa đông tới, đơn giản là hãy làm ngược lại! Mùa đông là thời điểm tốt trong năm để bày biện thật nhiều những món đồ ưa thích của bạn mà không sợ cảm giác bừa bộn, nóng bức. Một căn phòng nhiều đồ sẽ “đặc” hơn, tạo cảm giác ấm áp hơn. Mặc dù vậy, thời tiết hanh khô của mùa đông cũng tạo điều kiện để bụi bặm, vi khuẩn lưu lại lâu hơn trên đồ dùng. Do đó, bạn nên chú ý vệ sinh nhà cửa thường xuyên để phòng các bệnh liên quan đến hô hấp, nhất là khi trong nhà có người già và trẻ nhỏ.
6. Đầu tư vào thiết bị sưởi ấm
Các thiết bị sưởi ấm như quạt sưởi, máy sưởi hay điều hòa hai chiều là những sản phẩm hữu ích giúp giữ ấm nhà vào mùa đông, đặc biệt là với khoảng diện tích nhỏ nhưng phòng ngủ, phòng tắm. Thị trường thiết bị sưởi ấm ngày nay rất đa dạng sản phẩm, mẫu mã để người tiêu dùng lựa chọn theo nhu cầu và ngân sách. Dưới đây là một số dòng thiết bị sưởi ấm được sử dụng phổ biến cùng các ưu, nhược điểm nổi bật:
- Quạt sưởi Halogen: Sử dụng bóng đèn Halogen phát ra tia hồng ngoại làm ấm không gian trong phòng. Loại đèn sưởi, quạt sưởi Halogen này được sử dụng khá phổ biến do giá thành rẻ, dễ di chuyển, thời gian làm nóng nhanh nhưng có hạn chế là ánh sáng chói mắt, gây khô da và dễ gây sự cố bỏng, hỏa hoạn.
- Đèn sưởi tia hồng ngoại: Sử dụng tia hồng ngoại hoạt động trên nguyên lý bức xạ nhiệt giúp làm ấm nhanh và cung cấp nguồn sáng rất tốt. Loại này thường được dùng trong nhà tắm, phòng ngủ, phòng khách,... rất tiện ích và an toàn cho sức khỏe người dùng.
- Quạt sưởi dây Mayso: Đốt nóng dây Mayso ở bên trong quạt để tỏa nhiệt ra bên ngoài. Loại đèn sưởi, quạt sưởi dây Mayso có giá thành rẻ, làm ấm nhanh nhưng trong quá trình hoạt động sẽ đốt cháy oxy, không tốt cho sức khỏe người dùng nếu ở không gian nhỏ, kín. Ngoài ra, thiết bị này tiêu thụ lượng điện năng lớn và dễ gây bỏng khi chạm vào.
- Quạt sưởi bóng Carbon: Sử dụng công nghệ làm ấm bằng bóng đèn Carbon, không phát ra ánh sáng liên tục, không làm khô da và đốt cháy oxy nhưng có nhược điểm là phạm vi làm ấm khá hẹp.
- Máy sưởi dầu: Sử dụng dầu diathermic oil để làm ấm nhanh, không gây khô da, không đốt cháy oxy, không phát ra ánh sáng liên tục, có chức năng quạt thổi cùng giàn phơi thông minh giúp hong khô quần áo, tự động điều chỉnh lượng nhiệt. Tuy nhiên, sản phẩm này có giá thành khá cao so với các dòng sản phẩm sưởi ấm tại chỗ khác.
- Điều hòa hai chiều: Sử dụng điều hòa hai chiều được coi là cách giữ ấm nhà hiệu quả và an toàn, đảm bảo lọc khí tốt, giữ nhiệt độ ấm áp, ổn định cả trong những ngày giá rét nhất.
7. Làm ấm không gian bằng mùi hương
Sử dụng mùi hương phù hợp có thể tạo cảm giác ấm áp cho không gian nhà ở.
Trên thực tế, mùi hương cũng là một trợ thủ đắc lực giúp bạn giữ ấm ngôi nhà vào mùa đông. Mùi hương từ các loại hoa tươi, tinh dầu, nến thơm, sáp thơm, nước hoa, thậm chí là thực phẩm hay gia vị đều có tác động đáng kể đến thể chất và xúc cảm của con người. Theo nghiên cứu khoa học, những mùi hương như gừng, trầm hương, cà phê, gỗ thông,… tạo cảm giác ấm áp cho không gian. Ở Việt Nam, nhiều người thích xông dầu tràm hoặc đốt vài quả bồ kết vào ngày lạnh, vừa giữ ấm, vừa có tác dụng khử khuẩn, tốt cho sức khỏe.
8. Sử dụng màu nóng trong thiết kế nội thất
Những gam màu nóng như đỏ, cam, vàng,… rất phù hợp để làm ấm không gian nhà ở trong mùa đông. Nếu màu sơn tường nhà bạn thuộc gam màu lạnh hay trung tính, bạn có thể kết hợp chúng với màu nóng của các đồ vật khác trong nhà chứ không nhất thiết phải sơn lại cả ngôi nhà. Nhiều gia đình có thói quen thay thế toàn bộ vỏ bọc sofa, chăn gối, rèm cửa, khăn trải bàn,… mỗi khi giao mùa, vừa phù hợp với thời tiết, vừa là một cách làm mới không gian sống. Các sản phẩm làm bằng chất liệu dày dặn như nhung, dạ, len, sử dụng màu nóng sẽ góp phần khiến ngôi nhà ấm áp hơn.
Trên đây là một số cách đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm mà bạn có thể áp dụng để giữ ấm cho ngôi nhà của mình khi mùa đông tới. Hãy theo dõi Batdongsan.com.vn để không bỏ lỡ những thông tin, kiến thức hữu ích trong việc thiết kế, chăm sóc nhà cửa, kiến tạo không gian sống ấm cúng, an toàn cho bạn và gia đình thân yêu!
Lan Chi (T.H)
>> Những phòng ngủ nhỏ nhưng ấm cúng khiến chủ nhân chỉ muốn ở nhà
>> Những thiết kế phòng ngủ mùa đông nhìn là thấy ấm áp
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet