Trở tay không kịp vì vay không lãi suất từ người thân để mua nhà
Vay người thân để mua nhà có ưu điểm là vay không lãi hoặc lãi suất thấp nên áp lực trả nợ không lớn. Tuy nhiên, người vay vẫn cần lên kế hoạch trả nợ cụ thể, tránh một số kịch bản xấu có thể xảy ra.
Chị Hoàn (Hà Nội) bỏ công việc kế toán sau 8 năm gắn bó để ở nhà bán hàng trên mạng và chăm sóc chồng con. Thu nhập mỗi tháng của chồng chị được 13 triệu đồng. Năm 2015, hai vợ chồng chị bàn bạc và thống nhất mua ngôi nhà gần 30m2 ở khu Mai Dịch, Cầu Giấy. Vì chủ nhà muốn bán gấp do vướng nợ nần, hơn nữa chủ nhà cũng có quan hệ họ hàng với một người quen của chị Hoàn nên giá bán chỉ hơn 900 triệu đồng. Vì chỉ có 200 triệu tiền tiết kiệm, bố mẹ hai bên ở quê cũng không hỗ trợ được nhiều nên vợ chồng chị Hoàn quyết định chia nhau vay bạn bè, họ hàng để giảm lãi suất. Hai vợ chồng vay được tổng cộng 610 triệu từ khoảng 20 người, hẹn trả sau ít nhất 1 năm. Với 80 triệu còn thiếu, vợ chồng chị vay nóng của một người quen, hẹn trả trong 1 tháng.
Vui mừng vì được nhận nhà mới chỉ trong 1 tháng, hai vợ chồng cùng lên kế hoạch thắt chặt chi tiêu để trả nợ. Trông vào khoản thưởng Tết sắp được nhận để trả trước khoản nợ lớn nhưng hai vợ chồng anh chị vẫn không thể lường trước tất cả những khó khăn khi phải quần quật đi làm và lo trả những khoản đột ngột tới. Người thì đòi gấp để cưới vợ cho con, người thì cần tiền để sửa nhà, người lại gặp tai nạn cần tiền chữa trị… Có lần vì thất hứa trả nợ nên vợ chồng chị thậm chí không dám về quê dự lễ lạt.
Sau 2 năm, căng thẳng đã dịu bớt nhưng cũng không ít lần anh chị phải cãi nhau vì quá mệt mỏi. Một vài mối quan hệ cũng bị sứt mẻ vì hai vợ chồng không xoay kịp tiền để trả nợ họ.
Không ít gia đình rơi vào cảnh lao đao vì áp lực nợ nần khi vay người thân
để mua nhà. Ảnh minh họa
Tương tự là câu chuyện của chị Hồng Mơ (Đồng Nai) khi vay tiền người thân mua căn hộ chung cư ở quận 7, TP.HCM. Vì vay không tính lãi và thu nhập hàng tháng khá ổn định nên hai vợ chồng nghĩ việc vay và trả không quá khó khăn. Tuy nhiên, những chuyện đau đầu chỉ ập đến khi cô Hai đòi gấp 100 triệu để mua đất xây nhà cho con trai. Hai vợ chồng chị phải đi vay thêm bạn bè và những người khác để trả. Vì vay người thân nên không có giấy tờ rõ ràng, hai vợ chồng hoàn toàn rơi vào thế bị động khi đến hẹn trả nợ người này thì người kia lại đòi tiền gấp.
Hay như trường hợp của chị Đặng Thu Hương (32 tuổi, Hà Nội) cũng là một ví dụ. Được bố mẹ hai bên hỗ trợ 1 tỷ đồng, hai vợ chồng chị mua mảnh đất 70m2 giá 1,3 tỷ ở huyện Hoài Đức để xây nhà. Sau khi xây nhà và mua sắm nội thất, tổng chi phí lên đến 2,3 tỷ. Ngoài 200 triệu tiền tiết kiệm, hai vợ chồng phải vay ngân hàng 600 triệu, còn 500 triệu vay cô dì chú bác để giảm lãi ngân hàng. Tổng cộng hai vợ chồng vay 8 người, có người đồng ý cho vay đến 2 năm.
Vay người thân, mỗi tháng hai vợ chồng tiết kiệm được 5 triệu tiền trả lãi. Lương cố định của hai vợ chồng mỗi tháng được 25 triệu đồng, chưa kể tiền thưởng lễ tết, tiền chồng đi làm công trình nên việc trả nợ mỗi tháng khoảng 10 triệu khá thuận lợi. Nhưng khi người cho vay cần tiền đột xuất, vợ chồng chị Hương lại phải chạy đôn chạy đáo để trả nợ, thậm chí phải đi vay nóng để kịp trả. Áp lực trả nợ khiến vợ trách chồng sao không chọn mua chung cư mà mua nhà đất nhiều tiền để phải vay nợ nhiều, rồi không vay nhiều người mỗi người một ít mà vay của ít người nhưng nhiều tiền. Chồng lại trách vợ không biết chi tiêu, dành dụm...
Đối với những gia đình trẻ chưa có đủ tài chính, việc mua nhà chưa bao giờ là điều dễ dàng. Để vừa có nhà ở, vừa đủ khả năng chi tiêu sinh hoạt thường ngày, vừa đảm bảo trả được nợ, nhiều người chọn cách vay tiền người thân, bạn bè. Tuy nhiên, bên cạnh ưu điểm là vay thời gian dài, không lãi suất thì hình thức vay người thân vẫn có những rủi ro nhất định.
Chuyên viên hoạch định tài chính cá nhân, gia đình Bội Lê (TP.HCM) cho biết, nếu vay bạn bè, người thân một khoản tiền lớn để mua nhà, người vay rất dễ trở tay không kịp khi bị đòi đột xuất.
Ông cho rằng, khác với vay ngân hàng, vay người thân sẽ khó cam kết về thời hạn. Do đó, để tránh gặp rủi ro trong trường hợp này, người vay nên thỏa thuận điều kiện như với ngân hàng, chỉ khác ở mức lãi suất sao cho có lợi cho cả hai bên. Bên cạnh đó, kế hoạch trả nợ cũng cần được tính toán cụ thể và thỏa thuận với người cho vay bằng giấy tờ thay vì chỉ nói miệng. Người vay cần dự tính các nguồn trả khi người thân cần gấp, tính đến các khoản chi tiêu phát sinh hay nguồn thu nhập bị sụt giảm.
Phùng Dung (TH)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet