Triệu phú Trung Quốc săn nhà ở London
Các công ty môi giới địa ốc ở Anh tuyển nhân viên có thể nói tiếng Hoa để phục vụ cho lượng khách hàng ngày càng lớn là người Trung Quốc giàu có.
Chuyên gia môi giới ở London đứng trước căn nhà giá 26 triệu USD anh đã bán được cho một nhà đầu tư Trung Quốc. Ảnh: NYT.
Với sự hỗ trợ của cô, hãng vừa bán được bốn căn hộ ba phòng ngủ tại khu nhà mới với giá 320.000 bảng (khoảng 500.000 USD). Người mua đều là người Trung Quốc và họ mới chỉ xem căn hộ qua ảnh và sơ đồ các tầng. Khu nhà mới được xây gần sân vận động Olympic. Các nhà đầu tư tin rằng giá bất động sản sẽ tăng vọt trước Thế vận hội 2012.
Các khách hàng Trung Quốc thật đáng mơ ước, Minegishi nói. "Họ giàu có, họ trả bằng tiền mặt, và họ tìm kiếm các khu có giá trị cao".
Người Trung Quốc cần phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương nếu muốn đầu tư hơn 50.000 USD một năm ra nước ngoài. Nhưng theo các nhà môi giới bất động sản, rất nhiều người giàu tránh được hạn chế này thông qua các quỹ đầu tư uỷ thác và ngân hàng nước ngoài.
Thị trường bất động sản London có vẻ nguội đi trong thời gian gần đây, nhưng các nhà đầu tư từ Trung Hoa đại lục và Hong Kong lại bận rộn hơn bao giờ hết. Họ tham gia đấu giá các căn hộ xa hoa tại quận Knightsbridge sang trọng hay những căn nhà ở quận tài chính Canary Wharf.
Tại một vài khu vực khác của London, giới đầu tư đại lục đã thay thế người Nga và Trung Đông trong việc chi mạnh tay nhất cho bất động sản nhất. Họ có nhiều tiền, mua các tài sản để thể hiện sự giàu sang và làm giá cả tăng vọt.
Dân Trung Quốc hiện chỉ là một phần nhỏ trong số những người mua bất động sản xa xỉ ở London. Lượng đầu tư của họ chiếm 5% tổng giá trị mua bán của giới đầu tư nước ngoài ở London ở phân khúc có giá từ 500.000 đến 1 triệu bảng trong năm nay. Nhưng sự hiện diện của họ ngày càng tăng. Theo công ty bất động sản Savills, năm ngoái dân Trung Quốc chiếm chưa đến 1% tổng giá trị mua bán ở mức giá đó.
Các nhà đầu tư châu Âu vẫn chiếm ưu thế, Savills cho biết, mặc dù họ không có dữ liệu phân theo từng quốc gia.
Khác với khách hàng Nga và Trung Đông, rất ít khách hàng Trung Quốc mua nhà để ở. Phần lớn họ tìm kiếm cơ hội đầu tư vào thị trường bất động sản họ cho là ổn định hơn thị trường trong nước, cũng như giữ được giá thuê trong nhiều năm tới, Minegishi cho biết.
Đối với những người châu Á giàu có, nỗi lo chính phủ sẽ áp đặt nhiều hạn chế đối với thị trường bất động sản tăng trưởng quá nóng trong nước khiến việc đầu tư ra nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn.
Mức tăng trưởng kinh tế cao và việc cấp tín dụng dễ dàng làm cho giá bất động sản tại nhiều nước châu Á tăng vọt trong năm ngoái. Ví dụ như tại Hong Kong, Savills cho biết giá bất động sản cao cấp đã tăng tới 45% kể từ năm 2009. Tháng trước, để tránh tình trạng tăng giá quá nóng, Singapore đã tăng mức vốn đối ứng để mua nhà. Động thái này cũng tương tự như các biện pháp Trung Quốc đại lục và Hong Kong áp dụng trước đó.
Ngược lại, ở Anh giá giảm hơn 10% sau vụ sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers năm 2008. Dù vậy các khu nhà cao cấp tại London vẫn giữ được giá do có sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo số liệu của Savills, giá các khu cao cấp tăng 8,75% năm 2009, trong khi đó khu vực tây nam nước Anh sụt 2,25%.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi lĩnh vực bất động sản ở Anh đang dần thích ứng với nhu cầu của người Trung Quốc. Các công ty môi giới tuyển người biết nói tiếng phổ thông như Minegishi, và những người nói tiếng Quảng Đông để phục vụ khách hàng Hong Kong.
Savills đã tổ chức một hội thảo tại Thượng Hải hồi tháng 7 để hướng dẫn cho 100 khách hàng cách thức mua bán bất động sản ở London. Một đối thủ cạnh tranh là Hamptons International đã mở văn phòng tại Hong Kong với bốn nhân viên từ hai tháng trước.
Trong khi đó, một vài công ty xây dựng tại London đã bỏ tầng 4 trong các khu nhà mới vì theo người Trung Quốc số 4 được coi là xui xẻo. "Hầu hết các công ty xây dựng tại London đưa thị trường Trung Quốc và kế hoạch marketing của họ", Matthew Tack, một giám đốc của Hamptons tại London nói. "Không làm vậy thì thật là ngốc".
Con số giao dịch tăng lên cho thấy quá trình chuyển dịch dần dần mức độ thịnh vượng sang châu Á, bao gồm cả Trung Quốc. Không phải chịu mức độ nợ nần như các chính phủ và hộ gia đình phương Tây, phần lớn các nước châu Á bắt đầu phục hồi nhanh chóng sau cuộc khủng hoảng kinh tế hồi năm ngoái.
Mặc dù hầu hết người dân châu Á vẫn phải bươn chải kiếm sống, đà tăng trưởng vượt bậc khiến nhiều người gia nhập hàng ngũ nhà giàu và siêu giàu. Chỉ tính riêng ở Trung Quốc, số người có tài sản trên 10 triệu tệ (1,5 triệu USD) đã tăng 6,1% hay gần 900.000 người trong vòng một năm, theo số liệu của Viện nghiên cứu Hurun tại Thượng Hải.
Trong số những người siêu giàu có thể kể đến tỷ phú bất động sản Hong Kong Joseph Lau. Ông này vừa mua một toà nhà 6 tầng ở khu Eaton Square, London với giá 33 triệu bảng - tỷ phú Nga Roman A. Abramovich cũng ở khu này. Con trai của ông, Lau Ming-wai, học tại London School of Economics và làm việc cho Goldman Sachs ở London.
Thông thường các nhà đầu tư châu Á chi dưới 1 triệu bảng. Do chính sách hạn chế đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc, đa phần người mua nhà Trung Quốc trả bằng tiền mặt để hạn chế thủ tục giấy tờ.
Mặc dù người Trung Quốc hoạt động ngày càng mạnh tại các thị trường bất động sản nước ngoài, bao gồm cả thị trường Mỹ và châu Âu, London vẫn được ưa chuộng vì nhiều lý do. Nước Anh gần như không có hạn chế nào đối với người nước ngoài sở hữu bất động sản và thị trường cho thuê nhà đất khá lỏng lẻo. Điều này rất hấp dẫn đối với những người mua muốn bất động sản của họ sinh lời.
Những yếu tố văn hoá, đặc biệt việc coi trọng giáo dục của người Trung Quốc, cũng là điều kiện thuận lợi cho việc mua nhà tại London. Jeff Cao, giám đốc phụ trách khu vực Trung Quốc của Think London, một tổ chức được chính phủ hỗ trợ để thu hút đầu tư nước ngoài vào London, cho biết giáo dục thường là khoản chi tiêu lớn nhất đối với một gia đình Trung Quốc.
Nhiều gia đình muốn con cái họ theo học một trường đại học hàng đầu ở Anh, thường dễ dàng chấp nhận nhiều sinh viên nước ngoài hơn các trường ở Mỹ. Số sinh viên Trung Quốc theo học các trường đại học ở London năm ngoài đã tăng 9% lên 948 sinh viên, con số này một năm trước đó mới là 867.
Ông cũng cho biết đối một số nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua những căn hộ đủ rộng để con cái họ sống thoải mái cũng như có dư phòng để cho thuê. Khi con cái họ tốt nghiệp, họ sẽ cho thuê toàn bộ căn hộ.
Một người có nhà ở London và một số nơi khác nói rằng khoản đầu tư của ông ở London là khoản sinh lời lớn nhất. "Tôi mua một căn hộ để con gái ở khi nó học ở London còn những căn khác tôi cho thuê hoặc bán", nhà đầu tư xưng là Lai viết trong e-mail.
"Nước Anh có hệ thống pháp luật rất tốt. Điều đó cùng với những định chế tài chính của thanh phố và mong muốn của người dân Anh được sở hữu căn nhà của chính họ khiến thị trường bất động sản cực kỳ hấp dẫn".
Những công ty môi giới bất động sản phục vụ khách hàng Trung Quốc nói rằng họ không chắc liệu làn sóng đầu tư từ Trung Quốc có giảm sút không. Tuy nhiên trong thời điểm hiện tại không có dấu hiệu gì về việc đó.
(Theo VnExpress)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet