Dưới đây là sai lầm mua nhà lập vi bằng qua thừa phát lại của anh Tuấn:

Cuối năm 2015, do chỉ dành dụm được khoản tiền nhỏ nên vợ chồng tôi mua một ngôi nhà 2,5 tầng trên khu đất 3,2 x 10m. Ngôi nhà này là của người đồng hương ở xã Tam Thới Môn, Hóc Môn, Tp.HCM bán cho chúng tôi với giá 570 triệu đồng. Do chưa đủ diện tích để tách sổ nên ngôi nhà này vẫn phải chung sổ đỏ với 3 ngôi nhà khác nữa. Miếng đất của chủ nhà rộng 130m2, họ xây thành 4 căn nhà, bán 3 căn còn một căn để ở.

Khi mua ngôi nhà này, chúng tôi không thể làm các thủ tục sang tên đổi chủ hay lập công chứng, chứng thực tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện vì không có giấy tờ. Khi đó, hai bên ra văn phòng thừa phát lại, lập vi bằng về việc giao dịch: tôi giao tiền cho chủ nhà còn họ viết giấy bàn giao ngôi nhà cho chúng tôi. Ngoài ra, tôi cũng cẩn thận yêu cầu chủ nhà phải cho thêm tên mình vào giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và nhà để thành người đồng sở hữu, họ cũng đồng ý nên tôi thấy khá yên tâm. Chúng tôi còn làm thêm một bản phụ lục hợp đồng về việc này, theo đó chủ nhà cam kết sau khi bán hết 3 căn nhà trên khu đất chung sẽ đưa tên của tất cả mọi người vào sổ. Do yên tâm đã có bản vi bằng của thừa phát lại nên sau đó tôi cũng lơ là không thúc giục chủ nhà đưa tên vào sổ đỏ chung.

mua nhà qua vi bằng
Ngoài các giao dịch mua bán nhà đất, vi bằng có thể dùng cho nhiều việc nhưng
không có giá trị chứng thực việc mua bán tài sản. Ảnh minh họa

Sau đó chúng tôi sinh sống khá dễ chịu trong ngôi nhà mới mua. Nơi này cách chỗ làm việc chỉ khoảng 5km, không gian mát mẻ, giá cả thực phẩm trong vùng cũng khá rẻ. Rồi lần lượt 2 căn nhà trên cùng khu đất nhà tôi cũng có khách đến mua. Chủ mới của căn nhà sát vách nhà tôi thì dọn vào ở ngay, căn còn lại do được mua đi bán lại nhiều lần nên chưa có chủ chính thức. Chủ khu đất vì thế cũng chần chừ chưa đưa tên chúng tôi vào sổ đỏ làm đồng sở hữu.

Cuộc sống cứ thế cuốn đi, cứ nghĩ rằng đã có chốn an cư nên tôi chỉ chú tâm làm việc, không mấy quan tâm đến hàng xóm xung quanh. Mọi việc bất ngờ ập đến khi tháng 2 năm nay, sau khi nghỉ Tết ở quê lên, chúng tôi nhận được thông báo của ngân hàng về việc siết nợ toàn bộ khu nhà. Thì ra chủ đất đã đem cả khu nhà thế chấp ngân hàng và không còn khả năng trả nợ.

Hiện tại, chúng tôi đã mất trắng ngôi nhà, bị buộc rời khỏi chỗ ở dù mất hơn nửa tỷ đồng để mua. Tôi không có giấy tờ chứng minh ngôi nhà là của mình, vi bằng của thừa phát lại ghi nhận vụ giao dịch của chúng tôi với chủ nhà thì chỉ có giá trị khởi kiện chủ nhà lừa đảo chứ không có giá trị pháp lý. Chủ nhà đã bị phá sản rồi làm sao chúng tôi đòi được tiền nữa?

Theo chuyên viên pháp lý Nguyễn Thu Hà, Bộ Tư pháp, tại Điều 28, Nghị định 61/2009/NĐ-CP có nêu quy định Giá trị pháp lý của vi bằng do Thừa phát lại lập:

"1. Vi bằng có giá trị chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ án.

2. Vi bằng là căn cứ để thực hiện các giao dịch hợp pháp khác theo quy định của pháp luật."

Như vậy, vi bằng lập tại văn phòng thừa phát lại không phải là thủ tục hành chính có thể bảo đảm giá trị tài sản, cũng không phải là cơ sở để sang tên đổi chủ cho người mua. Văn phòng thừa phát lại chỉ là đại diện chứng nhận hành vi trao đổi, giao dịch tiền, giấy tờ chứ không có thẩm quyền chứng thực việc mua bán tài sản.

Không ít người mua nhà vẫn nhầm tưởng rằng có thể dùng vi bằng thừa phát lại thay cho công chứng. Tuy nhiên, pháp luật đã quy định rõ, không có vi bằng công chứng thừa phát lại mà chỉ có vi bằng giao nhận tiền, giao nhận giấy tờ, nhà đất. Đây là loại giấy tờ dùng để làm cơ sở cho các quan hệ pháp lý khác, hoặc làm cơ sở để giải quyết tranh chấp về sau.

Hiểu nôm na thì vi bằng chỉ có giá trị như một bằng chứng, có thể sử dụng cho nhiều việc, chứ không riêng các giao dịch mua bán. Chẳng hạn, khi muốn có bằng chứng bạo lực gia đình, người dân có thể gọi thừa phát lại đến lập vi bằng.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME