Trảng Bom (Đồng Nai): Nhập nhằng mục đích dự án, ai hưởng lợi? | ảnh 1

Thứ nhất, theo Quyết định số 3839/QĐ-UBND ngày 7/11/2007 của UBND tỉnh Đồng Nai, diện tích đất thu hồi là hơn 250.000 m2, trong khi chỉ có 28 hộ dân được bố trí tái định cư trong dự án này. Nếu bình quân 200 m2/suất tái định cư, thì diện tích đất chỉ khoảng 6.000 m2 (chưa tính diện tích cơ sở hạ tầng). Như vậy còn gần 240.000 m2 đất chính quyền thu hồi để làm gì?

Thứ hai, theo Quyết định về việc phê duyệt kinh phí bồi thường, hỗ trợ, các hộ dân chỉ nhận được mức theo đơn giá từ 30.000 đến 45.000 đồng/m2 và hỗ trợ một số hộ 1,5 lần giá đất nông nghiệp. Giá đất theo thị trường thời điểm này từ 600.000 đồng đến 700.000 đồng/m2 thì đã sát với giá thị trường theo quy định của pháp luật chưa? Căn cứ vào mức áp giá bồi thường và mức hỗ trợ trên, người nông dân bị thiệt hại rất lớn. Chính quyền có nghĩ cho dân khi mức bồi thường, hỗ trợ mỗi mét vuông đất chỉ mua được vài kg gạo hoặc một, hai tô phở bình dân?

Mặt khác, trong dự án này có hàng chục hộ dân là công nhân đang đối mặt với nguy cơ mất nhà, tương lai phải đi ở mướn. Họ là những hộ nghèo, mỗi hộ chỉ mua có vài trăm mét đất nông nghiệp và "làm nhà lụi" để ở, mong có chốn nương thân. Giờ bị giải tỏa và chỉ được bồi thường theo giá đất nông nghiệp thì họ sẽ sống và ở đâu đây? Lãnh đạo tỉnh, huyện có thấy quá bất hợp lí, khi hàng chục hộ dân là công nhân có nhà đất trong dự án này chỉ được bồi thường dăm ba chục triệu đồng, trong khi đó giá đất của dự án này dự tính sẽ bán với giá khoảng 2.000.000 đồng/m2?

Thứ ba, trong số các hộ dân bị thu hồi có một phần đất của 9 hộ gia đình đã đem góp vốn vào Công ty CP Long Thuận Nam là 98.249 m2, trị giá 73.175.019.503 đồng (theo chứng thư thẩm định giá). Theo cách tính áp giá thu hồi đất trên, phía công ty bị thiệt hại rất lớn. Hiện, Công ty CP Long Thuận Nam đang yêu cầu cơ quan chức năng huỷ quyết định thu hồi đất để có đất phục vụ sản xuất kinh doanh hoặc góp vốn đầu tư theo quy định của pháp luật.

Các hộ dân đồng loạt không nhận tiền đền bù và khiếu nại. Một số hộ khởi kiện tại TAND huyện Trảng Bom, Đồng Nai.

Đơn khởi kiện của ông Nguyễn Văn Đức ấp Tân Bình, viết: "Thu hồi đất với diện tích vượt rất nhiều so với nhu cầu tái định cư để làm gì? Chúng tôi yêu cầu UBND huyện Trảng Bom giải thích, nhưng lãnh đạo huyện trong buổi họp dân, tiếp xúc cử tri không giải thích và có ý đổ trách nhiệm cho UBND tỉnh; một mặt chống chế, ngụy biện trả lời lấy nhiều đất để phục vụ tái định cư cho nhiều dự án khác! Theo quy hoạch chi tiết dự án tại Quyết định số 361/QĐ-UBND ngày 16-12-2009 của UBND tỉnh Đồng Nai, hơn 25.000m2 đất trên, để bố trí chỗ ở cho khoảng 3.200 người; khu đất này được quy hoạch xây dựng, nhà chung cư, nhà liên kế, nhà biệt thự, nhà vườn, công viên, giao thông, trung tâm thương mại... Như vậy, thu hồi đất không chỉ phục vụ 28 hộ dân thuộc diện tái định cư mà còn nhằm mục đích kinh doanh thương mại, phân lô bán lẻ, xây dựng nhà để bán kiếm lời. Trong đó, diện tích phần đất phục vụ sản xuất, kinh doanh thương mại chiếm gần 24 ha nhằm phục vụ lợi ích cho nhiều chủ đầu tư. Chẳng lẽ UBND tỉnh, UBND huyện lại kiêm thêm nghề buôn bán đất đai? Khi đối thoại với ba Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, chúng tôi hỏi Công ty Đồng Thuận có tư cách gì trong dự án này, thì mấy vị chỉ trả lời Công ty CP Đầu tư Đồng Thuận là chủ đầu tư dự án hay chủ đầu tư cơ sở hạ tầng mà trong thư mời tham dự công tác triển khai bồi thường, giải tỏa, đối thoại, giải quyết khiếu nại luôn có thành phần tham gia của Công ty này?".

Cùng mục đích khởi kiện với ông Đức, ông Sâm (thuộc Công ty CP Long Thuận Nam) bức xúc: "Nông dân chúng tôi suốt đời, mấy thế hệ chỉ trông vào thửa đất để kiếm sống, nay bị Nhà nước ép lấy với giá rẻ mạt thì còn gì để trồng trọt kiếm sống? Chính quyền địa phương không thể muốn lấy đâu là lấy, muốn ép ai thì ép, cho giá bao nhiêu cũng được, không cần tôn trọng pháp luật về bồi thường, giải tỏa, xem xét đến giá thị trường. Nếu không tuân thủ pháp luật thì làm sao làm gương cho nhân dân noi theo?”.

Căn cứ vào khoản 2, Điều 40 Luật Đất đai năm 2003 quy định: “Đối với dự án sản xuất, kinh doanh phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà đầu tư được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân mà không phải thực hiện thủ tục thu hồi đất”. Như vậy, phần diện tích không nhằm phục vụ 28 hộ tái định cư, huyện không có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất. Đất này nếu chủ đầu tư muốn sử dụng phải thoả thuận với các hộ dân theo hình thức chuyển nhượng, thuê hoặc góp vốn. Thế nhưng, khi giải quyết khiếu nại lần đầu, phía UBND huyện Trảng Bom đã áp dụng khoản 1, Điều 38 Luật Đất đai để khẳng định họ ra quyết định thu hồi đất là đúng pháp luật. Việc áp dụng khoản 1 này, phù hợp với phần diện tích đất tái định cư cho 28 hộ dân theo thông báo là thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất nhằm mục đích công cộng; nhưng còn lại gần 24 ha thì chỉ mang tính chất kinh doanh thương mại thuần túy. Nếu cho rằng gần 24 ha thu vượt trong dự án này nhằm mục đích phát triển kinh tế theo khoản 1, Điều 38 là trái với quy định của pháp luật vì dự án có mục đích phát triển kinh tế ở đây chỉ áp dụng cho các dự án nhóm A, còn các dự án nhóm B, C đều không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Nhập nhằng về mục đích thu hồi đất thực hiện dự án trên đây đang có dấu hiệu của việc làm trái pháp luật trong lĩnh vực quản lí đất đai. Nhà nước sẽ bị thiệt hại do việc thực hiện dự án có nguy cơ bị kéo dài, đồng thời quyền và lợi ích hợp pháp của các hộ dân thuộc dự án đang bị xâm hại từ những hành vi làm trái gây ra.

(Theo Nguoicaotuoi)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME