Trần lãi suất VND sẽ giảm sớm hơn dự định | ảnh 1
Trần lãi suất huy động VND đang ở mức 13%/năm

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, nếu diễn biến lạm phát thuận lợi, mỗi quý sẽ giảm 1% để đưa lãi suất huy động về 10%/năm vào cuối năm.

Phát biểu này của Thống đốc được đưa ra trong bối cảnh nhiều dự báo cho rằng lạm phát sẽ về mức một con số vào cuối năm. Song với tình hình hiện nay, lãi suất có thể hạ sớm hơn dự định.

Với việc CPI chỉ tăng 0,6% trong tháng 3, lạm phát tính theo năm đã giảm rất mạnh về mức 14,15% từ mức 16,44% trong tháng 2.

Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, lạm phát tháng 4 sẽ “không có đột biến”. Một số mô hình dự báo CPI tháng 4 chỉ tăng không quá 1%, diễn biến CPI tháng 5 cũng vậy. Bởi thế nhiều dự báo cho rằng lạm phát sẽ về mức một con số vào cuối tháng 5/2012.

Sức ép lạm phát hiện vẫn còn song không lớn. Mặc dù, tác động của việc tăng giá xăng dầu hồi đầu tháng 3 sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến diễn biến lạm phát của các tháng tới nhưng cũng không quá lo ngại bởi giá lương thực, thực phẩm, nhóm hàng hóa chiểm tỷ trọng lớn trong “rổ” tính CPI đang có dấu hiệu giảm.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng đã được cải thiện, biểu hiện lãi suất liên ngân hàng thời gian qua giảm khá mạnh. Hiện lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm chỉ còn 10,76%/năm, kỳ hạn 1 tuần là 8,66%/năm; 2 tuần là 8,71%/năm…

Thậm chí nhiều tổ chức tín dụng còn có biểu hiện dư thanh khoản trong bối cảnh đầu ra tín dụng vẫn gặp nhiều khó khăn. Đó là lý do thời gian qua phát hành trái phiếu Chính phủ liên tục thành công với tỷ lệ cao.

Bản thân các NHTM cũng đang mong muốn hạ lãi suất thấp để đẩy tín dụng ra, bởi lãi suất cao là một trong những nguyên nhân khiến tín dụng 3 tháng đầu năm không những không tăng mà còn giảm 2,13% so với cuối năm 2011.

Việc lãi suất sớm hạ còn để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vốn đang có nhiều dấu hiệu đình trệ. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế trong quý I/2012 chỉ đạt 4%, thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm qua (chỉ cao hơn mức 3,1% của quý I/2009 - năm nền kinh tế bị suy giảm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu).

Hiện nay đang có nhiều doanh nghiệp phá sản hoặc sản xuất đình đốn. Nhiều phân tích cho rằng một trong những lý do là doanh nghiệp khó khăn khi tiếp cận vốn, mức giảm 1% trần lãi suất huy động là quá ít.

Tuy nhiên, theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, quan trọng là doanh nghiệp hiện không đủ năng lực để hấp thụ vốn. Doanh nghiệp bị nợ xấu, vốn bị “ngâm” quá lâu nên không thể vay thêm được nữa. Như vậy một mặt ngân hàng có vốn họ cũng không dám cho vay, mặt khác doanh nghiệp mà không tiêu thụ được sản phẩm thì bản thân họ thấy vay vốn chả để làm gì cả.

Ông Trần Đình Thiên nhận định: “Tình hình hiện nay căng như một... vòng xoáy. Cái này không phải do lỗi doanh nghiệp hay lỗi ngân hàng, mà là hệ quả của quá trình khó khăn kéo dài”.

Do đó việc giảm lãi suất thời gian tới đây sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn và thúc đẩy sản xuất kinh doanh nhưng không phải là tất cả. Bản thân doanh nghiệp cũng phải có những điều chỉnh, tái cơ cấu để hoạt động hiệu quả hơn.

(Theo Thu Phương - Kienthuc.net.vn)


- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME