Cách nay chưa lâu, Báo CAND có bài phản ánh về thực trạng lãng phí hàng ngàn hécta đất tại các tỉnh ĐBSCL do “dự án rùa”. Sau khi 2 số báo ngày 16 và 17/9/2012 phát hành, nhất là khi bế mạc kỳ họp thứ 4, QH khóa XIII, các đại biểu đã thông qua Nghị quyết về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai, Báo CAND nhận được ý kiến từ nhiều độc giả.

Nhận thấy đây là câu chuyện vẫn đang rất “nóng”, được đông đảo người dân tại “vựa lúa” của cả nước đặc biệt quan tâm, PV Báo CAND ngoài việc đi vào “mổ xẻ” nguyên nhân, còn ghi nhận ý kiến phân tích, hiến kế của nhiều chuyên gia, cũng như cách làm linh hoạt của một số địa phương nhằm hạ nhiệt “điểm nóng”.   


Trong khi nông dân đang rất cần đất để sản xuất thì nhiều địa phương đã chạy theo phong trào quy hoạch KCN để “liền chị, liền em” dẫn đến lãng phí đất đai.


Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, toàn ĐBSCL hiện có 74 khu công nghiệp (KCN) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thành lập, diện tích 23.901ha, các địa phương còn quy hoạch 214 cụm CN, diện tích 18.658ha, đến nay có 43/74 KCN đang hoạt động với tỷ lệ lấp đầy khoảng 39,7% và 41/214 cụm CN đang vận hành, tỉ lệ lấp đầy chỉ mới 27,4%.

Mục đích của việc cho ra đời các KCN, cụm CN vẫn là “đón” các nhà đầu tư, phát triển KT-XH. Hàng loạt KCN tại ĐBSCL ra đời do tư duy đơn giản kiểu quỹ đất phong phú, nguồn nhân công tại chỗ dồi dào, giá rẻ,…

Thực tế từ năm bảy năm trước, từng có người ví von so sánh rằng, các KCN hiện có ở miền Tây giống như những đứa con được sinh non, khó nuôi, èo uột. Để nuôi những "đứa con" này lớn mạnh đã khó… Thế nhưng “những đứa con khác” vẫn lần lượt ra đời theo phong trào, hệ quả của tư duy “người ta có thì mình cũng phải có”.

Lần giở lại Quyết định phê duyệt 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ (phát triển các KCN của cả nước đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020), chúng tôi thấy ĐBSCL chỉ có 23 KCN với tổng diện tích trên 5.600ha và 3 KCN dự mở khoảng 315ha. Thế nhưng, sau đó, các địa phương vùng ĐBSCL liên tục đề nghị, rồi được duyệt bổ sung và cho tới nay, con số đã khác rất nhiều so với ban đầu.

“Cơn lốc” ồ ạt hình thành KCN đã cuốn phăng nhiều đồng lúa, vườn cây ăn trái đặc sản. Có lúc, gần như địa phương nào ở ĐBSCL cũng hưng phấn với những con số về KCN, diện tích mà bất chấp những cảnh báo về chuyện “phát triển KCN bằng mọi giá”. Ở Đồng Tháp, trong lúc KCN Trần Quốc Toản còn nhiều đất bỏ hoang thì tỉnh tiếp tục đặt mục tiêu tới năm 2020 sẽ mở rộng diện tích KCN lên 2.730ha (trong đó xây mới bốn KCN với tổng diện tích khoảng 1.750ha). Tỉnh Bến Tre cũng đang quy hoạch xây dựng thêm KCN Phú Thuận (230ha), mở rộng KCN An Hiệp và thành lập… 5 KCN mới.

Ông Lê Phương Thái Bình - Trưởng phòng Hỗ trợ doanh nghiệp (DN) (VCCI Cần Thơ) - người có nhiều năm dày công khảo sát, nghiên cứu thực trạng quy hoạch, phát triển các KCN tại ĐBSCL, lý giải nguyên nhân dẫn đến “phong trào” KCN và cụm CN: “Là một vùng nông nghiệp, cuối những năm 90 đầu năm 2000, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều nghèo. Trong khi đó, một số địa phương có KCN thì phát triển nhanh hơn khiến một loạt tỉnh làm theo. Tỉnh nào cũng nghĩ phải có KCN, cụm CN thì mới “ngóc đầu” được. Mà muốn có KCN, cụm CN thì phải có đất sạch cho các nhà đầu tư, từ đó dẫn đến việc ồ ạt lấy đất nông nghiệp theo phong trào”.

Theo ông Bình, từ mong muốn phát triển đã dẫn đến chỗ đi quá đà. KCN, cụm CN lập ra nhiều nhưng bỏ trống, thiếu vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, nơi làm được thì cũng không mấy hấp dẫn nhà đầu tư, một số nhà đầu cơ thấy đất đai đang lên bèn lập những dự án hoành tráng để xin chuyển mục đích sử dụng đất, thành lập KCN. Khi đã được phép, nếu họ không làm KCN thì đất cũng đã chuyển mục đích sử dụng và họ sẽ kinh doanh bất động sản.

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam “phong trào” xây dựng các KCN rồi để hoang đã để lại hệ lụy rất dễ thấy. Đó là một khi đã ồ ạt lập các KCN, thì đương nhiên các địa phương phải tạo ra một cuộc đua để “lấp đầy”. Việc nhận các dự án có chất lượng vào đầu tư do đó bị xem nhẹ.

Theo ông Thiên, hệ lụy này rất nghiêm trọng bởi khi một dự án có công nghệ thấp, sau đó dù không muốn nhưng chúng ta phải nuôi nó 30-40 năm bởi chẳng ai làm một KCN, một nhà máy mà 5-10 năm lại đập bỏ giống như kiểu xây… chuồng bò. Chung sống chừng ấy năm với một công nghệ thấp sẽ làm kinh tế bị kìm lại, thậm chí là tụt hậu.

KCN tại ĐBSCL đầy rẫy nhưng để hoang, người đầu tiên gánh hậu quả vẫn là nông dân bởi họ mất đất, không việc làm. Tôi nhớ lời của một nông dân Kiên Giang chua xót đưa ra nhận xét rằng: “Lấy đất của nông dân để làm CN kiểu này (tức để hoang - PV), làm sao lợi hơn để đất cho dân chúng tôi trồng lúa”.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME