Tp.HCM: Xây dựng cơ chế khuyến khích doanh nghiệp xây nhà ở
UBND Tp.HCM yêu cầu Sở Kế hoạch - đầu tư TP triển khai thực hiện Nghị định số 71 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) trên địa bàn TP, trong đó UBND ưu tiên thực hiện nội dung khuyến khích doanh nghiệp xây nhà ở.
Cơ chế khuyến khích ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở nói chung, nếu có, sẽ là động lực để phát triển thị trường bất động sản một cách bền vững - Ảnh: H.TR |
Theo đó, Sở Kế hoạch - đầu tư TP phối hợp các sở liên quan nghiên cứu, soạn thảo quy định về cơ chế khuyến khích ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư phát triển nhà ở nói chung; quy định về cơ chế vốn cho phát triển nhà ở công vụ, nhà ở xã hội sử dụng vốn ngân sách TP.
Để có quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, UBND TP đề nghị Sở Quy hoạch - kiến trúc hướng dẫn UBND các quận huyện, ban quản lý các khu đô thị mới... rà soát, điều chỉnh bổ sung quỹ đất trong các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết để xây dựng các dự án nhà ở trên.
Với UBND các quận huyện, được chấp thuận đầu tư đối với các dự án phát triển nhà ở không sử dụng vốn ngân sách nhà nước, có tổng số nhà ở dưới 500 căn…
Riêng với Sở Xây dựng, UBND TP đề nghị phối hợp các đơn vị liên quan công bố công khai trên website của UBND TP và của Sở Xây dựng các dự án phát triển nhà ở đang triển khai trên địa bàn, quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500…
Đồng thời xây dựng chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn TP, trình UBND TP xem xét; trình UBND TP ban hành quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư và quy chế quản lý, sử dụng nhà biệt thự, công sở, nhà thuộc sở hữu nhà nước
Trong chỉ thị, TP chỉ đạo các sở, ban ngành và đơn vị có liên quan tiến hành thực hiện chương trình Phát triển nhà ở trên địa bàn TP giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Riêng việc xử lý chuyển tiếp các dự án phát triển nhà ở sẽ tùy vào từng trường hợp cụ thể. Trường hợp chủ đầu tư đã nộp hồ sơ nhưng chưa được phê duyệt, nếu dự án sử dụng ngân sách nhà nước và có số lượng dưới 2.500 căn, UBND TP sẽ phê duyệt hoặc ủy quyền cho các đơn vị có thẩm quyền. Nếu vốn đầu tư không phải ngân sách nhà nước và đã có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư, TP yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản chấp thuận đầu tư mà không cần yêu cầu chủ đầu tư phải lập tờ trình. Trường hợp dự án phát triển nhà ở có từ 2.500 căn trở lên (không phân biệt quy mô sử dụng đất và nguồn vốn đầu tư) thì dựa vào Điều 26 Thông tư 16/2010 để giải quyết.
Đối với các dự án đã có văn bản chấp thuận địa điểm đầu tư hoặc đã có phép đầu tư nhưng chủ đầu tư chưa nộp hồ sơ, TP tiếp tục thực hiện thủ tục chấp thuận đầu tư hoặc chấp nhận chủ trương đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư đã nộp hồ sơ tại Sở TN&MT nhưng chưa được sở này cho phép hoặc chưa trình lên UBND TP, Sở TN&MT chuyển giao cho Sở Xây dựng xử lý.
UBND TP cũng chỉ đạo công khai trên website của UBND TP và Sở Xây dựng về quy hoạch tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500, các dự án phát triển nhà ở đang triển khai thực hiện, những trường hợp chuyển nhượng dự án, thay đổi chủ đầu tư và tiến độ thực hiện các dự án phát triển nhà ở trên địa bàn quận.
Các quận huyện, ban quản lý các khu đô thị mới lập cơ sở dữ liệu để tổng hợp, thống kê số lượng dự án phát triển nhà ở, dự án khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, số lượng, loại nhà ở... trên địa bàn. Các cơ quan có liên quan lập, thẩm định, phê duyệt dự án phát triển nhà ở phải bảo đảm bố trí đất để xây dựng nhà ở xã hội và nhà công vụ.
(Theo Tuổi trẻ)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet