Tp.HCM ưu tiên xây chung cư cao tầng tại 6 quận nội thành
Theo chương trình phát triển nhà ở đến năm 2020, Tp.HCM ưu tiên xây dựng chung cư cao tầng tại 6 quận gồm: Quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức và Bình Tân.
Trong dự thảo Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2016-2020 được trình tại kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố khóa IX ngày 10/7, UBND Tp.HCM cho biết, sẽ không phát triển các dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng tại khu vực quận 1, 3.
Tại 6 quận nội thành phát triển gồm: Quận 2, 7, 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, thành phố ưu tiên phát triển các dự án đầu tư xây dựng dọc trục giao thông công cộng lớn như metro 1 tại quận 2, 9, Thủ Đức; hoặc khu vực có kế hoạch thực hiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật tương ứng. Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực ưu tiên phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu của người dân được hưởng chính sách hỗ trợ.
Còn tại 11 quận nội thành hiện hữu gồm: Quận 4, 5, 6, 8, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú, Phú Nhuận, Gò Vấp, Bình Thạnh, tập trung chỉnh trang, nâng cấp đô thị và hoàn thiện các dự án dở dang. Tp.HCM hạn chế cho xây nhà, chung cư cao tầng mới ở khu vực này nếu chưa có kế hoạch làm hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội tương ứng.
Chung cư cao tầng được ưu tiên làm ở 6 quận nội thành. Ảnh: Hữu Nguyên |
5 huyện ngoại thành được ưu đãi hình thành khu dân cư mới
Tp.HCM sẽ ưu tiên phát triển nhà theo dự án tại các thị trấn, khu dân cư nông thôn và khu vực đã có hệ thống hạ tầng kỹ thuật kết nối đồng bộ với những tuyến giao thông chính tại các khu vực: Huyện Củ Chi, Bình Chánh, Hóc Môn, Nhà Bè và Cần Giờ.
Tp.HCM cũng tập trung tạo quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp để thực hiện trong giai đoạn 2021-2025; cùng với đó, khai thác hiệu quả hệ thống giao thông đô thị như các tuyến metro, đường vành đai,... có chính sách ưu đãi đặc biệt để hình thành các khu dân cư mới (cao cấp và bình dân) phù hợp chủ trương giảm dân nội thành, kết hợp với tổ chức lại dân cư ngoại thành.
Theo quan điểm phát triển nhà ở của dự thảo, Tp.HCM đặc biệt hướng đến những người có thu nhập thấp, người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội; từng bước chuyển đổi mô hình nhà ở thấp tầng sang nhà ở cao tầng hiện đại.
Cụ thể, chính quyền thành phố đề ra mục tiêu phấn đấu nâng chỉ tiêu diện tích bình quân trên đầu người đến năm 2020 là 19,8m2; đến 2025 là 22,8m2. Trong khi cuối năm 2017 con số này ở thành phố đạt 18,87m2.
Trong giai đoạn 2016-2020, phấn đấu xây dựng 20.000 căn nhà ở xã hội, bao gồm 10.000 căn cho các đối tượng thu nhập thấp và 10.000 căn cho các đối tượng tái định cư; 35.000 chỗ ở tập trung cho công nhân tương đương 350.000m2 sàn và 6.750 chỗ ở tập trung cho sinh viên.
Đấu thầu chọn nhà đầu tư
Từ nay đến năm 2020, Tp.HCM sẽ tổ chức đấu thầu chọn nhà đầu tư, ưu tiên triển khai thực hiện các dự án nhà ở chung cư cao tầng dọc các trục đường giao thông lớn tại 6 quận nội thành phát triển để thay thế các khu vực nhà ở xuống cấp.
Đồng thời, khuyến khích phát triển loại hình nhà ở thương mại giá thấp và nhà ở cho thuê nhằm phục vụ người khó khăn về nhà ở (lao động nhập cư), góp phần hạn chế việc xây nhà không phép, trái phép ở các khu vực ngoại thành.
Về giải pháp, Tp.HCM sẽ phát hành trái phiếu để huy động vốn đầu tư trong các lĩnh vực phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà ở xã hội cho thuê; tiếp tục thực hiện và mở rộng đối tượng được vay vốn kích cầu. Việc này không chỉ áp dụng với các dự án nhà ở lưu trú cho công nhân, mà cả dự án nhà ở xã hội cho thuê được hỗ trợ toàn bộ lãi suất không quá 70% của phần vốn đầu tư xây dựng với thời gian không quá 7 năm…
Dự thảo này sẽ được các đại biểu HĐND Tp.HCM thảo luận và thông qua trong kỳ họp lần này.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet