Tp.HCM: Tranh chấp đất nhờ quận xử, quận thu luôn đất!
Hai người tranh chấp lô đất nên nhờ chính quyền phân xử. Kết quả... bất ngờ: UBND quận – trọng tài cho hai bên đã phán quyết: giao đất cho cấp phường quản lý. Chuyện lạ này xảy ra ở quận 9, Tp.HCM.
Đã hiến đất còn bị khiếu nại
Bà Nguyễn Thị Bông vén lớp cây bụi trong vườn, nhón chân qua những gò đất. Đến mỗi ngôi mộ, bà chỉ tay hồi nhớ lại: cái mả đất này của nhà ông Lê Văn Tám, ấp Tam Đa, cái mả đá này là người thân bà Nguyễn Thị Huệ ở đường Lã Xuân Oai… Những hàng mộ chí – nơi yên nghỉ của những người quá cố đã được cha bà cho chòm xóm chôn nhờ ở đây từ hơn nửa thế kỷ trước. Đó là miếng đất hơn 1.000m2, nằm lọt thỏm trong khuôn vườn rộng gấp năm lần ở đường Lò Lu, phường Trường Thạnh, quận 9.Bà Bông kể thêm, từ năm 1945, gia đình bà đã ở và canh tác trên miếng đất này. Thời đó và cả những năm đầu sau giải phóng, đất rẻ như cho: một chỉ vàng đã mua được cả công đất. Cái xóm Lò Lu chẳng có cây cầu nào qua, gần như tách biệt với bên ngoài vì cách trở đò giang.
Trước khi qua đời (năm 2007), cha bà Bông hiến hơn 60m2 để Nhà nước làm ban điều hành khu phố. Thửa đất này nằm trong phần đất thổ mộ nhưng riêng biệt. Mấy năm sau, ông L., một người dân địa phương gửi đơn đến chính quyền đòi phần đất mộ đó vì lý do: đây là phần đất do ông bà ông để lại. Tuy nhiên, yêu cầu của ông L. là không có cơ sở nên bị bác đơn.
Bà Bông tưởng đã yên chuyện tranh chấp với người hàng xóm, khi hàng tập giấy tờ chứng minh việc sử dụng và nộp thuế đất với Nhà nước của mình đã được giải quyết thấu tình đạt lý. Thế rồi đùng cái, bà bị đẩy vào trạng thái ngỡ ngàng vì quyết định 85/QĐ-UBND của UBND quận 9. Theo đó, quận cho rằng, trên khu đất có ban điều hành khu phố, mồ mả và đây là đất nghĩa địa nên không công nhận quyền sử dụng của bà Bông hay ông L., mà phải giao cho UBND phường Trường Thạnh quản lý, tạo điều kiện cho người dân vào chăm sóc mộ người thân.
Quyết định sai luật?
Trước lập luận của UBND quận 9, bà Bông bức xúc: “Ban điều hành khu phố được cha tôi hiến tặng là phần đất riêng biệt, không liên quan đến khu vực mồ mả. Những ngôi mộ trong khu đất này xác định nguồn gốc rõ ràng là của người thân trong gia đình tôi và của bà con lối xóm, chứ không phải là nghĩa địa công. Ngoài ra, văn bản của UBND quận 9 cũng công nhận đất do gia đình tôi quản lý, sử dụng từ lâu đời. Như vậy, quận vừa mâu thuẫn vừa rất quá đáng khi lấy hết toàn bộ hơn 1.000m2 đất của tôi vì những lý do trên”.Trao đổi với phóng viên, bà Bông dẫn chứng thêm từ quyết định 85 của UBND quận 9. Theo đó, văn bản này có dựa trên các tài liệu địa chính 299/TTg và 02/CT-UB để minh chứng, rằng đất chôn người quá cố là nghĩa địa để giao cho phường quản lý. Trong khi đó, theo công văn số 1568/BTNMT-ĐKTKĐĐ ngày 25.4.2007 của bộ Tài nguyên và môi trường, thì các sổ dã ngoại, sổ mục kê đất trước khi có luật Đất đai năm 2003 không được coi là một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1, điều 50 của luật này mà chỉ là sổ thể hiện thông tin điều tra, đo đạc ban đầu về hiện trạng sử dụng đất mà thôi. Như vậy, UBND quận 9 căn cứ vào những tài liệu này để xác định đất có mộ là nghĩa địa công cộng, là chưa đúng với quy định của pháp luật.
“Gia đình chúng tôi thuần nông, nhưng không có nghĩa là không biết trang bị kiến thức pháp luật. Trước đây, chúng tôi từng hiến để Nhà nước làm công trình công cộng nhưng không chấp nhận quyết định quá đáng và không có cơ sở như quyết định 85 của UBND quận 9”, bà Bông nói.
Theo luật sư Nguyễn Thanh Lương, phó chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Bến Tre, việc ra quyết định thu hồi khu đất của UBND quận 9 là không ổn. Ngôi mộ không phải là tài sản mà là chủ thể đặc biệt mang tính truyền thống. UBND quận thu hồi sẽ là xâm phạm đến yếu tố tinh thần, nhân thân của người đã chết và người thân của họ. Số phận của các ngôi mộ sẽ ra sao nếu quận 9 thu hồi đất, trong khi đất công hiện nay chưa có hướng dẫn nào về đất thổ mộ. Đây là yếu tố thiếu thuyết phục của văn bản thu hồi đất.
Cũng theo luật sư, người bị thu hồi đất có thể khiếu nại lên sở Tài nguyên và môi trường để nhờ can thiệp.
Thêm một vụ tương tự 17 năm trước, ông Nguyễn Văn Cảnh (xã Tam Thôn Hiệp, Cần Giờ) chuyển nhượng cho ông Trần Văn Bằng gần 23.000m2 đất nông nghiệp với giá 15 chỉ vàng. Ông Cảnh nhận của ông Bằng 3 chỉ vàng tiền cọc. Việc mua bán không thành khi vợ ông Cảnh phát hiện chồng mình tự ý bán đất. Bà yêu cầu chồng dừng việc mua bán, hoàn trả tiền cọc. Ông Bằng không đồng ý nhận lại tiền cọc. Cuối năm 2000, ông Bằng nộp đơn khởi kiện ra TAND huyện Cần Giờ. Sau đó, toà này ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án vì ông Bằng rút đơn. Đầu năm 2001, ông Bằng lại gửi đơn khiếu nại tranh chấp quyền sử dụng đất đến xã Tam Thôn Hiệp. UBND huyện Cần Giờ ra quyết định công nhận quyền sử dụng phần đất tranh chấp nói trên cho ông Bằng. Đồng thời, huyện còn buộc ông Cảnh lập thủ tục chuyển quyền sử dụng đất sang cho ông Bằng. Một năm sau, UBND huyện Cần Giờ bỗng thu hồi và huỷ bỏ quyết định nói trên, và hướng dẫn hai bên kiện ra toà. Phía toà hướng dẫn hai bên nên khiếu nại UBND huyện Cần Giờ. Lúc này, UBND huyện không những không giải quyết khiếu nại mà còn ra quyết định thu hồi luôn phần đất nói trên giao cho xã quản lý theo chế độ đất công, với lý do ông Cảnh không trực tiếp sử dụng. Ông Cảnh té ngửa vì đất đang tranh chấp nên phải chờ, chứ không phải ông bỏ đất hoang và mặc dù không sản xuất nhưng ông vẫn đóng thuế sử dụng đất. |
(Theo SGTT)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet