Tp.HCM: Trăn trở “hậu” tái định cư
Hiện nay, phần lớn các hộ dân tái định cư (TĐC) đều chung niềm vui khôn xiết được ở trong những căn hộ cao ráo, sạch sẽ. Song họ cũng bày tỏ, niềm vui chưa thể trọn vẹn bởi còn quá nhiều bộn bề cuộc sống.
Người tái định cư cần được quan tâm nhiều hơn nữa. Trong ảnh, Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân tặng quà người dân tái định cư tại chung cư Tân Mỹ (quận 7). |
Đúng nghĩa “ngồi chơi xơi nước”
Ông Lê Văn Út (nhà A4-04, chung cư Tân Mỹ, quận 7) rạng rỡ, cuộc sống thực sự đổi thay từ ngày về TĐC, cách đây 2 năm. Được an cư trong môi trường cao ráo, sạch sẽ, gọn gàng, nhất là trẻ em, người già có thể vui chơi thoải mái trong khuôn viên chung cư. Niềm vui khôn xiết. Nhưng hiềm một nỗi công việc vẫn chưa ổn định. Bà xã không có việc làm, còn ông, hàng ngày vẫn phải trở lại khu vực Bến xe quận 8 chạy xe ôm.Tương tự, chiều 6/6, dẫn chúng tôi tham quan căn hộ D2.01 chung cư Nhất Lan (phường Tân Tạo, quận Bình Tân), bà Lường Thị Liên (53 tuổi) vồn vã: “Nhà rất đẹp, song niềm vui chưa được trọn vẹn bởi… rảnh quá, không có việc để làm”. Trước đây, bà nuôi heo và làm nghề phụ, thu nhập khá. 7 tháng nay, từ ngày về nơi ở mới, bà chỉ ở nhà, không có thu nhập song lại phải chi nhiều hơn cho các khoản “phí” của chung cư.
Khó khăn càng chất chồng khi các hộ dân TĐC xa nơi ở trước đây, nhiều gia đình có trên 2 người thất nghiệp. Bước vào căn hộ 3.04 lô B1.1 khu TĐC Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh của gia đình anh Nguyễn Đặng Hùng (33 tuổi), nhà kiên cố, cao ráo nhưng trống trơn, tuềnh toàng và đơn điệu. Tài sản có giá trị nhất trong nhà là chiếc tivi không có remote, muốn mở băng đĩa phải “khởi động” bằng cách đập đập vào đầu đĩa cho đến khi cùi đĩa bật ra. Còn chiếc xe gắn máy, anh Hùng cũng vừa đi cầm giấy tờ xe lấy 500.000 đồng để có tiền lo liệu cuộc sống trước mắt.
Sáng 13/6, cầm 100.000 đồng người bạn vừa cho để đổ xăng, anh Hùng hoang mang, trước gia đình anh ở 210/6/22 Nguyễn Văn Luông (quận 6), nhà cửa không được đẹp như bây giờ nhưng anh lại thuê được một địa điểm gần nhà để mở tiệm sửa xe gắn máy với 3 người phụ việc, thu nhập 1 tháng cũng trên 10 triệu đồng. Địa điểm thuê làm tiệm sửa xe đã hết hạn và hay tin anh chuyển đi, chủ nợ đến xiết vội đồ nghề.
Hai bàn tay trắng tới khu TĐC Vĩnh Lộc B, từ 6 tháng nay, vợ chồng anh ở “ngon” nhưng ngủ không yên và ăn không ngon vì cả hai đều thất nghiệp, chạy ăn từng bữa, giật gấu vá vai, trong khi lại “ôm” khoản nợ cũ hơn 100 triệu đồng và 220 triệu đồng nợ mới khi mua nhà TĐC.
Mong căn hộ thành tổ ấm
Hơn 5 giờ sáng, cả gia đình anh Lu Thanh Tùng (35 tuổi, ngụ 5.09 lô C4 khu TĐC Vĩnh Lộc B) đã lật đật chuẩn bị cho một ngày “sinh hoạt ngoài trời”. Bé 5 tuổi ngồi phía trước, người vợ bồng đứa con 2 tuổi ngồi phía sau kèm theo đống đồ đạc lỉnh kỉnh chất lên chiếc xe gắn máy do anh cầm lái chạy về khu vực Bệnh viện 30-4 (đường Sư Vạn Hạnh, quận 5). Đến nơi, bé đầu được gửi vào nhà trẻ còn bé thứ hai lẽo đẽo theo gánh hàng rong của mẹ ở trước cổng bệnh viện. Anh Tùng thì chạy loăng quăng kiếm việc để làm.Nói là “sinh hoạt ngoài trời” bởi hàng ngày cả gia đình phải quay lại quận 5 kiếm việc mưu sinh, lúc mệt thì vạ vật nghỉ ngơi đâu đó, đến tối cả gia đình mới trở về căn hộ TĐC. Chợ xa xôi, hàng ngày đi làm xa mệt mỏi, nguồn nước ở đây lại có màu xanh lơ, tắm cũng ngứa ngáy nên cả nhà hiếm khi nấu nướng, gian bếp nguội lạnh từ bao giờ. Trần nhựa trong phòng ngủ rơi nham nhở 4 tháng nay nhưng không được chủ đầu tư, nhà thầu sửa chữa nên cả nhà đành ra ngoài phòng khách ngủ.
Bà Châu Mỹ Lệ (50 tuổi, nhà A225 T2 chung cư Tân Mỹ) cho biết, còn nhiều trăn trở về công ăn việc làm, vì mưu sinh mà các thành viên ít được gần gũi nhau. Chồng và con trai bà Lệ chạy xe ôm và cũng không còn cách nào khác là hàng ngày lặn lội về quận 8 hành nghề với những “mối” cũ. Điều này gây ra nhiều bất tiện. Trước đây, họ chạy xe ôm gần nhà, buổi trưa có thể tạt về nhà ăn cơm, tranh thủ nghỉ ngơi dưỡng sức chút xíu và chia sẻ việc nhà, còn bây giờ do xa xôi, đi lại tốn kém, hai thành viên trong gia đình phải chịu cảnh cơm đường cháo chợ, vạ vật những lúc ế khách.
Cần có đánh giá đầy đủ
Tham gia trong đoàn giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM về việc bố trí TĐC trên địa bàn TP mới đây, cũng là người đã có nhiều lần thực tế tại các khu TĐC, ông Đặng Văn Khoa, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM, nhận xét, TĐC không đơn thuần là thay đổi về nơi ở mà là một sự “bứng gốc” rất lớn, thay đổi toàn diện trong cuộc sống như công ăn việc làm, học hành, quan hệ xã hội, ảnh hưởng cả đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Nơi ở, về cơ bản, chúng ta đã thu xếp được cho người dân.Nhưng căn nhà mới, nhất là tại các căn hộ TĐC - vốn đòi hỏi người dân cần thay đổi cả văn hóa, thói quen, lối sống để thích ứng với lối sống tập thể - có trở thành tổ ấm của từng gia đình hay không lại không đơn giản, đòi hỏi TP phải có các giải pháp hỗ trợ về nhiều mặt cho người dân.
“Sau TĐC bao nhiêu người nghèo xuất hiện?”, câu hỏi được đặt ra trong buổi giám sát của Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM đã chưa có câu trả lời khi lãnh đạo quận Bình Tân xin “khất” để thống kê lại. Ông Phạm Văn Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam Tp.HCM phải lưu ý, địa phương cần coi chừng sau TĐC, lại xuất hiện thêm người nghèo và cần xem xét, đánh giá đầy đủ về vấn đề trên bởi có tình trạng người dân TĐC có nhà ở khang trang, đảm bảo vệ sinh môi trường song lại “không làm ăn được”, giảm sút về thu nhập.
Không riêng quận Bình Tân, giai đoạn 2006-2015, cả TP có khoảng 500 dự án với 120.000 hộ dân bị ảnh hưởng, song đến nay, chưa có một thống kê chính thức từ cơ quan chức năng để công bố về thực trạng đời sống của người dân TĐC.
Rõ ràng còn một khoảng cách không nhỏ giữa mong muốn, chủ trương của TP và cách thực hiện di dời, giải tỏa, TĐC mà các cơ quan chức năng cần tiếp tục xem xét và khắc phục.
(Theo SGGP)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet