TP.HCM: Tình trạng phân lô bán nền trái phép ngày càng tinh vi
Sau hơn 1 năm kể từ ngày Quyết định 60/2017/QĐ-UBND nhằm chấn chỉnh tình trạng phân lô bán nền tràn lan trên địa bàn TP.HCM có hiệu lực, hiện tình trạng này không những không gia tăng, mà còn có phần tinh vi, phức tạp hơn.
Phân lô trái phép gia tăng
Quyết định 60/2017/QĐ-UBND được UBND TP.HCM ban hành thay thế cho Quyết định 33/2014 QĐ-UBND, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, nhằm giải quyết tình trạng phân lô bán nền tràn lan, đồng thời, tạo điều kiện cho người dân tách thửa theo đúng quy định của Luật Đất đai, ngày 5/12/2017.
Song, vẫn có những kẽ hở tại Quyết định 60 bị giới đầu cơ lợi dụng, đẩy tình hình phân lô, tách thửa trái phép ngày càng gia tăng trên địa bàn một số quận, huyện vùng ven TP.HCM.
Tình trạng phân lô đất nền tại TP.HCM đang có chiều hướng gia tăng và phức tạp hơn
Theo đó, quy định tại Quyết định 60 không có nội dung bắt buộc phải lập dự án khi tiến hành tách thửa đối với những lô đất có diện tích từ 2.000m2 trở lên như ở Quyết định 33.
Kẽ hở này đã bị giới đầu tư lợi dụng, lùng sục săn tìm những khu đất có diện tích 2.000m2 để gom mua, thực hiện phân lô bán nền. Tình trạng này làm nóng cả khu vực các quận, huyện vùng ven như quận 9, huyện Hóc Môn, Bình Chánh...
Vào thời điểm cuối tháng 4 vừa qua, theo ghi nhận của phóng viên, tình trạng san lấp, phân lô dọc theo các tuyến đường liên ấp 1-2-3, ấp 4B, giáp ranh với đường Kinh Trung Ương, chạy sâu vào khu vực đất rừng phòng hộ Kênh Liên Vùng, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh đang diễn ra tràn lan.
UBND xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh đã phải cắm bảng thông báo
cấm phân lô đất nông nghiệp
Hoạt động phân lô bán nền trên đất nông nghiệp lần này được thực hiện tinh vi, bài bản hơn so với những đợt cao điểm trước đó. Cụ thể, chủ đất sau khi san lấp mặt bằng lô đất, còn kèm theo bản vẽ phác họa thửa đất đã được phân lô nhằm tạo niềm tin và thu hút người mua hơn.
Theo lời giới thiệu của một cò đất tên An ở Bình Chánh, hiện người này đang bán một lô đất nông nghiệp hơn 3.000m2, đã san lấp bằng phẳng và tách thành từng thửa với các khoảng diện tích như 4x15 m, 4x18 m, có giá từ 15-20 triệu đồng/m2, tùy vị trí.
Tình trạng phân lô bán nền trái phép cũng đang diễn ra hết sức mạnh mẽ trên địa bàn quận 9, thậm chí, chủ đất còn lấn chiếm cả kênh rạch để kiếm lợi. Một số phường như Long Phước, Long Trường, Trường Thạnh... đang diễn ra tình trạng phân lô đất vườn, đất lấn chiếm kênh rạch khá nhiều.
Một cò đất tên Sơn dẫn phóng viên (đóng vai người mua đất) đi vào một hẻm nhỏ nằm trên đường Cầu Đình, thuộc phường Long Phước và chỉ vào một khu đất được phân lô, nói: “Đây là đất bao chiếm kênh rạch, lúc mình mua thì chủ đất sẽ làm vi bằng thừa phát lại”.
Khu đất này đã được lấn chiếm ra phần đất ở mé sông, có đóng những hàng cọc bao quanh. Những nền đất tại đây được rao bán trong khoảng giá từ 5-7 triệu đồng/m2. Theo lời giới thiệu của cò thì “chỉ có những loại đất này mới có giá đó, chứ giá của những nền đất đã lên thổ cư phải từ 15-20 triệu đồng/m2. Anh cứ mua rồi xây nhà thoải mái, vài năm sau sẽ tự động hợp thức hóa rồi lên thổ cư”.
Còn nhân viên của một công ty môi giới trên đường đường Lò Lu, thuộc phường Trường Thạnh, quận 9 lại giới thiệu cho phóng viên một lô đất nền tại hẻm 190, đường Nguyễn Xiển, phường Trường Thạnh. Theo như lời tư vấn của người này thì “đây là lô đất do Công ty đứng ra mua lại và quy hoạch. Lô đất này có 620m2 đất thổ cư nằm ở giữa, có giá 50 triệu đồng/m2, phần còn lại khoảng 800m2 đất vườn, có giá 10 triệu đồng/m2. Với lô đất chưa được lên thổ cư, anh phải bỏ ra từ 45 triệu đồng để được "ngó lơ" xây nhà”.
Xuất hiện rất nhiều những nền đất nằm giữa những con rạch
dọc theo đường Cầu Đình, quận 9
Trên địa bàn huyện Củ Chi, Hóc Môn, tình trạng san lấp đất vườn, lấn chiếm kênh rạch để chia lô bán nền cũng đang diễn ra một cách ngang nhiên.
Theo thông tin từ Công an huyện Hóc Môn, hiện có tới 9/12 xã, thị trấn trên địa bàn huyện xuất hiện tình trạng vẽ “dự án ma” để lừa đảo người mua. Từ năm 2018 đến nay, chỉ riêng 2 xã Đông Thạnh và Nhị Bình, đã có một số đối tượng sử dụng chiêu thức vẽ “dự án ma”, lừa đảo khách hàng, thu lợi bất chính trên 28 tỷ đồng được Công an huyện phát hiện và xử lý.
Cần sự quyết liệt hơn từ chính quyền địa phương
Các chuyên gia phân tích, Quyết định 60 tuy không quy định phải lập dự án đối với lô đất diện tích từ 2.000m2, nhưng đã có nội dung: "UBND các quận, huyện xây dựng kế hoạch tách thửa đất, thành lập tổ công tác liên ngành để giải quyết tách thửa; thường xuyên kiểm tra, xử lý vi phạm và báo cáo định kỳ theo quy định.
Các sở ngành, đơn vị hướng dẫn quy chế tách thửa đất; điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật đối với trường hợp tách thửa đất có hình thành đường giao thông, đảm bảo hạ tầng xã hội; cấp giấy phép xây dựng và kiểm tra, xử lý vi phạm xây dựng; các thủ tục về đầu tư, đấu nối hệ thống điện, cấp nước, thoát nước theo quy định". Song, những quy định trên dường như đã không được chính quyền địa phương quan tâm thực hiện đúng mức.
Các quy định được đưa ra tại Quyết định 60 theo Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu, đã "tạo điều kiện cho người sử dụng đất thực hiện quyền được tách thửa đất ở đô thị, đất ở nông thôn, đất nông nghiệp theo quy định của pháp luật đất đai, phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị của Thành phố và kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng đô thị".
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet