Tp.HCM: Thủ tục đầu tư xây dựng vừa chậm vừa rối
Hiện nay, mặc dù Tp.HCM đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nhưng theo nhiều doanh nghiệp, lĩnh vực này vẫn như… ma trận. Doanh nghiệp (DN) vẫn rối khi phải giáp mặt với hàng loạt quy định liên quan đến đầu tư xây dựng.
Thủ tục chỉ thêm, không bớt (?)
Khi được hỏi về những thủ tục đầu tư trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh nhà đất, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho biết: “Suốt 4 năm qua hầu như không có thủ tục hành chính nào trong lĩnh vực này được bỏ bớt đi, thậm chí còn… tăng thêm”. Ông Nguyễn Văn Đực chứng minh, nếu như trước kia, sau khi có đất, nhà đầu tư chỉ phải xin cấp chỉ tiêu quy hoạch là có thể triển khai dự án thì nay, trước khi được cấp chỉ tiêu quy hoạch, chủ đầu tư (CĐT) phải qua thêm khâu: Xét năng lực. Ở khâu này CĐT sẽ “bị” Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch Kiến trúc cùng với chính quyền địa phương và các đơn vị liên quan đánh giá năng lực thực hiện dự án. Thời gian mà các DN phải mất cho thủ tục ấy thường là 6 tháng với rất nhiều lần phải đi lên, đi xuống giải trình với ngành chức năng.“Tôi biết, thông qua quy định này, nhà nước muốn bảo vệ quyền lợi của người dân, những người sẽ mua sản phẩm địa ốc của DN. Nhà nước không muốn người dân mua phải sản phẩm của các DN không đủ năng lực đầu tư để rồi tiến thoái lưỡng nan, dở khóc dở cười… Thế nhưng, nếu thực sự gặp kẻ lừa đảo, liệu người dân có thể kêu cứu và quy trách nhiệm kiểm tra DN cho Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch - Kiến trúc (?)” - ông Nguyễn Văn Đực đặt vấn đề.
Im ắng tại công trình xây dựng chung cư Lý Thường Kiệt tại quận 11. Ảnh: KIM NGÂN |
Trong một lĩnh vực khác, đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm, ông Lê Tuấn, Giám đốc Công ty Đầu tư xây dựng không gian ngầm, CĐT xây dựng bãi đậu xe dưới Công viên Lê Văn Tám cho biết, chỉ riêng hỏi các sở ngành xem việc này (đầu tư xây dựng bãi xe ngầm) đơn vị nào xử lý, nhiều khi DN phải chờ đến… 2 tháng. Trọng lượng các công văn giấy tờ mà DN phải làm trong gần 10 năm “chạy” thủ tục có thể đã gần trăm kilôgam giấy (!). Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương, CĐT xây dựng hai bãi đậu xe ngầm dưới sân khấu Trống Đồng và sân vận động Hoa Lư, đã gặp không ít khó khăn tương tự. Thời gian bắt tay vào công việc của DN đã hơn 5 năm, nhưng hiện DN vẫn chưa thể khẳng định chắc chắn được thời gian nào sẽ khởi công xây dựng công trình.
Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Đông Dương cho biết, các chế độ ưu đãi trong kêu gọi đầu tư thay đổi liên tục làm DN… chóng mặt theo. Khi nhận giấy phép đầu tư xây dựng bãi đậu xe ngầm đầu tiên vào năm 2008, DN được miễn tiền thuê đất; được ngân sách thành phố hỗ trợ lãi vay 3%/năm đối với 70% vốn đầu tư dự án mà CĐT phải vay ngân hàng trong thời gian xây dựng. Tuy nhiên, đến khi nhận giấy phép đầu tư cho dự án sau vào năm 2010 thì mọi ưu đãi trên không còn. Tất nhiên, nhà nước có quyền điều chỉnh các chính sách ưu đãi đầu tư theo ý chí chủ quan của mình. Thế nhưng, trong bối cảnh Tp.HCM vẫn đang thiếu gay gắt bãi đậu xe, việc thay đổi như vậy chỉ làm tiến độ xây dựng các bãi đậu xe chậm lại mà thôi.
Trên nóng ruột, dưới thờ ơ
Lãnh đạo Tp.HCM, lãnh đạo các sở ngành đa phần đều rất nóng ruột trước tiến độ chậm trễ của các dự án. Trong tất cả các cuộc họp kiểm tra tiến độ các công trình xây dựng, lãnh đạo Tp.HCM luôn chỉ đạo các sở, ngành phải tạo mọi điều kiện cho DN… Thế nhưng, ngược với sự nóng lòng của lãnh đạo, một bộ phận không nhỏ các chuyên viên lại rất thờ ơ với các dự án. Tất cả các DN mà phóng viên có dịp trao đổi để thực hiện bài viết này đều cho biết như vậy.Ông Lê Tuấn cho hay, các chuyên viên luôn lấy cớ là dự án đầu tư này (ý ông muốn nói đến dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm) chưa có tiền lệ để kéo dài thời gian thẩm định. Thậm chí trong rất nhiều trường hợp, đáng lẽ dự án chưa có tiền lệ, chưa có các quy định phù hợp, các chuyên viên phải chủ động tìm hiểu và đề xuất hướng giải quyết cho CĐT thì họ lại quay lại yêu cầu CĐT tự đi tìm các quy định phù hợp (?!). Bà Nguyễn Thị Bảo Quỳnh nhận xét: “Tôi có cảm giác nhiều chuyên viên, sau khi họp và nhận chỉ đạo của lãnh đạo, ra khỏi cuộc họp là… quên hết (?). Khi DN nhắc lại chỉ đạo của lãnh đạo thì họ thờ ơ trả lời: chưa thấy văn bản chỉ đạo (!).
Trong rất nhiều cuộc họp, mọi người đã chứng kiến sự nóng ruột của lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các sở ngành trước tiến độ chậm trễ của nhiều dự án đầu tư xây dựng… Phải chăng là do chưa có ai, đơn vị nào bị xử lý nghiêm đối với hành vi làm chậm tiến độ dự án nên họ chưa sợ?
(Theo SGGP)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet