Tp.HCM sẽ phát triển theo mô hình đa cực
Đến năm 2020 và tầm nhìn năm 2025, Tp.HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung – đa cực. Sẽ có một khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển.
Chiều 12/4, Hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Đảng bộ Tp.HCM khóa IX đã thông qua Dự án quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Tp.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Trong đó, nhấn mạnh TP sẽ phát triển theo mô hình tập trung – đa cực, sẽ có một khu vực trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15 km và 4 cực phát triển.
Theo đề án này, tại khu vực trung tâm hiện hữu gồm quận 1, 3, một phần quận 4, quận Bình Thạnh (930 ha) và khu đô thị mới Thủ Thiêm (737 ha) sẽ phát triển theo hướng đa tâm.
Với 4 cực phát triển, TP sẽ có hai hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển và hai hướng phụ là hướng Tây – Bắc và hướng Tây, Tây – Nam. Tại mỗi hướng sẽ có một trung tâm cấp thành phố gồm hướng Đông tại vị trí phường Long Trường (quận 9), hướng Nam thuộc khu A của đô thị mới Nam thành phố, hướng Bắc lấy khu đô thị mới Tây – Bắc làm trung tâm và hướng Tây lấy khu vực giáp quốc lộ xã Tân Kiên (huyện Bình Chánh) làm trung tâm cấp thành phố.
Tp.HCM sẽ phát triển theo mô hình tập trung – đa cực. Ảnh minh họa |
Đối với hướng chính phía Đông, TP sẽ lấy tuyến cao tốc Tp.HCM – Long Thành – Dầu Giây làm hành lang phát triển và dọc tuyến Xa lộ Hà Nội sẽ xây dựng các khu đô thị mới.
Đối với hướng chính phía Nam, TP sẽ lấy tuyến Nguyễn Hữu Thọ (quận 7) làm hành lang phát triển. Hướng này cũng sẽ phát huy tối đa thế mạnh đặc thù sông nước với mật độ xây dựng thấp, không làm giảm diện tích mặt nước phục vụ cho tiêu thoát nước của thành phố.
Còn hướng phụ phía Tây – Tây Bắc, hành lang phát triển sẽ là tuyến quốc lộ 22 (Xa lộ Xuyên Á) và hướng phụ phía Tây, Tây – Nam thì lấy tuyến Nguyễn Văn Linh làm hành lang phát triển.
Đề án này cũng đề ra phương hướng không phát triển đô thị tại vùng bảo tồn nghiêm ngặt và vùng phục hồi sinh thái thuộc khu bảo tồn thiên nhiên rừng ngập mặn Cần Giờ trong khu giữ trữ sinh quyển ở huyện Cần Giờ, các khu rừng đặt dụng, phòng hộ trên địa bàn các huyện Bình Chánh và Củ Chi.
Ngoài ra, đề án cũng chỉ ra phân vùng phát triển gồm 13 quận nội thành hiện hữu và 6 quận mới, thị trấn thuộc huyện, các khu đô thị mới. Trong đó, 6 quận mới và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè sẽ chú trọng phát triển công nghiệp.
Vùng sinh thái, du lịch được phát triển dọc theo sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Đồng Nai, khu sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ. Vùng nông nghiệp kết hợp vành đai sinh thái được phát triển tại các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Cần Giờ…
Theo Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân, mô hình phát triển như trên là nhằm mục đích phát triển đô thị gắn với mục tiêu bảo đảm quốc phòng, an ninh.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet