Hỗ trợ bằng mức bồi thường

Nhà bà Phan Thị Thanh (245/13 Bình Lợi, phường 13, quận Bình Thạnh) nằm trong dự án khu dân cư Bình Hòa do Công ty TNHH MTV Đầu tư - Xây dựng Tân Thuận làm chủ đầu tư. Đây là dự án “treo” suốt 20 năm qua gây nhiều bức xúc cho người dân. Mới đây dự án được điều chỉnh quy mô và người dân được đảm bảo các quyền như cấp giấy chứng nhận, chuyển nhượng, xây dựng tạm... Dù vậy, bà Thanh vẫn không dám xây lại căn nhà đã xuống cấp vì sợ sẽ không được bồi thường phần đã xây dựng khi chủ đầu tư thực hiện dự án.

Tin vui cho bà Thanh là khi bàn về dự thảo Quyết định Cấp phép xây dựng thay thế Quyết định 68/2010, nhiều ý kiến thống nhất công trình cấp phép xây dựng tạm cũng sẽ được bồi thường. Tuy nhiên, không thể đưa quy định bồi thường công trình tạm vào quyết định vì trái với các quy định pháp luật. Do đó, khoản này sẽ được thể hiện dưới hình thức hỗ trợ với mức tương đương như bồi thường.

Đất rộng nhưng ông Út Vô không thể xây nhà cho con vì không được chuyển mục đích sử dụng do vướng quy hoạch. Ảnh: Việt Hoa


Đề xuất khi thi công mới cần bản vẽ kết cấu

Về yêu cầu hồ sơ xin phép xây dựng phải có thêm bản vẽ kết cấu (theo Nghị định 64/2012 và Thông tư 10/2012 của Bộ Xây dựng), TP cho hay sẽ tiếp tục có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng theo hướng: Nếu không bỏ bản vẽ này thì nên đưa vào giai đoạn sau khi cấp phép xây dựng. Cụ thể, đến khi chủ đầu tư thi công công trình thì mới cần bản vẽ kết cấu, không đưa thủ tục này vào quy trình cấp phép.

Trước đó, theo quan điểm của Bộ Xây dựng, trong hồ sơ xin phép xây dựng phải có bản vẽ kết cấu do đơn vị tư vấn thực hiện và chịu trách nhiệm. Cơ quan cấp phép không kiểm tra chuyên môn mà chỉ kiểm tra thành phần hồ sơ có bản vẽ này là được. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng người dân sẽ gặp nhiều khó khăn vì bản vẽ rất tốn kém, nếu sai sót phải điều chỉnh rất lâu, kéo dài thời gian được cấp phép xây dựng. Trên thực tế, công trình nào cũng có bản vẽ kết cấu nhưng chỉ áp dụng cho giai đoạn thi công sau khi được cấp phép.

Đất nông nghiệp vẫn phải chờ

Theo tinh thần cuộc họp, việc cấp phép xây dựng (cả chính thức lẫn tạm) trong khu vực quy hoạch chỉ giải quyết cho trường hợp đất ở. Còn đất nông nghiệp vẫn chưa được xem xét.

Theo ghi nhận, hiện TP còn nhiều trường hợp có đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch. Nhiều người có đất rộng, không còn phù hợp để sản xuất nông nghiệp nhưng cũng không được làm gì khác trên mảnh đất của mình (như chuyển mục đích sử dụng, xây dựng,...). Trường hợp của ông Út Vô, hẻm 480 khu phố 3, đường Bình Quới, phường 28, quận Bình Thạnh là ví dụ. Từ nhiều đời nay, gia đình ông Út Vô đã sinh sống và sản xuất nông nghiệp trên mảnh đất rộng hơn 17.000 m2 (nhưng chỉ có hơn 250 m2 là đất thổ cư). Mảnh đất này nằm trong quy hoạch Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa. Khi bốn người con của ông lập gia đình, ông muốn cắt đất cho các con xây nhà nhưng không thể chuyển mục đích sử dụng được. “Đất đai rộng nhưng con tôi có đứa phải đi ở trọ. Có đất mà không thể nào cất nhà cho con, tôi cũng xót lắm” - ông Út Vô thở dài.

Nhà nhỏ, người đông nên ông Út Vô phải chia thành từng phòng 5-6 m2 cho mỗi gia đình nhỏ. Mong muốn của người cha gần 70 tuổi này là được xây cho mỗi đứa con một căn nhà. “Tôi cam kết với Nhà nước sẽ không đòi hỏi gì khi thực hiện quy hoạch” - ông nói.

Mong ước của ông Út Vô cũng là khát khao của nhiều người dân có đất nông nghiệp nằm trong quy hoạch. Tuy nhiên, vấn đề này chưa được giải quyết tại cuộc họp sáng qua.

Theo dự thảo Quyết định Cấp phép xây dựng thay thế Quyết định 68/2010, chỉ cấp phép xây dựng tạm đối với trường hợp nhà, đất thuộc khu vực đã có quy hoạch 1/500 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất. Quy mô công trình tạm tối đa là ba tầng, kể cả tầng lửng, mái che cầu thang. Như vậy nhà, đất thuộc khu vực chưa có quy hoạch 1/500 và chưa có quyết định thu hồi đất sẽ được cấp phép chính thức. Trước đó, theo Quyết định 68/2010, đối tượng này chỉ được cấp phép tạm.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME