Từ cuối năm 2017 đến nay, giá đất một số khu vực trung tâm Tp.HCM "bỗng dưng" tăng mạnh 4-7 lần, có nơi tăng vọt lên hơn 10 lần, đã khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ không thể "bám" mãi ở thành phố mà phải bán tài sản để mang tiền đi mua nhà đất ở nơi khác sinh sống, còn dư kha khá dành làm tiết kiệm về già.

Chuyện này không hiếm với nhiều người dân quanh các vị trí sốt đất thời gian qua như khu Thạnh Mỹ Lợi (quận 2), khu Tô Ngọc Vân (Thủ Đức), Nguyễn Xiển (quận 9)... Theo ông Trần Ngọc Minh, ngụ tại khu dân cư TDH (đường Tô Ngọc Vân), hai vợ chồng là giáo viên về hưu đã hơn 3 năm. Căn nhà rộng hơn 70m2 nằm ngay mặt tiền đường một con hẻm nhỏ, dù không treo biển rao bán nhưng một ngày sau tết có người đến hỏi mua và trả giá 12 tỷ đồng.

sốt đất Tp.HCM
Sau "cơn sốt" đất Tp.HCM, nhiều người bỏ phố về quê sinh sống

"Khi tôi mua căn nhà này chỉ có vài trăm triệu đồng do con cái cho, nghĩ cũng lớn tuổi sống quanh quẩn trong nhà. Giờ thấy được giá thì bán đi để lấy tiền về Củ Chi mua đất xây một căn nhà khác sống, có không gian hơn để hưởng tuổi già. Số tiền này chúng tôi có làm tiếp hết đời cũng không dành dụm được", ông Minh chia sẻ.

Theo ông Minh, thời gian qua nhà đất dọc tuyến đường này được nhiều người đến hỏi mua lại, vì Tp.HCM đã có chủ trương đầu tư mở rộng đường và xây dựng một khu công viên cảnh quan để phục vụ đời sống người dân của quận Thủ Đức. Ông Minh cũng đã mua được lô đất rộng 150m2 tại huyện Dĩ An, Bình Dương để xây nhà sân vườn, làm 2 sổ tiết kiệm 5 tỷ đồng cho 2 vợ chồng.

Trường hợp của gia đình ông Ngọc Mai đang sinh sống tại đường Nguyễn Xiển (quận 9) cũng tương tự. Theo ông Mai, ngay khu vực này đang được xây dựng một dự án khu dân cư lớn, giá đất cũng tăng rất cao trong nhiều tháng qua. Chỉ mới gần 2 năm trước, căn nhà của ông được hỏi mua với giá 2,5 tỷ đồng, hiện nay có người muốn mua lại hơn 8 tỷ đồng.

"Con cái thì cũng đã lớn lập gia đình sinh sống ở xa, tôi quyết định bán nhà, lấy một phần tiền mua nhà ở quê để ở cùng 2 chị gái cũng lớn tuổi cho có chị có em, phần còn lại gửi tiết kiệm", ông Mai cho hay.

Bà Phương Anh (năm nay 72 tuổi) kể, bà bỏ quê lên Sài Gòn mưu sinh, dành dụm hơn chục năm mới mua được mảnh đất rộng 42m2 nằm trong con hẻm sâu tại quận 9. Tích cóp mãi, cộng với vay mượn thêm nhưng bà vẫn không đủ khả năng xây căn nhà khang trang để sinh sống".

"Nhưng từ khi xuất hiện cơn "sốt đất", nhiều người lui tới hỏi mua lại lô đất của tôi với giá hơn 3 tỷ đồng. Thiết nghĩ, dành dụm cả đời còn không được 1 tỷ đồng để xây nhà, tự nhiên giờ có vài tỷ đồng trong tay nên tôi quyết định bán ngay đất để mua chỗ khác rẻ hơn, tiền dư sẽ xây được căn nhà. Chứ có sống ở khu đó cũng chẳng buôn bán, kinh doanh được gì mà cứ mãi đứng nhìn lô đất không biết bao giờ thành nhà", bà Anh tâm sự.

Tại khu phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, khi "cơn sốt" đất tràn qua, nhiều người cũng chấp nhận bán nhà để lấy tiền mua ở một nơi xa hơn hưởng già.

Ông Bùi Hưng (được giới cò đất ở đây gọi là "thầy đất" bởi nhiều năm qua hoạt động mua nhà nát, tân trang lại để bán kiếm lời), cho biết ông đã gặp hơn chục trường hợp người dân rời phố về quê như vậy. "Nhiều người được con cái mua cho ngôi nhà để sinh sống sau khi về hưu, nhưng lớn tuổi không làm gì cũng buồn tay buồn chân, con cháu thì lâu lâu mới ghé thăm. Cứ nhà đất được giá là họ đều bán sau khi được con cái đồng ý, cầm số tiền lớn về các vùng ven mua đất rộng hơn, xây nhà có ao vườn để sống cạnh người thân trong gia đình", ông Hưng cho biết.

Cũng theo ông Hưng, sau khi bán nhà, nhiều người đã có thêm số tiền từ 5-20 tỷ đồng để gửi tiết kiệm hưởng già. "Thực ra thấy căn nhà mình sinh lời cao ai mà không ham vì họ sẽ có nhiều tiền tiết kiệm mà làm cật lực cả đời vẫn không thấy, vấn đề chính là nhiều người lớn tuổi sống ở thành phố cảm thấy cô độc nên họ tìm một môi trường sống khác", ông Hưng nói thêm.

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME