Tp.HCM quyết tâm lập lại trật tự tại các khu chung cư
Chung cư là loại hình nhà ở không thể tách rời trong đời sống đô thị của Tp.HCM, đáp ứng nhu cầu chỗ ở của người dân cũng như cơ hội đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, thực tiễn quản lý, sử dụng loại hình nhà ở này đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải giải quyết; trong đó nổi cộm việc sử dụng đúng công năng nhằm đảm bảo trật tự xã hội và mỹ quan đô thị.
Căn hộ chung cư thành trụ sở doanh nghiệp
Thời gian qua, nhiều căn hộ chung cư ở hầu khắp các quận, huyện trên địa bàn Tp.HCM đã được đặt làm trụ sở doanh nghiệp, chi nhánh cơ quan với nhiều ngành, nghề hoạt động khác nhau. Tình trạng này đang diễn ra tại hàng loạt chung cư: 239 Cách Mạng Tháng Tám ở quận 3; chung cư Hoàng Hoa Thám 3 tại quận Tân Bình; chung cư K300 ở quận Tân Bình; chung cư Bắc Đinh Bộ Lĩnh tại quận Bình Thạnh; chung cư Phan Văn Trị ở quận Gò Vấp...
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có tổng cộng 2.114 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký tại trụ sở với địa chỉ hoạt động là “căn hộ, chung cư.”
Thực tế, thông báo về việc doanh nghiệp không được kinh doanh tại căn hộ chung cư và phải đăng ký thay đổi địa chỉ từ căn hộ chung cư sang địa điểm khác không phải là căn hộ chung cư (trừ phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư) đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố phát đi từ cuối năm 2016.
Tuy nhiên, đến nay mới chỉ ghi nhận 430 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh đăng ký di dời trụ sở khỏi các khu chung cư.
Ngay tại trung tâm Tp.HCM, chung cư 42 Nguyễn Huệ, quận 1 vẫn đang có nhiều doanh nghiệp đặt trụ sở, văn phòng, chi nhánh. Biển hiệu công ty đua nhau trưng ra ngoài ban công với đủ màu sắc, kích cỡ, gây mất mỹ quan đô thị như Hiroshima, Booc Offee, Delight Kafe & Ten, Boo Coffee, Kawaii Nail, Metsign-Deli&Coffee House, ShiShi79, Saigon Vievx…
Chung cư 42 Nguyễn Huệ vẫn đang là địa điểm kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Ảnh: Yan
Bà Tăng Ngọc Hà, Phó Giám đốc Công ty Sao Kim chuyên kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn có trụ sở tại lầu 4, chung cư 42 Nguyễn Huệ, quận 1 (buôn bán càphê) cho biết công ty bà đã hoạt động gần 2 năm nay với 6 lao động. Nhờ được mượn lại căn hộ của người thân nên bà không phải mất tiền thuê lên tới 40 triệu đồng/tháng.
Tại chung cư 42 Nguyễn Huệ, phần lớn chủ nhân các căn hộ đều không sinh sống ở đây mà cho doanh nghiệp, các đơn vị kinh doanh thuê lại với mức giá từ 20-40 triệu đồng/tháng/căn.
“Công ty tôi đã đăng ký ngành, nghề và địa điểm kinh doanh tại chung cư 42 Nguyễn Huệ, chúng tôi đóng thuế đầy đủ; ngoài ra phải bỏ số tiền khoảng 600 triệu đồng để sửa sang, mua sắm thiết bị nên nếu phải di dời sẽ không thể thu hồi được số vốn ban đầu.
Vì thế, tôi kiến nghị thành phố cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh tại đây khoảng thời gian 1-2 năm để kịp thu hồi vốn cũng như sắp xếp tìm địa điểm mới,” bà Tăng Ngọc Hà đề xuất.
Gia hạn 6 tháng phải di dời
Ông Đỗ Phi Hùng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Tp.HCM cho biết kể từ tháng 3/2017 vừa qua, là thời điểm UBND thành phố phát công văn yêu cầu các sở ngành, UBND các quận huyện tổ chức kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đăng ký tại chung cư. Các đối tượng này sẽ có 6 tháng chuẩn bị di dời, nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định.
Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư Tp.HCM phân tích Luật Nhà ở năm 2014 quy định rõ, nhà chung cư có mục đích hỗn hợp gồm 2 phần: diện tích để ở và phần diện tích khác để sử dụng cho mục đích kinh doanh.
Do đó nếu sử dụng căn hộ để ở vào mục đích hoạt động kinh doanh là vi phạm (không đăng ký kinh doanh nhưng vẫn tổ chức, bố trí cho người khác làm nơi làm việc văn phòng, sản xuất chế biến sản phẩm...), còn nếu sử dụng phần diện tích khác để kinh doanh lại không vi phạm.
Việc xử lý vi phạm có thể áp dụng vào quy định cụ thể như căn cứ vào Nghị định 50/2016/NĐ-CP ngày 1/6/2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư hoặc áp dụng Nghị định 121/2013/NĐ-CP xử lý vi phạm quy định về quản lý, sử dụng nhà ở.
Tuy nhiên, nội dung Nghị định 121/2013/NĐ-CP lại không quy định mức xử phạt tiền nhưng vẫn có thể áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả để chấm dứt hành vi vi phạm.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt, Trưởng phòng đăng ký kinh doanh, Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp.HCM, cho biết các doanh nghiệp có đăng ký địa chỉ tại trụ sở chung cư nhưng theo quyết định phê duyệt dự án xây dựng chung cư không thuộc loại hình “căn hộ chung cư” mà thuộc phần diện tích dùng để kinh doanh sẽ không phải di dời. Tuy nhiên các doanh nghiệp này phải thực hiện theo đúng quy định tại Khoản 6 Điều 35 Nghị định 99/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc kinh doanh các ngành nghề, hàng hóa trong phần diện tích dùng để kinh doanh của nhà chung cư.
“Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các quận huyện tổng kiểm tra, rà soát cũng như tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, những khó khăn vướng mắc từ đó đề xuất lên UBND TP báo cáo Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương,” bà Nguyễn Thị Thanh Nguyệt nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp.HCM, cho rằng chỉ có thể cấm doanh nghiệp đặt trụ sở, văn phòng, chi nhánh tại chung cư đơn thuần để ở còn với những nơi chỉ mở văn phòng khởi nghiệp với quy mô từ 3 lao động trở xuống thì không nên cấm mà nên khuyến khích.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet