Tp.HCM: Quy hoạch “treo” bao giờ mới "xử"?
Kỳ họp chuyên đề về quy hoạch đô thị của HĐND Tp.HCM khóa 8 kết thúc hôm qua (5/10), với phần chất vấn Giám đốc Sở TN-MT Đào Anh Kiệt và Giám đốc Sở QH-KT Trần Chí Dũng.
Hầu hết chất vấn của các đại biểu (ĐB) về biện pháp giải quyết dự án “treo”, quy hoạch “treo” dường như không được trả lời một cách thỏa đáng khiến người dân sống trong vùng quy hoạch chưa thật sự an tâm. Nhắc đến dự án KCN Xuân Thới Thượng (H.Hóc Môn) được quy hoạch từ 2004, dù thay đổi nhiều chủ đầu tư nhưng vẫn chưa xong, ĐB Phạm Văn Bá chất vấn: “Các dự án nhà ở giao đất 3 năm nhưng chưa thực hiện thì thu hồi và chỉ cho gia hạn 1 lần tối đa là 12 tháng. Dự án này thì sao?”.
Giám đốc Sở QH-KT Trần Chí Dũng trả lời: “Các dự án đã có quy hoạch chi tiết, được duyệt trong thời gian 3 năm không triển khai thực hiện sẽ được rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo quy định. TP cũng đã tích cực điều chỉnh nhiều đồ án chi tiết”. Riêng dự án KCN Xuân Thới Thượng, ông Dũng cho rằng quy hoạch KCN trên cả nước đều được Chính phủ phê duyệt, TP cũng có những khu vực chưa khả thi nhưng phải làm theo quy trình, phải chờ Thủ tướng cho phép mới được điều chỉnh.
Khu Bình Quới - Thanh Đa, P.28 (Q.Bình Thạnh) bị “treo” suốt 20 năm qua. Ảnh: Diệp Đức Minh |
Cử tri Đỗ Văn Bá ở ấp 4, xã Phước Lộc (H.Nhà Bè) chất vấn qua điện thoại: “Hẻm 20 ở ấp 4 của chúng tôi thuộc dự án quy hoạch công viên cây xanh đã bị “treo” hơn 10 năm. Cử tri lo lắng là lộ trình của quy hoạch không được công khai? Trách nhiệm này thuộc về ai?”. Cũng với cách trả lời chung chung, ông Dũng cho biết sẽ phối hợp với H.Nhà Bè xem xét lại dự án này.
Chưa hài lòng với cách trả lời của giám đốc Sở QH-KT, các ĐB xoay qua chất vấn ông Đào Anh Kiệt. ĐB Nguyễn Văn Sơn hỏi thẳng: “Tại sao Q.2 có nhiều dự án chậm tiến độ, nhiều người dân không được cấp quyền sử dụng đất dẫn đến khiếu kiện kéo dài? Xin hỏi chế tài xử lý chủ đầu tư chậm tiến độ như thế nào?”. Không đi thẳng vào vấn đề, ông Kiệt cho biết sẽ cùng với Sở Xây dựng và các sở ngành khác buộc chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ.
Đề xuất giải pháp xóa dự án “treo”, ĐB Lâm Thiếu Quân nêu: “Các nước trên thế giới thực hiện đánh thuế 1% trên giá trị bất động sản hằng năm. Nếu TP cũng làm được điều này thì các chủ đầu tư buộc phải đẩy nhanh tiến độ dự án. Vậy, TP có chủ trương đánh thuế bất động sản hay không”. Tuy nhiên, câu hỏi của ĐB Quân cùng một số câu hỏi của các ĐB khác đã không được trả lời.
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Quyết Tâm đánh giá cách trả lời của lãnh đạo Sở TN-MT và Sở QH-KT “còn băn khoăn” nên đề nghị Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín “đăng đàn”. Ông Tín thay mặt UBND TP nhận khuyết điểm vì những bất cập trong xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch thời gian qua làm ảnh hưởng đến cuộc sống người dân TP, đồng thời cam kết đến 30.9.2013 sẽ hoàn tất việc rà soát tất cả các quy hoạch “treo”, dự án “treo” để có những điều chỉnh phù hợp. Theo ông Tín, căn cứ quy định pháp luật, TP chưa có chủ trương đền bù thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng bởi quy hoạch “treo”. Tuy nhiên, đối với nhà đất trong vùng quy hoạch “treo” nhưng chưa có quyết định thu hồi thì người dân được quyền mua bán, chuyển nhượng một cách bình thường và sẽ được UBND các quận, huyện xác nhận.
Phần lớn các dự án “treo” thuộc nguồn vốn ngân sách
Theo báo cáo của UBND Tp.HCM, tính đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn TP đang có 426 dự án có sử dụng đất, với diện tích 8.041,8 hecta đã được chấp nhận địa điểm đầu tư cho mục đích xây dựng khu nhà ở, sản xuất kinh doanh và phúc lợi công cộng.
Mặt khác, còn có 2.836 dự án đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất của UBND TP (chỉ tính từ ngày 1/1/2011- 31/12/2011).
Khu ấp Doi (Q.Gò Vấp) hiện nay cỏ cây mọc đầy vì dính dự án "treo" - Ảnh: Đình Sơn |
Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở TN-MT, chỉ mới có 50% dự án về nhà ở từ 2006 trở về trước cơ bản hoàn tất việc thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng và đã xây dựng, đưa vào sử dụng.
Sở TN-MT đánh giá, hiện nay, các dự án sử dụng đất vào sản xuất kinh doanh có mức độ hoàn tất cao vì hầu hết các chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân. Mặt khác, các doanh nghiệp có nhu cầu thật sự về mặt bằng để sản xuất kinh doanh.
Còn các dự án sử dụng đất vào mục đích phục vụ công cộng, có mức độ hoàn tất bồi thường chậm. Phần lớn các dự án tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng và triển khai dự án chậm thuộc nguồn vốn ngân sách do không thỏa thuận được giá bồi thường với người dân.
Theo ông Đào Anh Kiệt, Giám đốc Sở TN-MT Tp.HCM, các dự án chậm triển khai là do có một phần diện tích còn lại không thỏa thuận được giá bồi thường. “Người dân đòi giá bồi thường cao hơn khung giá quy định của Nhà nước”, ông Kiệt nói.
Sở Tài nguyên - Môi trường đánh giá, hiện nay, nhiều dự án được giao đất nhưng tiến độ thi công chậm, thậm chí là tạm ngưng thi công do tình hình kinh tế khó khăn, bất động sản giảm giao dịch, chính sách thắt chặt tín dụng. Đồng thời, người có nhu cầu nhà ở không có đủ khả năng về tài chính để sở hữu một căn hộ cho riêng mình.
Ông Kiệt cũng cho rằng, các dự án kinh doanh chủ đầu tư tự thỏa thuận bồi thường cho người dân là một trong những nguyên nhân góp phần đẩy giá đất tăng cao trong thời gian vừa qua làm ảnh hưởng đến việc bồi thường của các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
“Bên cạnh đó, một số chủ đầu tư không có năng lực vốn, năng lực về quản lý điều hành dự án, chỉ tham gia đầu tư theo phong trào nên dẫn đến dự án chậm hoặc không triển khai. Thậm chí, có doanh nghiệp chỉ lập thủ tục để được thu hồi - giao đất nhưng không triển khai đầu tư mà sau đó tìm cách chuyển nhượng dự án nhằm hưởng chênh lệch”, Giám đốc Sở TN-MT Tp.HCM nhìn nhận nguyên nhân dẫn đến các dự án “treo”.
Dân tạm cư chờ dự án
Kết quả giám sát của HĐND TP cho thấy: đến tháng 9/2006, trên địa bàn TP còn 4.715 hộ tạm cư dài hạn trên tổng số 62.695 hộ dân chấp hành chủ trương di dời, giải phóng mặt bằng của Nhà nước.
Đến thời điểm tháng 11/2007, quỹ nhà và nền đất đã được chuẩn bị đủ để giải quyết tái định cư cho 4.225 hộ tạm cư trong tổng số trên, đạt 91,1%.
Đến tháng 7/2010, TP đã cơ bản giải quyết tái định cư cho các hộ tạm cư thời gian dài nêu trên.
Tuy nhiên, tính đến tháng 4/2012, trên địa bàn TP có thêm 1.427 hộ tạm cư phát sinh tại 24 dự án. Trong đó, có 16 dự án sử dụng vốn ngân sách với 774/1.427 hộ tạm cư (chiếm 54%) và 8 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách với 653/1.427 hộ tạm cư (chiếm 46%).
Báo cáo của UBND TP cho biết, đến nay, TP có 83,02% diện tích đất đô thị đã được phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 (trong đó có 56,19% diện tích đất đô thị đã được phê duyệt đồ án). Đây là cơ sở thẩm định, phê duyệt các quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của các dự án đầu tư xây dựng.
Ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND TP - thừa nhận hạn chế lớn nhất trong các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 của TP hiện nay là chưa đề xuất được hạng mục ưu tiên đầu tư, kế hoạch thực hiện cũng như chưa xác định được nguồn lực đầu tư. Do đó, việc triển khai thực hiện theo quy hoạch thường bị kéo dài, gây bức xúc cho cộng đồng dân cư trong khu vực quy hoạch.
Trước tình hình trên, từ năm 2003 đến nay, UBND TP đã có quyết định thu hồi đất của chủ đầu 95 dự án không hoặc chậm triển khai thực hiện, dự án không khả thi, với diện tích 1.504,9 hecta.
(Theo TNO)
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet