Tp.HCM: Quy hoạch đô thị phải bền vững
Theo nhiều chuyên gia, quy hoạch đô thị muốn bền vững và đem lại lợi ích thực sự thì phải gắn liền với trình độ quản lý đô thị. Tuy nhiên Tp.HCM vẫn áp dụng mô hình quản lý cho một đô thị nhỏ.
Thúc đẩy phát triển vùng ven đô
UBND Tp.HCM vừa phê duyệt đồ án quy hoạch cho khu Bắc An Phú Đông của quận 12 (một quận vùng ven) với tổng diện tích gần 110ha. Đây là khu vực được xây dựng khu dân cư, kết hợp phát triển du lịch và chỉnh trang, xây dựng mới. Để tránh tình trạng ngập úng tồn tại nhiều năm tại các khu vực đô thị trung tâm, Tp.HCM cũng đã lưu ý trong quy hoạch về việc thoát nước, tổ chức hệ thống thoát nước riêng giữa nước bẩn và nước mưa.
Bên cạnh đó, UBND thành phố chủ trương "mạnh tay" đối với các dự án "treo" hoặc chậm triển khai để ưu tiên cho các đồ án quy hoạch và đầu tư mới. Thành phố đã giao Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao rà soát và xử lý, thậm chí thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và hợp đồng thuê đất trong trường hợp nhà đầu tư chậm triển khai, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến quy hoạch phát triển chung của thành phố.
Cho đến nay, UBND Tp.HCM cũng đã chấp thuận chủ trương về xác định vị trí khu đất xây dựng Khu chăn nuôi công nghệ cao tại huyện Bình Chánh và Khu Nông nghiệp công nghệ cao mở rộng tại huyện Củ Chi. Riêng đồ án quy hoạch Khu Thủy sản công nghệ cao tại huyện Cần Giờ đã được thành phố phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500.
Các khu vực ven đô sẽ được quy hoạch, phát triển đồng bộ, hiện đại.
Khu vực phía Đông và Đông Bắc cũng được thành phố phê duyệt quy hoạch, lấy trục Xa Lộ Hà Nội làm tâm mở rộng đô thị. Riêng Khu phức hợp Tân cảng Sài Gòn (thuộc quận Bình Thạnh) đã được UBND Tp.HCM phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Toàn khu có diện tích trên 430.000m2, với quy mô dân số khoảng 16.000 người.
Theo đó, Khu phức hợp Tân Cảng Sài Gòn sẽ hợp với các khu vực đô thị Nam Thị Nghè, Ba Son, Công viên Bạch Đằng, Cảng Sài Gòn hợp thành Khu bờ Tây sông Sài Gòn thuộc quy hoạch Khu Trung tâm hiện hữu thành phố có quy mô lên tới 930ha (hiện cũng đã được phê duyệt quy hoạch 1/2.000). Đối với từng khu quy hoạch, Tp.HCM cũng ưu tiên phát triển các khu kinh tế để tạo công ăn việc làm cho dân cư hiện hữu; đồng thời là "bệ đỡ" bền vững cho phát triển kinh tế - xã hội của từng khu trong quá trình đô thị hóa.
Theo Chủ tịch UBND Tp.HCM Lê Hoàng Quân, thành phố đã mạnh dạn đề xuất Chính phủ cho phép lập các khu kinh tế đặc biệt nằm trong các quy hoạch mở rộng đô thị của thành phố, góp phần thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và khu vực phía nam mà Thủ tướng đã phê duyệt. Theo đề xuất thì các khu kinh tế đặc biệt được hình thành tại các khu vực các quận 7, huyện Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Đây được coi là vùng kinh tế triển vọng "hướng ra biển" của đô thị trong tương lai.
Tổng nguồn vốn để Tp.HCM quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2025 sẽ vào khoảng 10 triệu tỷ đồng (tương đương 470 tỷ USD).
Nâng cấp về quản lý đô thị
Đánh giá về việc tái cấu trúc, quy hoạch đô thị dài hạn của Tp.HCM, nhiều chuyên gia cho rằng, việc mở rộng đô thị là cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý. Cụ thể, hiện thành phố vẫn áp dụng mô hình quản lý cho một đô thị nhỏ, trong khi quy mô dân số, cũng như tốc độ đô thị hóa đã lớn hơn rất nhiều. Nhiều ý kiến thậm chí còn cho rằng: Đô thị Tp.HCM đang "mặc chiếc áo quá chật".
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó ban Dân vận Trung ương từng chỉ ra 5 mối quan hệ cần phải làm rõ trong xây dựng mô hình phát triển cho đô thị Tp.HCM. Đó là các mối quan hệ giữa ủy ban hành chính thành phố với 4 thành phố vệ tinh; quan hệ giữa các quận/huyện hiện hữu và 193 phường; giữa ủy ban hành chính thành phố và các cơ quan trung ương đứng chân trên địa bàn;…
Ông Nguyễn Văn Hùng cũng chia sẻ, việc xây dựng một quy hoạch phù hợp cho thành phố là phức tạp hơn rất nhiều so với mô hình của TP Đà Nẵng vì Đà Nẵng hiện chỉ có 1 triệu dân, trong khi Tp.HCM có quy mô gấp đến 10 lần.
Còn Tiến sĩ Võ Trí Hảo (Giảng viên Khoa Luật Kinh tế - Đại học Kinh tế Tp.HCM) cho rằng quy hoạch đô thị muốn bền vững và đem lại lợi ích thực sự cho cư dân đô thị thì phải gắn liền với trình độ quản lý đô thị, nhất là một đô thị đặc biệt như Tp.HCM. Tiến sĩ Võ Trí Hảo đánh giá cao mô hình chính quyền đô thị do thành phố đề xuất, nhưng cho rằng trong quá trình phân cấp quản lý nên tập trung vào khâu cải cách hành chính để giảm bớt các thủ tục hành chính ở bất kỳ nơi nào cho người dân, không nhất thiết phải tại nơi mình đăng ký hộ khẩu thường trú như hiện nay.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet