Tp.HCM: Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc còn quá sơ sài
Ngày 18/6, Sở QH-KT Tp.HCM tổ chức hội thảo lấy ý kiến về quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn TP.
Nhiều ý kiến cho rằng thời gian và tiến độ phải hoàn thành dự thảo (ngày 1/7) là quá ngắn nên trước mắt cần chọn ra những vấn đề nóng, bức xúc nhất để trình TP. Sau đó sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dần quy chế này.
Một trong những vấn đề được quan tâm là việc chuyển đổi công năng và chức năng của các công trình xây dựng. Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, băn khoăn: “Đã có trường hợp nhà chung cư không bán được, chủ đầu tư xin chuyển đổi công năng thành bệnh viện nhưng chúng tôi còn ngần ngại. Nếu tuân thủ quy hoạch thì không cho phép chuyển nhưng thực tế là quận đang giải quyết theo hướng chấp thuận cho chuyển”. Đây cũng là vấn đề đang xảy ra tại một số địa phương như quận 9, 10, Tân Phú…
Ông Đoàn Nhật, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh, tỏ ra băn khoăn với quy định khuôn viên nhà ở thuần nông có diện tích không quá 500 m2 (vừa có nhà ở vừa có vườn, ao). Trong đó, mật độ xây dựng chỉ chiếm 30% là quá khắt khe với dân cư nông thôn, cần phải nghiên cứu thêm để phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Nhiều vấn đề khác được đặt ra tại cuộc họp như quản lý không gian kiến trúc, hạ tầng kỹ thuật đô thị cần phải có quy định rõ ràng để có cơ sở xử lý. Chẳng hạn ở quận 2 có tới 80% diện tích đất phải giải tỏa di dời và lập dự án mới. “Nếu không có quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc thì sẽ rất khó khăn. Do đó cần phải có những quy định thật cụ thể như trạm đầu mối về hạ tầng kỹ thuật, hệ thống bến, bãi liên quan đến hạ tầng kỹ thuật…” - ông Khiết đề xuất.
Theo dự thảo quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, mỗi công trình không được sử dụng quá ba màu sắc ở mặt tiền, mặt ngoài của nhà liên kế trong khu đô thị không được sử dụng các chi tiết trang trí rườm rà, chi tiết mô phỏng kiến trúc cổ điển châu Âu, phù điêu, tượng, điêu khắc, mái chóp, mái vảy ngói trên các bancông, lô gia, sân thượng của công trình. Đối với dãy nhà phố liên kế trong khu đô thị mới phải tổ chức hành lang đi bộ có mái che cao 2m. Toàn địa bàn TP được chia thành ba vùng (nội thành cũ, nội thành phát triển và vùng ngoại thành) để quản lý không gian kiến trúc. Quy chế trên sẽ là cơ sở để các địa phương và Sở Xây dựng TP cấp giấy phép xây dựng cho người dân và doanh nghiệp từ ngày 1/7, sau khi UBND TP thông qua. |
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet