Tuy nhiên, hầu hết dự án đường trên cao đến nay vẫn chưa tìm được lối ra.

Chê dự án đường trên cao?

Tại Tp.HCM, từ lâu các nhà quy hoạch đã có ý tưởng về đường trên cao, nhưng mãi đến năm 2007, Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải Tp.HCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 mới bắt đầu định hình 4 tuyến đường trên cao liên thông với nhau để giải quyết giao thông trực tuyến ở các trục có lưu lượng phương tiện lớn.

Cụ thể, tuyến 1 từ nút giao Cộng Hòa theo đường Cộng Hòa - Bùi Thị Xuân - kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè và tiếp đất tại đường Nguyễn Hữu Cảnh.

Tuyến 2 từ điểm giao với tuyến số 1 tại đường Tô Hiến Thành nối dài theo đường Tô Hiến Thành - Lữ Gia - Bình Thới - Lạc Long Quân - đường số 3 - đường vành đai 2.

Tuyến 3 từ điểm giao với tuyến số 2 tại đường Tô Hiến Thành theo đường Lê Hồng Phong nối dài - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Nguyễn Văn Cừ nối dài - Lê Văn Lương - Nguyễn Văn Linh.

Tuyến 4 từ nút giao thông Bình Phước theo Quốc lộ 13 vượt sông Sài Gòn - đường Vườn Lài - Nguyễn Xí - Đinh Bộ Lĩnh - Điện Biên Phủ nối vào tuyến số 1.

Tp.HCM: Nan giải dự án đường trên cao | ảnh 1
Phối cảnh đường trên cao số 1 tại điểm đầu đường Cộng Hòa (quận Tân Bình).

10 năm trước, khi các tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hoàng Văn Thụ - Phan Đăng Lưu, Điện Biên Phủ... chưa được nâng cấp, mở rộng, tuyến số 1 được lên kế hoạch gồng gánh nhiệm vụ kết nối giao thông từ sân bay Tân Sơn Nhất, khu Tây Bắc với khu trung tâm hiện hữu và sau này là khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Thuận lợi nhất của dự án xây dựng tuyến đường trên cao số 1 là công tác giải phóng mặt bằng không ảnh hưởng nhiều do dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, chỉnh trang đường song hành Trường Sa - Hoàng Sa đã đi trước một bước.

Năm 2007, Công ty GS E&C (Hàn Quốc) đạt thỏa thuận với UBND TP đầu tư tuyến số 1 theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Tuy nhiên, do gặp khó khăn về vốn,  Công ty GS E&C xin rút để dồn nguồn lực cho dự án đường nối Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài mà công ty này đang đầu tư.

Sau đó, một số tập đoàn của Nhật Bản, Hồng Công cũng đặt vấn đề đầu tư song đều rút lui vì phương án đầu tư kém hiệu quả, thiếu khả thi.

Tuyến số 2 đã được Tập đoàn Wijaya Baru Global Berhah (Malaysia) lập báo cáo nghiên cứu khả thi và ký thỏa thuận với UBND TP để đầu tư theo hình thức BOT. Không như tuyến số 1, dự án đường trên cao số 2 bị vướng mặt bằng ở nhiều khu dân cư, đặc biệt là quy hoạch ga Hòa Hưng và đường sắt quốc gia, chi phí giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng mức đầu tư.

Tập đoàn Malaysia cũng chính thức nói lời “tạ từ” sau bao nhiêu công sức đổ vào. 2 dự án khả thi nhất trong 4 dự án đường trên cao bị các nhà đầu tư nhiều tiềm lực “chê”, gây khó khăn trong việc tìm kiếm nhà đầu tư cho các dự án còn lại.

Quá hớp vốn đầu tư

Có thể nói, các dự án hạ tầng giao thông ở Tp.HCM đều gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Nhưng đây không phải là lý do chính khiến các nhà đầu tư thoái lui nếu dự án khả thi, có tiềm năng khai thác lớn hoặc nhòm ngó đâu đó một khu đất ưng ý (đổi đất lấy hạ tầng). Bởi vấn đề giải phóng mặt bằng những “siêu” dự án này thường được các quận huyện đảm trách và cam kết giao đất sạch đúng thời hạn cho nhà đầu tư.

Các chuyên gia giao thông cho rằng chi phí đầu tư trên mỗi km đường trên cao xấp xỉ hoặc lớn hơn so với đường cao tốc. Do đó, khó khăn lớn nhất đối với các dự án đường trên cao là vốn đầu tư lớn. Ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư 4 tuyến đường trên cao hiện nay ngốn hơn 50.000 tỷ đồng.

Cụ thể, tuyến số 1 có chiều dài gần 8,5km, tổng mức đầu tư gần 15.000 tỷ đồng. Tuyến số 2 dài gần 10km với tổng mức đầu tư trên 14.000 tỷ đồng và tuyến số 3 với chiều dài 7,2km, tổng mức đầu tư dự kiến 10.000 tỷ đồng. Tuyến số 4 có chiều dài 7,7km với tổng mức đầu tư  hơn 11.000 tỷ đồng.

Đây là khoản tiền lớn và dĩ nhiên không thể trông chờ vào nguồn vốn ngân sách đang bị siết lại. Còn phương án kêu gọi đầu tư theo hình thức BT, BOT hay PPP thì TP phải có quỹ đất dồi dào và người dân phải chi trả cho dịch vụ cầu đường các khoản phí khá cao để nhà đầu tư hoàn vốn.

Điển hình như dự án đường trên cao số 4. Hiện Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) đã trình phương án nghiên cứu khả thi và nếu thuận lợi sẽ khởi công trong năm nay. Tuyến số 4 dài khoảng 7,7km, bề mặt cắt ngang 17,5m với 4 làn xe (2 chiều), suốt tuyến có 4 nút giao và vận tốc thiết kế 60-80km/giờ.

Ước tính tổng kinh phí thực hiện dự án gần 11.457 tỷ đồng. Theo CC1, chi phí xây dựng nhà đầu tư tự thu xếp khoảng 6.900 tỷ đồng, chi phí đền bù giải phóng mặt bằng sử dụng ngân sách TP khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu triển khai trong quý I-2012 thì công trình sẽ đưa vào khai thác vào quý IV/2015.

Dự án dự kiến sẽ thực hiện theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) và BT (xây dựng - chuyển giao). Nhà đầu tư sẽ thu xếp vốn thực hiện xây dựng toàn bộ tuyến đường trên cao và thu phí 15-20 năm để hoàn vốn 11,09% chi phí đầu tư xây dựng và toàn bộ chi phí duy tu bảo dưỡng trong thời gian thu phí.

Phần còn lại, khoảng 89,91% giá trị đầu tư sẽ được thu hồi từ việc khai thác quỹ đất lập dự án kinh doanh tại bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh) hoặc một số quỹ đất có giá trị thương mại khác do nhà đầu tư nghiên cứu đề xuất.

(Theo ĐTTC)

- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:

>>>Tủ giày thông minh X HOME

>>>Bàn ghế học sinh X HOME

>>>Giường ngủ X HOME

>>>Giường gấp thông minh X HOME