Tp.HCM: Lấy nhà hợp pháp của người này cấp cho người khác?
Nhà sở hữu hợp pháp mấy chục năm trời của một Đảng viên, cán bộ Cách mạng lão thành, được Sở nhà đất (cũ) có văn bản xác nhận hợp pháp, thế nhưng, UBND Q.8, Tp.HCM vẫn lấy cấp cho cán bộ địa phương, khiến người dân khổ sở khiếu nại ròng rã.
Nguồn gốc…
Căn nhà số 70 – 72, đường Đinh Hòa, Q8 nguyên trước đây là do ông Trương Văn Kỳ đứng tên mua vào năm 1931 và cả gia đình đều sinh sống ở đây. Đến năm 1937, vợ ông Kỳ chết, ông Kỳ ở vậy nuôi 3 con nhỏ và cùng sinh sống trong căn nhà này. Sau đó ông Kỳ tham gia cách mạng chống Pháp, chống Mỹ rồi tiếp tục tập kết ra miền Bắc để lại ba người con ở miền Nam. Thời điểm này ở miền Nam vì điều kiện khó khăn, các con ông đã dùng căn nhà cho thuê để có tiền sinh sống hàng ngày.
Căn nhà số 70 -72 của cán bộ kháng chiến Trương Văn Kỳ. |
Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, các con ông Kỳ tiếp tục cho hai hộ là bà Trương Thị Nguyệt và Trần Thị Tú thuê nhưng không lấy tiền nhà. Đến năm 1985, ông Trương Văn Kỳ chết, sau đó các con ông đã tiến hành thủ tục kê khai di sản thừa kế hai căn nhà nói trên nhưng UBND Q.8 từ chối việc khai nhận di sản này.
Bức xúc, các con ông Kỳ đã khiếu nại đến UBND Tp.HCM và trong khi đang chờ giải quyết khiếu nại thì năm 1991, UBND Q.8 đem căn nhà số 70 cấp cho ông Trần Văn Hồng, và căn nhà số 72 cấp cho bà Trần Thị Tú?
Ông Trương Kỳ Trung – con trai của ông Trương Văn Kỳ - phản ánh: “Từ trước đến nay gia đình chúng tôi chưa nhận được văn bản, hay quyết định hành chính nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về việc quản lý và thu hồi hai căn nhà của chúng tôi. Như vậy, về mặt pháp lý nhà vẫn thuộc quyền sở hữu của gia tộc tôi. Không biết trên cơ sở nào và tại sao UBND Q.8 lại cấp cho các hộ trên”?
Đâu là cơ sở pháp lý?
Theo “lý luận” của UBND Q.8 (Văn bản số 340/VT-UB ngày 2/11/1991 trả lời gia tộc ông Kỳ), căn cứ Thông tư số 31/BXD của Bộ Xây dựng giải thích và hướng dẫn thi hành chính sách quản lý và cải tạo XHCH đối với nhà đất ở đô thị các tỉnh phía Nam ngày 18/10/1977 có nói: “Đối với công nhân viên chức nhà nước cách mạng tính từ ngày 30/4/1975 và Đảng viên có nhà cho thuê thì giao những nhà đó cho Nhà nước quản lý”. Tuy nhiên thực tế Nhà nước chưa hề có văn bản quản lý đối với nhà này, ngoài ra trong lúc chiến tranh loạn lạc ông Kỳ đi kháng chiến thì căn nhà là do các con ông cho thuê để có thể sống qua ngày.
Đáng nói, trước thời điểm UBND Q.8 có văn bản số 340/VT-UB giải thích này, ngày 30/7/1991, Sở Nhà đất Tp.HCM (nay là Sở Xây dựng) đã có Văn bản số 2044 tham mưu cho UBND Tp.HCM, đồng thời hướng dẫn đích danh UBND Q.8, trong đó nói rõ: “Ông Trương Văn Kỳ là người trực tiếp tham gia Cách mạng thời kỳ chống Pháp và Mỹ, có 2 căn nhà tại Q.8, Nhà nước chưa có quyết định xử lý.
Sở Nhà đất đề xuất: Không đưa nhà số 70 – 72 Đinh Hòa vào diện Nhà nước quản lý. UBND TP cần có văn bản yêu cầu UBND Q.8 thu hồi quyết định cấp nhà số 70 Đinh Hòa đã cấp. Đồng thời để các thừa kế của ông Trương Văn Kỳ được hưởng thừa kế theo luật định… Thế nhưng, UBND Q.8 vẫn không chịu thực hiện, bất chấp chỉ đạo của Sở Nhà đất, đồng thời giải thích cho người dân hoàn toàn trái ngược như văn bản số 340/VT-UB.
Vào thời điểm ngày 5/10/1991 tức là trước khi UBND Q.8 có văn bản trả lời người dân, thì Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư số 383/TT-BXD-ĐT, hướng dẫn thi hành Quyết định 297 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng về việc giải quyết một số vấn đề nhà ở giải thích: “Hầu hết nhà ở do Nhà nước quản lý đều đã hoàn tất các thủ tục kê khai, bàn giao và Nhà nước đã ra quyết định quản lý. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khách quan, cũng có một số trường hợp khi cơ quan Nhà nước tiến hành quản lý, sử dụng nhà ở đã không làm các thủ tục giao nhận, không ra quyết định quản lý, cá biệt có trường hợp xử lý sai so với chính sách lúc đó”.
Vì thế tại Điểm 4, Mục I của Thông tư xác định rõ: “Nhà ở trong diện cải tạo nhưng cho đến ngày 1/7/1991 mà Nhà nước không tiến hành các thủ tục quản lý và thực tế cơ quan Nhà nước không quản lý hoặc sử dụng (thường gọi là cải tạo sót) thì Nhà nước vẫn công nhận quyền sở hữu của chủ nhà, và họ có quyền định đoạt nhà ở của mình theo quy định của Pháp luật...”. Đây chính là những trường hợp như của ông Trương Văn Kỳ mà pháp luật muốn đề cập đến, thế nhưng hướng dẫn này của Bộ xây dựng cũng bị UBND Q.8 coi “có cũng như không” và không chấp hành.
Đặc biệt, trong Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11của Quốc hội, tại Điều 4, Chương II của Nghị quyết đã xác định: “Đối với nhà đất mà chủ sở hữu tuy thuộc diện thực hiện các chính sách quy định tại Điều 2 của Nghị quyết số 23/2003/QH11 nhưng đến ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, cơ quan nhà nước chưa có văn bản quản lý, chưa bố trí sử dụng nhà đất đó thì Nhà nước không thực hiện việc quản lý theo quy định của các chính sách trước đây. Việc công nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định của pháp luật.”
Thế nhưng mặc cho các văn bản, mặc những hướng dẫn liên quan vấn đề này liên tục được ban hành, giải thích, UBND Q.8 vẫn không áp dụng xử lý căn nhà 70-72 Bình Hòa cho người dân, khiến Thành ủy, UBND Tp.HCM mới đây đã phải đích danh yêu cầu Sở Xây dựng xem xét, giải quyết về trường hợp này.
Hiện cả gia tộc ông Trương Văn Kỳ đang hồi hộp chờ Sở Xây dựng Tp.HCM sẽ nghiên cứu văn bản số 2044 của “tiền bối” là Sở Nhà đất (cũ) ra sao, đồng thời vận dụng các Thông tư số 383/TT-BXD-ĐT của Bộ Xây dựng và Nghị quyết 755/2005/NQ-UBTVQH11của Quốc hội vào trường hợp này như thế nào…
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet