Tp.HCM là vùng động lực phát triển kinh tế cả nước
Mới đây, UBND Tp.HCM và Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học “Quản lý quy hoạch - kiến trúc Tp.HCM” nhân kỷ niệm Ngày Đô thị Việt Nam (8/11).
Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cho biết, công tác phát triển đô thị luôn được xem là một trong các lĩnh vực hoạt động trọng tâm của ngành xây dựng. Những năm qua, mặc dù kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi những ảnh hưởng bất lợi của bối cảnh kinh tế thế giới nhưng công tác phát triển đô thị vẫn thường xuyên được quan tâm, đồng thời đã đạt được những kết quả quan trọng.
Tính tới tháng 10/2015, nước ta có 788 đô thị với tỷ lệ đô thị hóa đã đạt 35,2%. Đặc biệt, diện mạo đô thị có nhiều thay đổi theo hướng hiện đại, văn minh, tạo dựng được các không gian đô thị mới, từng bước đáp ứng nhu cầu đối với môi trường sinh sống và làm việc có chất lượng. Hằng năm, khu vực đô thị đóng góp khoảng 70% GDP của toàn quốc, khẳng định vai trò là động lực phát triển kinh tế cho mỗi địa phương, các vùng cũng như cả nước.
Tp.HCM là đô thị đặc biệt của Việt Nam và cũng là một trong các đô thị lớn của khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thành phố luôn khẳng định được vị trí và vai trò là đô thị hạt nhân, chủ đạo, đầu tàu của vùng, khu vực, đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế toàn cầu của đất nước.
Thành phố phát triển kinh tế nhanh với tốc độ tăng trưởng ổn định và luôn ở mức cao, đóng góp trên 20% GDP toàn quốc và trên 30% ngân sách quốc gia. Kết cấu về hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung vào đầu tư xây dựng, ngày càng hình thành rõ nét đô thị hiện đại, văn minh. Không gian đô thị được mở rộng không ngừng. Nhiều công trình được chỉnh trang, xây dựng mới với quy mô hiện đại, đáp ứng được yêu cầu mỹ quan và thân thiện môi trường. Đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân được cải thiện, nâng cao.
Đồng thời, thành phố cũng là đô thị đi đầu trong toàn quốc thí điểm chính quyền đô thị, tập trung có trọng điểm và trọng tâm xây dựng những khu đô thị mới văn minh, hiện đại xứng tầm khu vực (khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm...), các dự án khai thác thế mạnh và tiềm năng không gian ngầm, các dự án cải tạo đô thị và môi trường (dự án kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè...), đặc biệt chú trọng đến việc phát triển nhà ở xã hội, từng bước xóa sổ các khu nhà ổ chuột.
Một góc Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng
Song, tăng trưởng kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng vì xu hướng tập trung hóa đô thị đã khiến thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức về quản lý đô thị. Đó là việc gia tăng ùn tắc giao thông, tai nạn bởi dịch vụ giao thông công cộng và cơ sở hạ tầng giao thông vận tải thiếu, không đáp ứng đủ nhu cầu dân cư đông đúc.
Tình trạng ô nhiễm môi trường, úng ngập nước diễn ra ngày càng nghiêm trọng vì ảnh hưởng của nước biển dâng, biến đổi khí hậu; hệ thống hạ tầng xã hội, nhà ở vẫn chưa đáp ứng nhu cầu... Đứng trên quan điểm khoa học, nhằm phát triển một cách có hiệu quả và giảm thiểu các rủi ro, việc phát triển thành phố cần có sự liên kết phát triển trong vùng thành phố do đây là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, giao thương quốc tế và bảo đảm an ninh - quốc phòng ở nước ta.
Trong thời gian qua, Bộ Xây dựng đã phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả cùng UBND Tp.HCM và các tỉnh trong vùng nhằm tập trung hoàn thiện Quy hoạch xây dựng vùng Tp.HCM làm cơ sở xây dựng các định hướng lớn cho việc phát triển toàn diện vùng thành phố. Việc phát triển có tính liên kết thông qua việc kết nối hệ thống hạ tầng, chia sẻ lợi thế và tiềm năng sẽ góp phần tạo ra các động lực tương hỗ, tạo nên nền tảng tốt cho mục tiêu phát triển bền vững của cả khu vực.
Đối với Tp.HCM, để trở thành thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình; giữ vai trò đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội; sớm trở thành một trong các trung tâm lớn về kinh tế, thương mại, tài chính, khoa học - công nghệ của khu vực Đông Nam Á, một trong các nhiệm vụ quan trọng thành phó cần tập trung triển khai là làm tốt hơn nữa công tác quy hoạch; tập trung chỉ đạo và có các giải pháp đủ mạnh để huy động mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước, đầu tư xây dựng đồng bộ về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị, đặc biệt là hạ tầng giao thông.
Hoàn thành cơ bản việc giải quyết cơ bản tình trạng úng ngập nước, ùn tắc giao thông; kết nối hạ tầng các tỉnh, thành phố trong vùng; tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường, chủ động thích ứng, hạn chế tác hại của nước biển dâng, biến đổi khí hậu. Tổ chức lại đời sống dân cư song song với việc quy hoạch, đầu tư xây dựng những khu đô thị vệ tinh theo hướng hiện đại, văn minh; tập trung phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội...
Với mục đích tạo hành lang pháp lý đầy đủ và đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển bền vững các đô thị Việt Nam, nhất là các đô thị lớn, Bộ Xây dựng thời gian qua đã tập trung xây dựng đồng bộ hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực phát triển đô thị và xây dựng như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Xây dựng, Nghị định 11/2013/NĐ-CP về việc quản lý đầu tư phát triển đô thị...
Đồng thời, Bộ đang tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình, định hướng do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như: Chương trình Phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020, Chương trình Nâng cấp đô thị quốc gia đến năm 2020 và Đề án Phát triển đô thị Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu, Định hướng Phát triển hệ thống đô thị quốc gia đến năm 2020...
Đặc biệt, công tác phối hợp với Tp.HCM trong việc giải quyết nhiều vấn đề về phát triển đô thị và nhà ở, quản lý đầu tư xây dựng... được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng và thay đổi diện mạo đô thị theo hướng hiện đại, văn minh.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet