Tp.HCM kiến nghị Chính phủ gỡ vướng để cấp GCN QSDĐ
UBND TP vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (GCN) trong năm 2013.
Theo đó, TP đã hoàn thành việc cấp GCN cho hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ trước ngày 30/9 đủ điều kiện cấp giấy (đạt khoảng 99% so với chỉ tiêu được giao).
Hiện TP còn tồn đọng hơn 156.000 trường hợp nhà, đất chưa được cấp GCN, trong đó có hơn 120.000 trường hợp không đủ điều kiện. Gần 20.000 trường hợp người dân không có nhu cầu cấp giấy nên TP đang lập danh sách để quản lý. Số còn lại sẽ giải quyết xong đến thời điểm cuối năm 2013.
Thời gian qua TP đã có nhiều văn bản tháo gỡ vướng mắc nên sẽ có thêm hơn 7.000 trường hợp nhà ở riêng lẻ và nhà trong dự án được giải quyết cấp giấy.
Theo báo cáo, TP hiện đang còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực cấp giấy như cách tính tiền sử dụng đất với trường hợp cấp trái thẩm quyền trước ngày 15/10/1993; mua bán giấy tờ tay; không phù hợp quy hoạch, xây không phép… Những vướng mắc này trước đây TP đã có văn bản kiến nghị Chính phủ cho phép cấp giấy cho dân nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi.
Đáng chú ý, trong báo cáo lần này TP kiến nghị cấp GCN cho trường hợp chuyển nhượng nhà đất bằng giấy tay sau ngày 1/7/2004 (đối với quyền sử dụng đất) và sau 1/7/2006 (đối với nhà ở) vì việc liên lạc với chủ cũ để thực hiện đúng quy trình là rất khó khăn. Từ đó TP kiến nghị điều chỉnh Luật Đất đai, Luật Nhà ở theo hướng xử phạt vi phạm hành chính, sau đó cấp GCN theo quy định.
Đối với các trường hợp nhà ở xây dựng không phép từ sau ngày 1/4/2004 đến trước ngày 1/5/2009 (ngày NĐ 23/2009 hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng có hiệu lực) hiện nay chưa có quy định xử lý. TP kiến nghị được xử lý như trường hợp xây sai phép: Nếu công trình không lấn chiếm không gian, đất đai, chỉ giới xây dựng, chỉ giới đường đỏ, không ảnh hưởng công trình lân cận… thì cho phép chủ đầu tư giữ nguyên công trình với điều kiện khi thực hiện quy hoạch xây dựng chi tiết tỉ lệ 1/500 được duyệt, chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai phép mà không được bồi thường.
- Quý khách tham khảo thêm các chuyên mục khác của X HOME:
CHIA SẺ & BÌNH LUẬN
Tweet